Mô hình xe đưa đón học sinh bắt đầu từ các trường quốc tế, trường ngoài công lập. Khi sự thuận tiện của dịch vụ vận chuyển này mang lại sự tin tưởng và yên tâm nơi phụ huynh đã được các trường công lập áp dụng và mở rộng ở nhiều bậc học. Trong đó, xe buýt đóng vai trò lớn nhất.
Tuy nhiên, theo Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP Hồ Chí Minh, số lượng trường tham gia dịch vụ đưa đón học sinh đang giảm mạnh. Nếu như năm học 2012-2013, toàn thành phố có 277 trường gắn kết dịch vụ này, thì đến năm học 2015-2016 chỉ còn lại 133 trường. Tương tự, số lượng học sinh thường xuyên sử dụng dịch vụ giảm từ hơn 103 nghìn em xuống chỉ còn hơn 32 nghìn em. Ông Nguyễn Thanh Duy, đại diện Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong, một trong chín doanh nghiệp (DN) vận tải tham gia đưa đón học sinh cho biết, nhiều DN vận tải đang gặp khó trong quá trình mở rộng mạng lưới trường sử dụng xe đưa đón học sinh vì không tìm được tiếng nói chung với nhà trường.
Qua tìm hiểu, được biết, mặc dù được trợ giá nhưng chi phí đưa đón học sinh vẫn còn quá cao đối với nhiều hộ gia đình. Mặt khác, việc quản lý học sinh cũng mất nhiều thời gian, tốn kém kinh phí, cho nên nhiều trường học đã dừng kết nối dịch vụ đưa đón học sinh.
Em Nguyễn Phương Linh, học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (quận Gò Vấp) cho biết, nhiều bạn của em không sử dụng dịch vụ xe đưa đón này nữa vì vệ sinh trên xe không bảo đảm, làm cho các bạn dễ bị say xe, ảnh hưởng đến sức khỏe, việc tiếp thu bài vở. Cùng với đó, nhiều “bác tài” hay quát mắng, xe đưa đón không đúng giờ, khiến nhiều bạn không còn hứng thú đi lại bằng loại hình phương tiện giao thông này.
Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quận 12 Khưu Mạnh Hùng, do đặc thù của quận có nhiều trường học nằm gần quốc lộ 1A và quốc lộ 22, cho nên gần như 100% số các trường học đều có nhu cầu tham gia loại hình xe đưa đón học sinh nhằm bảo đảm an toàn cho các em. Tuy nhiên, gần đây, khi tiến hành lấy ý kiến, khảo sát từ phía phụ huynh, phần nhiều không hài lòng vì chất lượng phục vụ chưa tốt, xe cũ khiến họ không yên tâm. Trong khi đó, mức phí phải đóng vẫn còn cao, chất lượng không tương xứng, cho nên phụ huynh không mặn mà với dịch vụ này.
Chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt có con đang theo học tại Trường THCS Phan Tây Hồ (quận Gò Vấp) cho biết, trước đây chị đăng ký cho con đi học bằng xe buýt vì thấy xe đưa đón học sinh tận nhà, an toàn cho con. Gần đây, do xe đưa đón học sinh hầu hết đều là xe cũ và trường học lại không quản lý được hoạt động này, cho nên chị không cho con đi nữa.
Một cán bộ Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố cũng thẳng thắn nhìn nhận, nguyên nhân dẫn đến giảm số lượng học sinh, sinh viên đi xe đưa đón do nhiều xe đã sử dụng hơn 10 năm, chất lượng kém. Bên cạnh đó, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng không đủ nhân lực để tập trung phát triển dịch vụ đưa đón học sinh, sinh viên, cho nên đã sử dụng các phương tiện của tư nhân không đủ chuẩn khiến công tác quản lý học sinh, sinh viên chưa chặt chẽ, nhà trường chưa yên tâm.
Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) Nguyễn Thị Thu Cúc cho rằng: Sở GTVT thành phố cùng các doanh nghiệp cần sớm tìm được giải pháp tháo gỡ những bất cập như thay đổi và đầu tư cho phương tiện vận chuyển, chất lượng dịch vụ, giảm giá thành vận chuyển thì mới thu hút nhiều trường tham gia dịch vụ đưa đón này… GIÁM đốc Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường nhìn nhận: Việc xây dựng lại mô hình vận chuyển, đưa đón học sinh đi học bằng xe buýt, ô-tô là một trong năm giải pháp chính để giải quyết ùn tắc, kéo giảm số vụ tai nạn giao thông. Trước thực tế “teo tóp” khá nhanh của mô hình vận chuyển đưa đón học sinh đi học, Sở sẽ phối hợp Sở GD-ĐT cùng các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát khoảng 600 nghìn học sinh THCS, THPT trên địa bàn thành phố để đưa ra giải pháp hữu hiệu, đáp ứng nhu cầu sử dụng xe đưa đón học sinh, sinh viên một cách hiệu quả nhất…