Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ

Theo số liệu khảo sát của Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP Hồ Chí Minh, có hơn 85% số sinh viên đang theo học ở các trường thuộc ĐHQG thành phố không đạt chuẩn “đầu ra” Tiếng Anh. Để nâng cao chất lượng việc học Tiếng Anh cho sinh viên, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, cần thay đổi toàn diện phương pháp dạy và học ngoại ngữ trong thời gian tới…

Sinh hoạt nhóm kỹ năng học Tiếng Anh của sinh viên Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh.
Sinh hoạt nhóm kỹ năng học Tiếng Anh của sinh viên Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh.

Thạc sĩ Nguyễn Lê Tú Trâm, Trường đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh (ĐHQG TP Hồ Chí Minh) nêu thực trạng: Năng lực ngoại ngữ, cụ thể là Tiếng Anh của sinh viên ra trường chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Nhìn chung, có ba nguyên nhân chính đó là: Nhà trường - Chương trình giảng dạy; Giảng viên - Phương pháp giảng dạy; Sinh viên - Phương pháp học tập.

Lâu nay, việc giảng dạy và học tập ngoại ngữ theo cách truyền thống, chưa đổi mới toàn diện và dẫn đến kết quả học tập của học sinh, sinh viên còn rất nhiều hạn chế. “Phương pháp giảng dạy truyền thống đặt vai trò của người giảng viên làm trung tâm. Giảng viên là người truyền thụ kiến thức, quá trình truyền thụ mang tính một chiều, sinh viên chỉ ghi nhớ một cách thụ động với mục tiêu đạt đủ điểm qua các kỳ thi cuối kỳ. Tại nhiều lớp học hiện nay, giảng viên còn nói quá nhiều, không tạo môi trường khuyến khích người học thảo luận, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, kích thích khả năng tự học của sinh viên”, Thạc sĩ Nguyễn Lê Tú Trâm cho biết.

Hiện tại, nền tảng Tiếng Anh “đầu vào” của sinh viên khá thấp và không đồng đều là một trở ngại lớn khi bước vào giảng đường đại học. Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia môn Tiếng Anh năm 2018 có hơn 78% số học sinh đạt điểm dưới trung bình. Bên cạnh đó, khả năng tự học ngoại ngữ của sinh viên khá thấp, thiếu sự chủ động trong học tập, phần lớn vẫn quen cách học ở bậc THPT. Tâm lý thiếu tự tin và ngại giao tiếp trong học Tiếng Anh cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc học chưa đạt hiệu quả. Sinh viên chưa có được một môi trường phù hợp để thực hành, rèn luyện, phát triển các kỹ năng Tiếng Anh một cách liên tục và hiệu quả... Do đó, để đạt trình độ chuẩn “đầu ra” theo đúng tiến độ đối với sinh viên đại học là rất khó khăn.

Nhiều giảng viên dạy ngoại ngữ nhìn nhận, học sinh được học Tiếng Anh từ rất sớm, có địa phương đưa vào chương trình học từ lớp 2 và học xuyên suốt 11 năm cho đến khi vào đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, sau thời gian dài, hiệu quả thu lại không đáng kể, nhiều học sinh, sinh viên không nói được một câu Tiếng Anh hoàn chỉnh hoặc nói sai ngữ pháp, phát âm không chuẩn, nhất là khả năng nghe rất kém.

ĐHQG TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 60 nghìn sinh viên theo học trong toàn hệ thống. Để học Tiếng Anh theo chuẩn tương đối của một lớp học 20 sinh viên/lớp, thì ĐHQG thành phố cần tới 3.000 lớp học trong một năm. Tuy nhiên, cơ sở vật chất hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới toàn diện về học ngoại ngữ. Phó Giáo sư, tiến sĩ Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐHQG TP Hồ Chí Minh thừa nhận: “Vẫn còn nhiều thách thức đặt ra với nhà trường trong giảng dạy Tiếng Anh trong giai đoạn tới. Ngoài cơ sở vật chất thì còn nhiều khó khăn khác như thiếu những giảng viên có kinh nghiệm, việc đánh giá chất lượng cũng đang có vấn đề…”.

Để vượt qua những hạn chế hiện nay, các trường đại học phải tận dụng tốt nhất lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đổi mới bằng cách ứng dụng tiềm năng của sự phát triển về công nghệ thông tin, kỹ thuật số, trợ giúp của in-tơ-nét, tự động hóa và kết nối trong mạng lưới thông tin vào công tác giảng dạy ngoại ngữ và học tập là một trong những ưu tiên hàng đầu. Việc áp dụng công nghệ trong giảng dạy ngoại ngữ phải kể đến xu hướng giảng dạy kết hợp - tích hợp. Đây là phương pháp kết hợp cách học truyền thống tại lớp và các bài học trực tuyến giúp học sinh, sinh viên tăng cơ hội tiếp xúc ngoại ngữ và môi trường để tận dụng thời gian tự học ngoại ngữ tốt nhất.

Theo nhiều chuyên gia, có nhiều giải pháp để đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập ngoại ngữ trong xu thế hiện nay, nhưng nhìn chung tập trung vào ba phương pháp. Trước hết, đối với vai trò của nhà trường, cần tiếp cận, tiếp thu và thúc đẩy giảng viên áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào giảng dạy. Nhà trường cần có chủ trương, giải pháp khuyến khích các giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên thay đổi phương pháp giảng dạy và học tập, ứng dụng các phương tiện, công nghệ hiện đại vào trong bài giảng, cách học nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Đối với giảng viên, cần sự thay đổi lớn nhất là vai trò người dạy. Truyền thụ kiến thức theo cách truyền thống được chuyển sang vai trò người hướng dẫn, hỗ trợ và truyền cảm hứng cho người học. Học sinh, sinh viên cần thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của ngoại ngữ trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Sử dụng hiệu quả các phương tiện về công nghệ thông tin ứng dụng trong học tập. Tiếp cận các nguồn học liệu mở uy tín để học, rèn luyện thêm các kỹ năng để đổi mới sáng tạo, tư duy độc lập.

Phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Hải Quân nhận định: Công nghệ là một trong những giải pháp để tiếp cận học ngoại ngữ nhanh nhất. Nếu dùng công nghệ, sinh viên có thể học ở nhà mà không phải đến lớp. Nhưng về lâu dài, chúng ta vẫn cần thiết kế chương trình và xây dựng tài nguyên học tập, định hướng phương pháp đánh giá trong giảng dạy, học tập để đáp ứng nhu cầu toàn cầu hóa hiện nay...