Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công đoàn tại Công đoàn Đài Tiếng nói Việt Nam

NDO - Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu tham luận “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công đoàn tại Công đoàn Đài Tiếng nói Việt Nam” của Công đoàn Đài tiếng nói Việt Nam gửi tới Tọa đàm "Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh tọa đàm. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Toàn cảnh tọa đàm. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Hiện nay, Đài Tiếng nói Việt Nam là cơ quan truyền thông duy nhất trong cả nước có 4 loại hình báo chí: Báo hình, báo phát thanh (báo nói); báo viết; báo điện tử với 8 kênh phát thanh, trong đó có 2 kênh phát 13 thứ tiếng dân tộc thiểu số và 13 thứ tiếng nước ngoài, 17 kênh truyền hình, 2 tờ báo điện tử và một tờ báo in.

Có thể nói, đây là một ưu thế đặc biệt của Đài. Mỗi loại hình báo chí có một thế mạnh khác nhau. Một cơ quan báo chí có cả 4 loại hình báo chí như vậy sẽ bổ sung, phát triển và hỗ trợ nhau trong việc truyền tải thông tin đến với đông đảo những độc giả, khán - thính giả.

Việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật, Nhà nước trong đó có chính sách đối với đoàn viên công đoàn cũng như các tổ chức công đoàn cũng là một trong những nội dung mà Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện một cách thường xuyên và liên tục.

Những chế độ, chính sách của người lao động chẳng những được tuyên truyền với các đoàn viên công đoàn của Đài Tiếng nói Việt Nam mà thông qua đó còn tuyên truyền chung cho đông đảo khán thính giả trong cả nước.

Thực hiện nhiệm vụ lắng nghe, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đoàn viên và người lao động trong Đài Tiếng nói Việt Nam là khâu hết sức quan trọng, nhận thức rõ hiệu quả của việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động phải được quan tâm xác định ngay từ khâu hoạch định đường lối, xây dựng chính sách, pháp luật và triển khai kịp thời các chế độ, chính sách đến người lao động; với lực lượng đoàn viên hầu hết là những người trực tiếp hoặc gián tiếp tham mưu, xây dựng, hướng dẫn và triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chế độ, chính sách, pháp lụât của Nhà nước, Ban Chấp hành Công đoàn Đài Tiếng nói Việt Nam luôn chú trọng chỉ đạo các cấp công đoàn động viên cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên công đoàn phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, nâng cao chất lượng nghiên cứu, tham mưu nghị định, qui định có liên quan đến quyền và lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức, lao động và vai trò của tổ chức công đoàn.

Với trách nhiệm của mình, từ đầu nhiệm kỳ Ban Chấp hành Công đoàn Đài Tiếng nói Việt Nam đã triển khai lấy ý kiến tham gia từ cơ sở, góp ý, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, chính sách, chế độ liên quan trực tiếp đến cán bộ, công chức, viên chức, lao động như: Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức, Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, chính sách tiền lương, công tác thi đua, khen thưởng...

Công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên được quan tâm. Các công đoàn cơ sở đều đã chủ động tham gia với lãnh đạo chuyên môn bảo đảm công khai, công bằng trong việc thực hiện chế độ, chính sách đối cán bộ, công chức, viên chức-lao động, trong đó hầu hết công đoàn làm tốt vai trò đại diện cho người lao động tham gia các hội đồng xét nâng lương, nâng ngạch, khen thưởng, kỷ luật, tuyển dụng, trong thực hiện chính sách về đào tạo, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, quan tâm cải thiện điều kiện, xây dựng môi trường làm việc tốt; chủ động trong xây dựng quy chế phối hợp với chính quyền, tham gia xây dựng các quy chế, nội quy của cơ quan, đơn vị; cố gắng cùng với lãnh đạo đơn vị khai thác mọi tiềm năng để tạo và tăng nguồn quỹ đời sống cho cán bộ, đoàn viên tại các đơn vị.

Cùng với việc tham gia xây dựng chủ trương, chính sách pháp luật, các cấp Công đoàn Đài đã phát huy vai trò của mình trong cải cách hành chính thực hiện chính sách pháp luật đối với người lao động, đoàn viên công đoàn.

