Nhận thức sâu sắc vai trò của phong trào thi đua yêu nước, ngay từ năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc và phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn quốc. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người như lời hiệu triệu vang vọng khắp non sông, thôi thúc đồng bào và chiến sĩ cả nước đoàn kết một lòng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, ra sức thi đua, đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trong hai cuộc kháng chiến, các phong trào thi đua trở thành một phần tất yếu trong những chiến công của dân và quân ta. Có thể kể đến các phong trào thi đua “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Bình dân học vụ”, “Hũ gạo kháng chiến” trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Phong trào thi đua “Ba nhất” trong Quân đội, “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp, “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp, “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong” trong thanh niên, “Ba đảm đang” trong phụ nữ; phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” do tổ chức công đoàn phát động và còn rất nhiều phong trào thi đua khác đang được triển khai sâu rộng và từng bước mang lại những kết quả góp phần làm thay đổi bộ mặt của đất nước.
Về mặt tư tưởng, trước mỗi phong trào thi đua, bao giờ cũng phải tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục để phổ biến mục tiêu, chỉ tiêu, biện pháp thi đua nhằm nâng cao nhận thức, niềm tin, ý chí quyết tâm thực hiện các mục tiêu thi đua vốn cao hơn, khó hơn so với cuộc sống bình thường.
Chính vì vậy, thi đua trở thành một phương thức của công tác tư tưởng nhằm tập hợp, giác ngộ cách mạng và nâng cao nhận thức cho quần chúng về tư tưởng, chính trị, trình độ văn hóa, nhận thức xã hội; cải tiến kỹ thuật, năng lực chiến đấu, lao động sản xuất; hướng quần chúng hành động theo đúng định hướng nhằm đạt các mục tiêu đề ra.
Về tổ chức, thi đua là biện pháp động viên sức mạnh tiềm tàng bên trong mỗi con người, mỗi tập thể, trở thành động lực thúc đẩy họ vượt qua khó khăn, thử thách để đạt được mục tiêu. Thi đua còn thúc đẩy sáng kiến và sức sáng tạo của con người, mở rộng tư duy, nâng cao nhận thức, tạo nên những động lực mới cho cách mạng, trước đây và cho xây dựng phát triển đất nước phồn vinh ngày nay.
Tại Công đoàn Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã đổi mới việc phát động phong trào thi đua yêu nước của Ngân hàng Phát triển Việt Nam với mục tiêu là tiếp tục củng cố và xây dựng Ngân hàng Phát triển là Ngân hàng chính sách, công cụ của Chính phủ trong việc hỗ trợ thực hiện các dự án lớn, dự án trọng điểm, dự án khuyến khích đầu tư của Nhà nước trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước, góp phần thực hiện chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; thực hiện cơ cấu lại toàn diện về tổ chức, bộ máy, biên chế, quản trị, cơ chế hoạt động, tình hình tài chính; xử lý quyết liệt nợ xấu; khắc phục cơ bản những hậu quả, tồn tại, hạn chế của Ngân hàng Phát triển thời gian qua; nghiên cứu mô hình tổ chức bộ máy của Ngân hàng Phát triển phù hợp với tình hình thực tế và định hướng phát triển sau giai đoạn cơ cấu lại, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ được Chính phủ giao.
Hiện nay, các phong trào thi đua tại Công đoàn Ngân hàng Phát triển Việt Nam đang tập trung hướng về cơ sở và người lao động, gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trở thành động lực quan trọng, thật sự đi vào cuộc sống, khơi dậy, động viên, lôi cuốn đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tạo khí thế sôi nổi, hăng hái thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Qua các phong trào thi đua yêu nước, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Để góp phần tích cực vào việc đổi mới phong trào thi đua của Ngân hàng Phát triển phát động, các cấp Công đoàn Ngân hàng Phát triển cần thực hiện tốt một số nội dung cụ thể như sau:
Một là, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức tuyên truyền, cổ động phong trào thi đua. Phương thức tuyên truyền, cổ động cũng cần đổi mới, trong đó tập trung các hình thức, phương pháp tác động vào tình cảm, sử dụng nhiều phương tiện trực quan, văn học, nghệ thuật sinh động, phù hợp với nhu cầu, lợi ích của từng đối tượng. Đặc biệt, cần tận dụng tốt mạng xã hội, mặt tích cực của tâm lý đám đông để tạo sự lan tỏa mạnh mẽ của phong trào.
Công đoàn Ngân hàng Phát triển và công đoàn các cấp tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng trong đội ngũ cán bộ đoàn viên, để mỗi người lao động nắm rõ mục tiêu, nhiệm vụ, cũng như những khó khăn, thách thức của ngành và các đơn vị trong giai đoạn tiếp theo, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ban lãnh đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam, từ đó phát huy mạnh mẽ nội lực, đoàn kết, sáng tạo, xây dựng giải pháp cụ thể thực hiện tốt nhiệm vụ được Tổng Giám đốc giao đặc biệt là quá trình tái cơ cấu ngân hàng để xây dựng Ngân hàng Phát triển trở thành ngân hàng hiện đại, chuyên nghiệp thực hiện hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước.
Tổ chức cho cán bộ đoàn viên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, nhằm khơi dậy lòng yêu nước, yêu ngành, yêu nghề, hăng hái lao động, lao động có chất lượng, hiệu quả và tạo ra không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp trong toàn hệ thống.
Hai là, công đoàn tiếp tục bám sát kế hoạch tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển, tích cực chủ động tham gia ý kiến với chuyên môn đồng cấp xây dựng các chính sách, chế độ, quy chế, quy trình, hoàn thiện các cơ chế chính sách có liên quan và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của ngành. Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các chính sách chế độ có liên quan đến người lao động cần chú trọng bảo đảm việc làm, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Ba là, Công đoàn Ngân hàng Phát triển Việt Nam phải luôn bám sát các mục tiêu và nội dung thi đua của Ngành, tiếp tục tổ chức phát động các phong trào thi đua, bằng các chương trình, chuyên đề cụ thể và thiết thực, trong đó tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện tốt các nhiệm vụ huy động vốn, cho vay, thu nợ và xử lý nợ xấu, khắc phục các tồn tại sau thanh tra, kiểm tra, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đoàn viên trước những khó khăn thách thức đang đặt ra.
Bốn là, Công đoàn tích cực tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao tạo không khí vui tươi, phấn khởi, sự đoàn kết thống nhất, gắn bó trong đội ngũ cán bộ đoàn viên.
Năm là, Công đoàn cam kết sẽ luôn là người đồng hành cùng với lãnh đạo các đơn vị, phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức các phong trào thi đua, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát để các đợt thi đua đạt hiệu quả cao. Sau mỗi đợt phát động thi đua sẽ có sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm hiệu quả. Bên cạnh đó, bảo đảm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tạo không khí vui tươi, phấn khởi; xây dựng môi trường công tác thân thiện, đoàn kết thống nhất, gắn bó trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức đồng lòng phấn đấu vì sự phát triển của đơn vị, của toàn bộ hệ thống Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn là hạt nhân trong các phong trào thi đua yêu nước nói chung và phong trào thi đua của Ngân hàng Phát triển nói riêng, thời gian tới, tổ chức Công đoàn Ngân hàng Phát triển phải luôn bám sát các nội dung, chương trình hoạt động của Ngân hàng Phát triển để cụ thể hóa thành nội dung, chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể triển khai tới hoạt động Công đoàn các đơn vị trực thuộc nhằm đổi mới các phong trào thi đua góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tư tưởng Hồ Chí Minh.