Sáng tạo “Găng tay phục hồi chức năng” cho người đột quỵ

NDO -

Với mong muốn giúp cho người bị đột quỵ có điều kiện tự tập luyện phục hồi tại nhà, nhóm bạn trẻ ANNAM sinh viên Trường đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) đã tạo ra sản phẩm “Găng tay phục hồi chức năng”.

Bốn bạn trẻ cùng sản phẩm của mình tại cuộc thi EPICS.
Bốn bạn trẻ cùng sản phẩm của mình tại cuộc thi EPICS.

Nhóm sinh viên gồm: Lê Nhất Chính (khoa Cơ khí), Nguyễn Thị Hiền (khoa Hóa), Nguyễn Hữu Việt (khoa Cơ khí), Đào Duy Anh (khoa Điện).

Trước đó, qua nghiên cứu, nhóm nhận thấy tình trạng số ca mắc đột quỵ ngày càng tăng, mỗi năm có khoảng 200.000 ca đột quỵ xảy ra ở Việt Nam. Thông qua thực tế, các bệnh viện trên thành phố Đà Nẵng thường xuyên bị quá tải bệnh nhân ở khoa Phục hồi chức năng. Vì vậy, mỗi bệnh nhân chỉ có khoảng 40 phút để hỗ trợ tập luyện từ đầu, vai, cổ, chân, tay dẫn đến chất lượng luyện tập không đạt hiệu quả cao. Số ca đột quỵ tăng cao dẫn đến tình trạng quá tải bệnh nhân khiến các kĩ thuật viên phải làm việc liên tục và kéo dài.

Nhóm cũng tìm hiểu về các công cụ hỗ trợ phục hồi trên thị trường, đa số là những công cụ thông thường, không đạt được nhiều kết quả trong việc tập luyện. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh còn kéo dài và phức tạp, việc luyện tập của bệnh nhân cũng bị gián đoạn ngắt quãng, làm cho phần chi phí chữa trị tăng cao.

Sáng tạo “Găng tay phục hồi chức năng” cho người đột quỵ -0
Nhóm ANNAM đang cố gắng hoàn thiện hơn sản phẩm. 

Trước những vấn đề như vậy, nhóm ANNAM đã nảy ra ý tưởng và tạo ra sản phẩm “Găng tay phục hồi chức năng”. Đây là găng tay kháng lực phục hồi chức năng sử dụng công nghệ robot mềm, có thể hỗ trợ cho người bị liệt bàn tay sau đột quỵ.

Găng tay có gắn các ngón tay mềm được làm từ vật liệu silicon và hoạt động dựa trên lực khí nén. Khi bơm khí hoạt động làm áp suất trong các ngón tay tăng lên, ngón tay mềm sẽ co lại, từ đó tạo nên chuyển động nắm cho người bệnh.

Toàn bộ các linh kiện điện tử được tách biệt hẳn nên không gây nguy hiểm khi sử dụng đặc biệt đối với những người cao tuổi. Găng tay này có thể giúp cho bệnh nhân tự luyện tập ở nhà một cách chủ động hơn mà không cần sự hỗ trợ của nhân viên y tế.

Lê Nhất Chính, trưởng nhóm ANNAM chia sẻ: “Từ lúc lên ý tưởng và tạo ra sản phẩm, cả nhóm thực hiện trong 5 tháng. Nhưng có nhiều lần nhờ sự thử nghiệm của các bệnh nhân thì không nhận được sự tán thành với lí do sản phẩm chưa phù hợp. Tuy nhiên, nhóm vẫn quyết tâm làm, khắc phục để chứng minh là sản phẩm có ích”.

Bốn bạn đều đang là sinh viên năm 3 và năm 4 nên luôn “nghịch” giờ học và giờ thực hành nhóm, vì vậy, các bạn dành thời gian giữa trưa hoặc sau giờ chiều để có thể thực hiện ý tưởng.

Mang sản phẩm của mình tới tham dự Cuộc thi Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng (Engineering Projects in Comminity Services-EPICS) năm 2022 vừa qua, nhóm đã xuất sắc dành giải Nhất.

Thầy Phạm Anh Đức, giảng viên hướng dẫn đề tài của nhóm cho biết: “ANNAM đã thực hiện tốt trong công đoạn “Nhận định dự án”, xác định được sự khả thi của sản phẩm, xác định được công năng thật sự cần cho đối tượng liên quan mà nhóm lựa chọn. Vì vậy, tôi tin tưởng vào ý tưởng của các em và hỗ trợ có thể những lúc các em thắc mắc để có thể giúp các em hoàn thiện. Mong rằng có thể ứng dụng vào thực tế trong thời gian tới khi sản phẩm đã đạt đủ tiêu chuẩn”.

Có được giải thưởng là món quà lớn của cả nhóm bởi các bạn cũng không nghĩ tới việc có thể vượt qua được các ý tưởng khác như vậy. Tuy nhiên, đây cũng là động lực mạnh mẽ để các em nỗ lực hơn trong nghiên cứu, sáng tạo và hoàn thiện sản phẩm. “Nhóm cũng mong muốn đưa sản phẩm thành dự án công nghiệp để có thể phục vụ các bệnh nhân, giúp họ tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại. Bên cạnh đó, với sự cầu thị của nhóm, nhóm vẫn có mong muốn nhận được sự hỗ trợ để sản phẩm nhỏ gọn, dễ dàng đưa vào thực tế sử dụng giúp cho người bệnh dễ dàng sử dụng hơn thông qua việc lấy thêm phản hồi cho sản phẩm”, Nguyễn Thị Hiền tâm sự.

EPICS là một cuộc thi dành cho các sinh viên thuộc các lĩnh vực STEM-khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học kết hợp để triển khai những dự án thực phục vụ cộng đồng bằng cách sử dụng kỹ năng giải quyết dự án kĩ thuật. Đây là lần thứ 6 EPICS được tổ chức tại Việt Nam.