Việc phối hợp với chính quyền thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được coi trọng. Các công đoàn cơ sở hằng năm đã chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền tổ chức tốt Hội nghị cán bộ công chức cơ quan theo quy định.

Chất lượng Hội nghị cán bộ công chức được nâng lên với nội dung thiết thực, góp phần tích cực thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và phát huy dân chủ trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên công đoàn.

Trong thời gian qua, công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợp ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được Công đoàn Đài Tiếng nói Việt Nam xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, vì vậy công đoàn đã chủ động phối hợp với chính quyền chăm lo cho đoàn viên công đoàn, bảo đảm các chế độ chính sách được thực hiện đầy đủ, đúng quy định.

Các cấp trong Công đoàn Đài Tiếng nói Việt Nam luôn gần gũi, lắng nghe, tìm hiểu và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, lao động, chủ động phối hợp chính quyền giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc về chính sách đơn vị, chế độ tiền lương, thưởng, các điều kiện làm việc cần thiết, quy chế dân chủ của mỗi cán bộ đoàn viên, làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, đoàn viên công đoàn.

Qua đó, đã khích lệ tinh thần làm việc, học tập, hăng say nghiên cứu khoa học, tích cực đổi mới phong cách, thái độ làm việc của các phóng viên, biên tập viên, kỹ sư, kỹ thuật viên, ca sĩ...

Công đoàn Đài Tiếng nói Việt Nam đã luôn bám sát chương trình công tác của Công đoàn Viên chức Việt Nam để kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chính sách lao động và giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ cán bộ, công chức, viên chức, lao động.

Hằng năm, các cấp Công đoàn trong Đài Tiếng nói Việt Nam thường xuyên quan tâm chăm lo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức, lao động; tích cực triển khai “Chương trình phúc lợi cho đoàn viên và người lao động”.

Công đoàn Đài Tiếng nói Việt Nam đã phối hợp các công đoàn cơ sở tổ chức tốt các ngày lễ, Tết cho cán bộ, đoàn viên trong không khí phấn khởi, an toàn, tiết kiệm; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình cán bộ, đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, mắc bệnh dài ngày, bệnh hiểm nghèo; Tổ chức tặng quà đoàn viên vào dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, Ngày Quốc tế phụ nữ (8/3), Ngày Quốc tế Lao động 1/5, Tháng Công nhân, Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7...

Cùng với việc chăm lo cho cán bộ, viên chức, người lao động, đoàn viên trong Đài, công tác hoạt động xã hội cũng là một trong những điểm nổi bật trong các hoạt động của Công đoàn Đài Tiếng nói Việt Nam. Với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú, thiết thực, mỗi khi phát động, 100% cán bộ, đoàn viên công đoàn đã nhiệt tình đóng góp tham gia xây dựng các quỹ tình nghĩa, nhân đạo.

Trong đó, nổi bật là các hoạt động ủng hộ Vì người nghèo, Đền ơn đáp nghĩa; ủng hộ đồng bào miền núi phía bắc, miền trung bị thiệt hại do thiên tai bão lụt, đồng bằng sông Cửu Long bị xâm nhập mặn; ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19...

Các công đoàn cơ sở cũng đã kêu gọi, xã hội hóa để hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách, các điểm trường tại các vùng miền núi khó khăn và hỗ trợ cho các gia đình cán bộ, công chức, viên chức-lao động trong đơn vị có hoàn cảnh khó khăn, quan tâm chăm lo các đối tượng chính sách là đoàn viên ngay tại đơn vị mình.

Trên cơ sở bám sát các sự kiện chính trị của đất nước, sự chỉ đạo của Công đoàn Viên chức Việt Nam, được Đảng ủy, Lãnh đạo Đài quan tâm, tạo điều kiện, Công đoàn đã phối hợp cùng Cấp ủy, chính quyền các cấp, Đoàn Thanh niên, Liên Chi hội Nhà báo, Hội Cựu chiến binh.. tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục trong cán bộ, công chức, viên chức-lao động với nhiều nội dung, hình thức phong phú: Tuyên truyền, quán triệt và triển khai Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Đại hội V Công đoàn Viên chức Việt Nam, Nghị quết Đại hội XII Công đoàn Đài Tiếng nói Việt Nam, vận động cán bộ, công chức, viên chức-lao động thực hiện đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.

Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, Công đoàn Đài Tiếng nói Việt Nam đã động viên cán bộ, đoàn viên công đoàn tích cực tham gia các lớp học nghiệp vụ báo chí, quản lý, lý luận chính trị, ngoại ngữ…, học ở cơ quan cũng như đi học ở các trường, các trung tâm.

Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.. Hằng năm, các đơn vị, cụm thi đua tổ chức phát động, ký kết giao ước thi đua ngay từ đầu năm. Các tiêu chí thi đua cũng được rà soát, bổ sung chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ của từng đơn vị tại từng thời điểm, giai đoạn.

Các phong trào thi đua của công đoàn đều được lồng ghép với các phong trào thi đua do lãnh đạo đơn vị phát động, gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và cuộc vận động Xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, Trách nhiệm, Liêm chính, Sáng tạo”; “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”, “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Phong trào thi đua “Xây dựng cơ quan văn hóa và ngày làm việc 8 giờ chất lượng, hiệu quả” tiếp tục được đẩy mạnh và đã cụ thể hóa thành những chương trình, mục tiêu phù hợp với đặc điểm tình hình nhiệm vụ, đồng thời gắn với thực hiện cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng lề lối làm việc khoa học, môi trường làm việc thân thiện, tích cực góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh.

Hầu hết các đợt phát động thi đua đã được 100% Công đoàn trực thuộc hưởng ứng tham gia đăng ký thi đua và tổ chức triển khai ở đơn vị. Sau mỗi đợt phát động thi đua, Công đoàn Đài đều có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, khen thưởng những cá nhân và tập thể xuất sắc.

Có thể nói, Công đoàn Đài Tiếng nói Việt Nam đã thường xuyên tổ chức các hoạt động về chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động như phổ biến kiến thức pháp luật, tổ chức các lớp đào tạo nhằm nâng cao kiến thức nghề nghiệp, tập huấn công tác công đoàn; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao…

Nhiều hoạt động đã trở thành một truyền thống,. Luôn lấy thực tế và những mối quan tâm chính đáng của người lao động làm cơ sở, vận dụng linh hoạt các chủ trương, nghị quyết của các cấp ủy, Đảng và Công đoàn cấp trên để đa dạng hóa các hoạt động; lắng nghe ý kiến của cán bộ, viên chức và người lao động, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của họ đối với những dự thảo, quy định mới của luật, từ đó tuyên truyền, phản ánh kịp thời, không để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức, viên chức, lao động bức xúc, đình công...

Đặc biệt đã xây dựng và gắn các phong trào với hoạt động sản xuất của đơn vị, qua đó vừa thúc đẩy tinh thần hăng say của người lao động, lại vừa tạo nên những đột phá làm lợi nhiều mặt cho đơn vị. Thực tế đã có nhiều phong trào thi đua trở thành truyền thống như: Thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả sản xuất; Thi đua hoàn thành kế hoạch năm, phong trào thi đua “giỏi việc nước - đảm việc nhà”…

Trước yêu cầu đẩy mạnh hội nhập quốc tế và phát triển của đất nước cũng như của Đài Tiếng nói Việt Nam, đòi hỏi tổ chức công đoàn nói chung và mỗi cán bộ công đoàn nói riêng phải đổi mới nhận thức, nỗ lực sáng tạo trong nội dung và phương pháp hoạt động, luôn bám sát người lao động để nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của họ, để thực hiện tốt vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ. Có làm được như vậy, người lao động mới thiết tha, gắn bó với công đoàn, công đoàn mới lớn mạnh và sống trong lòng quần chúng lao động.

Bên cạnh đó, hoạt động công đoàn cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người lao động hiểu rõ quyền và lợi ích của mình, nắm bắt được tình hình sản xuất của đơn vị, đưa ra những yêu cầu về lợi ích của mình hài hòa với lợi ích của cơ quan đơn vị.

Chú trọng nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng thương lượng, bản lĩnh đấu tranh cho cán bộ công đoàn; công tác quy hoạch cán bộ cũng phải được thực hiện tốt nhằm chọn ra người có tố chất, trình độ, năng lực phù hợp để tổ chức công đoàn có thể thực hiện tốt vai trò đại diện của mình.