Mới đây, Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (trụ sở tại huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành thủ tục tự công bố lưu hành hai giống nho NH01-152 (nho ăn tươi) và NH02-97 (nho để chế biến rượu) theo hướng dẫn tại Nghị định 94/2019/NĐ-CP của Chính phủ và chính thức được phép phát triển sản xuất tại Ninh Thuận.
Phát triển nhiều giống nho mới
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận Đặng Kim Cương cho biết: Nhằm chủ động thay thế các giống nho ăn tươi đang thoái hóa, Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (viết tắt là Viện) đã nghiên cứu thành công và cung cấp các giống nho đỏ (Red cardinal) và giống nho xanh NH01-48 (nho ăn quả tươi) cho nông dân sản xuất đại trà. Toàn tỉnh có khoảng 1.200ha trồng nho các loại; trong đó, hai giống nho đỏ và nho xanh NH01-48 chiếm khoảng 80% diện tích, mỗi năm, cung cấp cho thị trường khoảng 30.000 tấn; trong đó, nho ăn quả tươi chiếm 80% sản lượng.
Năm 2019, nông dân bắt đầu sản xuất giống nho ăn quả tươi NH01-152 và giống nho làm rượu NH02-97 theo quy trình hai vụ/năm. Với nhiều ưu điểm vượt trội, cây nho NH01-152 sinh trưởng tốt, mỗi chùm quả chín có trọng lượng từ 0,5 đến 0,8kg. Năng suất bình quân đạt từ 12-16 tấn/ha/vụ. Cá biệt, có nhiều hộ thu hoạch từ 18-20 tấn/ha/vụ.
Thương lái thu mua tại vườn từ 100-120.000 đồng/kg (cao gấp 3-4 lần so với giống nho đỏ Cardinal và gấp 2-3 lần nho xanh NH01-48). Chất lượng quả nho NH01-152 tương đương với nho cùng loại từ nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam. Giống nho NH02-97 sinh trưởng khỏe, kháng sâu bệnh tốt, quả nho chín có mầu tím đen, chùm quả to, hương vị thơm đặc trưng, thích hợp để chế biến rượu vang đỏ. Với năng suất cao, chất lượng tốt, giống nho này được kỳ vọng sẽ cung ứng nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy trong nước chế biến rượu vang đỏ nâng chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh với sản phẩm rượu vang nhập từ nước ngoài.
Những năm qua, Viện được UBND tỉnh Ninh Thuận giao nhiệm vụ lưu giữ vườn tập đoàn quỹ gien với gần 200 mẫu giống nho. Qua nghiên cứu, Viện đã chọn tạo được nhiều giống nho rượu khác sinh trưởng tốt và đưa vào sản xuất, vừa xây dựng vùng nguyên liệu chế biến vừa tạo đột phá mới cho thương hiệu nho của tỉnh. Hiện, ba giống nho rượu: NH02-90 và NH02-97 để sản xuất rượu vang đỏ và giống NH02-37 cho sản xuất rượu vang trắng đã được Viện chuyển giao cho nông dân.
Qua thực tế, các giống nho này đều thích nghi với khí hậu và thổ nhưỡng tại Ninh Thuận; trong đó, giống nho NH02-90 (nho Syrah) đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và đưa vào sản xuất đại trà. Hai giống còn lại đang hoàn thiện hồ sơ công bố giống lưu hành theo quy định của Luật Trồng trọt. Đồng thời, Viện đang khảo nghiệm sản xuất các giống nho rượu: NH02-66, NH02-137 và NH02-145.
Đưa công nghệ cao vào sản xuất
Hiện, nông dân Ninh Thuận đang áp dụng mô hình trồng nho ăn quả tươi trong nhà màng và trồng nho làm rượu bằng cách cột thân cây nho dựa theo cọc hàng rào dựng đứng hình chữ Y (không để thân cây nho leo lên giàn như cách truyền thống), kết quả, không chỉ giảm thiểu nhiều yếu tố bất lợi của thời tiết mà còn nâng cao năng suất và chất lượng quả nho, mở ra giải pháp tốt để thay thế cách trồng truyền thống cũng như các giống nho đã thoái hóa. Chi phí đầu tư cho 1ha (10.000m2) trồng nho Syrah (nho làm rượu) khoảng 400 triệu đồng.
Nông dân thu hoạch 3 vụ/năm, sản lượng khoảng 15 tấn/ha/vụ. Hai Công ty cổ phần thực phẩm Lâm Đồng-Ladofoods và Công ty TNHH Vĩnh Tiến-Lâm Đồng đã bao tiêu với giá tối thiểu là 15 triệu đồng/tấn (nếu độ ngọt quả nho cao hơn 18% so với bình thường thì giá tăng lên 1,5 lần). Chỉ tính với giá tối thiểu, nông dân thu khoảng 675 triệu đồng/ha/năm, có lãi cao, đời sống được nâng cao nhiều.
Nông dân Thạch Vũ Vương ở xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước cho biết: Đã trồng 1ha nho Syrah theo kỹ thuật trồng cột thân cây nho dựa theo cọc hàng rào dựng đứng hình chữ Y, đã tạo nên những ưu điểm đặc biệt như: tạo độ thông thoáng cho cây nho, ít sâu bệnh, tiết kiệm phân bón, nước tưới,… quả nho chín nhanh, quả to đều nhau… rất thuận tiện khi chăm sóc cũng như thu hoạch.
