Ðây là chương trình do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TP Hồ Chí Minh thực hiện với mục đích phản ánh, đánh giá về hoạt động văn học, nghệ thuật trên địa bàn thành phố ở nhiều chuyên ngành như mỹ thuật, sân khấu, văn học, kiến trúc, âm nhạc…
Nhiều hiện tượng văn hóa, văn học, nghệ thuật của thành phố cũng trở thành chủ đề của chương trình, với góc nhìn nhiều chiều từ các nhà chuyên môn, qua đó góp phần định hướng thẩm mỹ, sáng tạo cho đội ngũ làm nghệ thuật, cũng như nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo quản lý của các cấp ủy đảng, cơ quan nhà nước trên lĩnh vực này. Chương trình vừa nhận được giải thưởng Sáng tạo thành phố năm 2019, cho thấy công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật luôn được thành phố quan tâm, đầu tư.
Ngoài ra, hằng năm lãnh đạo thành phố còn tổ chức các buổi gặp gỡ văn nghệ sĩ để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của văn nghệ sĩ nhằm kịp thời định hướng, điều chỉnh các chính sách quản lý văn hóa cho phù hợp; đồng thời phát huy trí tuệ, trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sĩ trong xây dựng, phát triển thành phố.
Tuy nhiên, là trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước, thành phố cũng là nơi dễ dàng dung nạp những luồng văn hóa của thế giới, tạo nên những trào lưu mới trong hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật, nhất là trên lĩnh vực biểu diễn, sáng tác. Bên cạnh những mặt tốt cần tiếp nhận để phát triển, nhiều xu hướng văn hóa nước ngoài không phù hợp với văn hóa, con người Việt Nam, thậm chí đi ngược lại đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã trở thành những thách thức lớn trong công tác quản lý văn hóa, văn học, nghệ thuật hiện nay ở thành phố.
Thực tế cho thấy, hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật thành phố thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế như: đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật còn mỏng, năng lực chưa đồng đều ở từng lĩnh vực; công tác lý luận, phê bình nhiều lúc chưa theo kịp sự phát triển của các xu hướng văn hóa, sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường trên lĩnh vực này dẫn đến việc định hướng thẩm mỹ, sáng tạo cho văn nghệ sĩ, quần chúng còn chậm…
Trước thực tế trên, công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật của thành phố cần được tiếp sức nhiều hơn nữa để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Ðội ngũ làm công tác lý luận, phê bình cần được bổ sung; đồng thời nâng cao về chất lượng ở tất cả chuyên ngành, lĩnh vực. Chương trình "Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật" cần có sự đổi mới về hình thức, nội dung để tiếp cận nhiều đối tượng khán giả hơn nữa, qua đó kịp thời định hướng sáng tạo cho đội ngũ văn nghệ sĩ, mang đến những giá trị thẩm mỹ cho công chúng. Ðặc biệt, thành phố cần nâng cao năng lực quản lý, thẩm định văn hóa cho đội ngũ cán bộ, nhất là ở cơ sở thông qua các chương trình tập huấn, hay đào tạo chuyên sâu. Có thế, cán bộ quản lý ở các địa phương mới am hiểu hơn, nắm rõ quan điểm đường lối văn học, nghệ thuật của Ðảng và Nhà nước, từ đó có phương thức quản lý phù hợp, góp phần xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển trên địa bàn thành phố.