Đồng chí Hoàng Lục Do, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Kạn:

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở

Phóng viên (PV): Nhiệm kỳ qua, Bắc Kạn triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở. Xin đồng chí cho biết kết quả đạt được và những bài học kinh nghiệm nổi bật?

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở

Đồng chí Hoàng Lục Do: Đội ngũ cán bộ cơ sở (CBCS) là lực lượng hết sức quan trọng trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến người dân. CBCS triển khai tốt, tận tụy với công việc thì các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước sẽ được triển khai cụ thể, bài bản, phù hợp với thực tế, được quần chúng nhân dân ủng hộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
 
 Nhận thức được điều đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26-4-2016 về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhất là người đứng đầu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, làm cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp trong đó có đội ngũ CBCS. Tỉnh tiếp tục ban hành các chủ trương, quy định về đổi mới nâng cao chất lượng công tác quán triệt, học tập và tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị của Đảng; về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu; nâng cao chất lượng tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
 
 Nhờ đó, đến nay, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã được nâng lên; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống lành mạnh; trình độ năng lực thực hiện nhiệm vụ đáp ứng tốt hơn; nhiều đồng chí thể hiện được sự năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Các địa phương đều đã bố trí đủ số cán bộ, công chức theo quy định của Chính phủ, bảo đảm các lĩnh vực công tác để thực hiện các nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chất lượng cán bộ, công chức cấp xã từng bước được nâng lên đáp ứng yêu cầu thực hiện chức trách, nhiệm vụ của từng chức vụ, chức danh. Đến nay, đã có 93% số cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ sơ cấp trở lên; 94,07% có trình độ lý luận chính trị sơ cấp, trung cấp.
 
 Thực tiễn của tỉnh cũng cho thấy những bài học quý. Đó là: phải có quyết tâm chính trị trong chỉ đạo, triển khai thực hiện các nghị quyết, quy định của tỉnh về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là CBCS trong giai đoạn mới. Coi trọng công tác sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện các nghị quyết, đề án về xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung và đội ngũ CBCS nói riêng; đề ra các giải pháp phù hợp để chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện. Bám sát thực tiễn, đánh giá đúng năng lực, phẩm chất của cán bộ để có kế hoạch, phương án sắp xếp, bố trí công việc phù hợp nhằm phát huy cao nhất khả năng tư duy, sáng tạo, nhạy bén của cán bộ. Tạo điều kiện để cán bộ học tập nâng cao trình độ, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
 
 PV: Để tiếp tục làm tốt công tác củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCS, theo đồng chí cần triển khai những giải pháp đột phá nào?
 
 Đồng chí Hoàng Lục Do: Theo tôi, để làm tốt công tác này, cần phải tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, quy chế, quy định của Trung ương, của tỉnh về việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp cơ sở. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là cấp ủy các cấp về vai trò của đội ngũ CBCS và tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở. Người đứng đầu phải nhận thức đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ CBCS trong việc triển khai, hướng dẫn và vận động nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết của Đảng, của tỉnh đề ra.
 
 Đồng thời, tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng, phấn đấu, rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống; tác phong, lề lối làm việc, ý thức tổ chức kỷ luật. Chú trọng tuyển chọn, bố trí công việc hợp lý nhằm phát huy tính trung thực, bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ. Nêu cao trách nhiệm của các cấp ủy trong kiểm tra, đánh giá và sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, đề án của tỉnh về nâng cao chất lượng đội ngũ CBCS, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra các giải pháp phù hợp, sát với thực tiễn để triển khai thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.
 
 PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!