Anh Nguyễn Đình Trí ở xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn là một trong những người trồng thành công giống nho ăn quả tươi NH04-102 (nho ngón tay đen) trong nhà màng có mái che chắn côn trùng. Anh Trí bộc bạch: Năm 2021, khi tham quan mô hình trồng các giống nho mới của Viện, anh đã đầu tư trồng 2,5 sào (2.500m2) các giống nho: NH01-152, NH04-102 và nho Mẫu đơn trong nhà màng, tuy chăm sóc bình thường như cách trồng truyền thống, nhưng đạt hiệu quả cao. Vụ đầu tiên, thu hoạch hơn 1,5 tấn/sào, doanh thu gần 200 triệu đồng. Dự tính mùa thu hoạch lần tới sẽ tăng hơn. Sản phẩm nho NH01-152 được thương lái thu mua tại vườn từ 120.000-140.000 đồng/kg, nho NH04-102 có giá từ 250.000-300.000 đồng/kg.
Chi phí để trồng một sào (1.000m2) nho ăn quả tươi trong nhà màng khoảng 250 triệu đồng (độ bền của nhà màng khoảng chục năm). Theo đó, nông dân lắp đặt các trụ sắt để đỡ khung mái che cao 3,2m, chung quanh phủ màn lưới tùy chỉnh bằng hệ thống kéo bán tự động kết hợp lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm tự động và bón phân hữu cơ... Nhờ có mái che mưa, gió, sương,… nên vườn nho hạn chế đáng kể tình trạng sâu bệnh gây hại, nông dân rất ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nho sinh trưởng tốt, dễ ra hoa và đậu quả nhiều; quả chín đều, đẹp, đạt độ ngọt đúng chuẩn mới thu hoạch, nên chất lượng rất cao.
Trồng từ 2-3 vụ/năm mà không lo bị ảnh hưởng bất lợi của thời tiết… Trồng nho trong nhà màng có nhiều lợi thế, nông dân chủ động cắt cành và thu hoạch nho trái mùa vụ, thu hoạch bất kể biến động của thời tiết, nên mùa mưa vẫn có nho để bán giá cao. Trong khi đó, trồng nho trên đất trống do e ngại tác động của sương, mưa, gió gây hại… nên khi chùm nho vừa mới chín, nhiều nhà vườn đã thu hoạch, năng suất, mầu sắc, độ ngọt… của quả nho không chất lượng bằng nho trồng trong nhà màng.
Anh Tống Minh Hoàng, chủ trang trại nho Hoàng Yến ở xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước trồng thành công hai giống nho sữa Hàn Quốc và nho ngón tay đen, với nhiều ưu điểm vượt trội cho sản phẩm đạt chất lượng về hình dáng, mầu sắc và không có hạt, ăn tươi rất ngon, nên đang được thị trường ưa chuộng. Anh Hoàng chia sẻ: “Nguồn gốc hai giống nho này là gốc ghép với giống nho dại, một sào trồng khoảng 250 gốc. Cả hai giống nho thích nghi tốt với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, nên ra hoa, đậu quả nhiều. Thu hoạch lần đầu sau 12 tháng chăm sóc, sau đó mỗi năm sản xuất hai vụ/năm, sản lượng đạt từ 1-1,5 tấn/sào/vụ”. Cùng với việc bán nho ăn quả tươi, trang trại còn mở cửa đón khách tham quan, thưởng thức các giống nho mới ngay tại vườn, tăng thêm thu nhập.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Lê Huyền cho biết: Nhằm đa dạng hóa các sản phẩm nho, tỉnh đã định hướng cho nông dân nhân rộng mô hình trồng trong nhà màng các giống nho mới do Viện lai tạo từ những giống có nguồn gốc nhập ngoại có nhiều ưu điểm vượt trội như: nho NH01-152, Hạ Đen, Scarlotta, Kyoho, Black Queen, Shine Muscat.. để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Nhằm đa dạng hóa các sản phẩm nho, tỉnh đã định hướng cho nông dân nhân rộng mô hình trồng trong nhà màng các giống nho mới do Viện lai tạo từ những giống có nguồn gốc nhập ngoại có nhiều ưu điểm vượt trội như: nho NH01-152, Hạ Đen, Scarlotta, Kyoho, Black Queen, Shine Muscat.. để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận
Các sở, ngành liên quan tiếp tục chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật sản xuất nho theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng dẫn nông dân đẩy mạnh sản xuất gắn với kết hợp phát triển du lịch sinh thái tham quan vườn nho, quảng bá thương hiệu, góp phần vào mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới. Năm 2023, Ninh Thuận lên kế hoạch phát triển diện tích trồng các giống nho mới lên hàng nghìn héc-ta cũng như nâng cao sản lượng thu hoạch từ các giống nho mới, chú trọng phát triển mô hình cánh đồng lớn trồng nho tại làng nho Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải gắn nâng cao giá trị quả nho và thu nhập, lợi nhuận cho nông dân địa phương.