Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nhìn từ Trường Chính trị tỉnh Bắc Ninh

Trường Chính trị tỉnh Bắc Ninh từng có nhiều hạn chế, bất cập về cả chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất và trình độ giáo viên; vai trò, chức năng chưa được khẳng định rõ… Nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý trên địa bàn theo phân cấp, tỉnh Bắc Ninh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhà trường đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, góp phần thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh Bắc Ninh.

Lãnh đạo Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ trao bằng tốt nghiệp cho các học viên lớp Trung cấp lý luận - hành chính huyện Yên Phong. Ảnh: THẾ HÙNG
Lãnh đạo Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ trao bằng tốt nghiệp cho các học viên lớp Trung cấp lý luận - hành chính huyện Yên Phong. Ảnh: THẾ HÙNG

Những nhân tố nền tảng

Quán triệt yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tổ chức hoạt động của trường chính trị cấp tỉnh (Quyết định số 184-QĐ/TW và Kết luận số 117-KL/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng) Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp nhằm hoàn thành chức năng nhiệm vụ của nhà trường. Đó cũng là mục tiêu góp phần tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tỉnh tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh, Nguyễn Quốc Chung trao đổi: Vấn đề cơ bản và xuyên suốt là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng; đội ngũ cán bộ chủ chốt của nhà trường. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã bám sát các quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng, sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên để lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh. Mặt khác, yêu cầu thường xuyên với cấp ủy nhà trường chủ động tham mưu, đề xuất, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của cấp trên trong lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên. Tỉnh ủy cùng Đảng ủy nhà trường tập trung xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu, xu thế phát triển. Đồng thời, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, chỉ đạo bố trí các đề tài nghiên cứu khoa học, nổi bật là công tác biên soạn lịch sử Đảng... Tỉnh đầu tư hơn 100 tỷ đồng nâng cấp cơ sở vật chất, bảo đảm yêu cầu dạy và học của nhà trường.

Gắn liền với đó, Đảng ủy và các chi bộ của nhà trường luôn coi trọng, làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng; chủ động, tích cực trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện mục tiêu nhiệm vụ từng năm và cả nhiệm kỳ quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, hiệu quả. Tập thể Đảng ủy gương mẫu, định hướng trong đổi mới tư duy, sáng tạo, cách tiếp cận khoa học, phù hợp; kết hợp chặt chẽ, đồng bộ, toàn diện các mặt của công tác xây dựng Đảng. Trong tổ chức thi hành, các cấp ủy luôn bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ gắn liền tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Đảng bộ nhà trường đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng; gắn đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI, XII) nghiêm túc và hiệu quả. Quá trình này, Đảng ủy nhà trường đã thể hiện rõ được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm hoàn thành chức năng, nhiệm vụ. Ba năm qua, nhà trường luôn hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong đào tạo nguồn nhân lực cán bộ lãnh đạo, quản lý trên địa bàn. Nhà trường cũng đã tổ chức, phối hợp và liên kết đào tạo, bồi dưỡng các trình độ: Cao cấp lý luận chính trị, Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, Đại học văn bằng 2 Tiếng Anh… với gần 2 nghìn học viên/năm (tăng gần gấp đôi so với giai đoạn 2010 - 2015).

5 năm qua, Trường Chính trị tỉnh Bắc Ninh trở thành một trong những đơn vị xuất sắc trong hệ thống các trường chính trị tỉnh trong cả nước. Mới đây, nhà trường được chọn làm nơi tiến hành Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị cấp tỉnh, thành phố do Tỉnh ủy Bắc Ninh phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.

Nâng tầm đội ngũ lãnh đạo và người thầy

Những vấn đề nêu trên là những bài học và những nhân tố nền tảng, tiên quyết trong nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ gắn liền đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học của Trường Chính trị tỉnh Bắc Ninh. Đó cũng là nền tảng quan trọng bảo đảm để nhà trường đề ra giải pháp xây dựng trường chính trị chuẩn, đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Dung trao đổi: Mục tiêu lớn mà Đảng bộ nhà trường đã và đang phấn đấu là xây dựng đội ngũ cán bộ, người đứng đầu cơ quan, các khoa, phòng có bản lĩnh và trí tuệ. Theo đó, Đảng ủy, lãnh đạo nhà trường tập trung lãnh đạo đổi mới đồng bộ các khâu của công tác cán bộ nhằm tạo chuyển biến cơ bản, vững chắc.

Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong xây dựng trường chính trị chuẩn đáp ứng yêu cầu tình hình mới, nhà trường dồn sức đổi mới về quản lý đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học: Bảo đảm nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác tổ chức quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp và hiện đại. Đổi mới việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học hằng năm. Ba năm gần đây, trong đầu tư, đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên, nhà trường đã cử 74 lượt giảng viên đi dự các lớp tập huấn chuyên môn do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ sở có thẩm quyền tổ chức; có hai đảng viên bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ; cao học là 12 đồng chí; 17 đảng viên tốt nghiệp Cao cấp lý luận chính trị.

Công tác quản lý, tổ chức điều hành hoạt động của nhà trường hướng vào mục tiêu tập trung, thống nhất; phát huy tính năng động sáng tạo của các khoa, phòng và đội ngũ giảng viên. Nâng cao chất lượng giảng dạy, tăng cường đổi mới phương pháp, lãnh đạo nhà trường thực hiện nghiêm chế độ dự giờ, sinh hoạt chuyên môn, nghiên cứu thực tế của giảng viên. Qua bồi dưỡng, rèn luyện nhà trường đã có 85 lượt giảng viên được công nhận giảng viên giỏi cấp khoa; 25 lượt giảng viên giỏi cấp trường và hai giảng viên giỏi toàn quốc.

Phó Hiệu trưởng Nguyễn Chí Tấn cho biết: Nhà trường thực hiện nghiêm túc chương trình, giáo trình, bảo đảm học viên có đầy đủ tài liệu học tập, thực hiện đúng quy chế quản lý đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học. Đồng thời, tăng cường mời báo cáo viên là lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành, thị trong tỉnh; mở các lớp tập trung tại trường, đa dạng hóa phương thức đưa giảng viên đi nghiên cứu thực tiễn địa phương. Nhà trường cũng đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Nhà trường đã triển khai hoàn thành hai đề tài cấp tỉnh, tổ chức nghiên cứu và nghiệm thu 29 đề tài khoa học cấp cơ sở (tăng 10 đề tài so với giai đoạn 2010 - 2015); tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học chuyên ngành đáp ứng yêu cầu đào tạo và nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Hiện nay, Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tập trung thực hiện đa dạng hóa các loại hình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tế. Theo đó, các khâu trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng, giảng dạy, quản lý học viên, nghiên cứu thực tế, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học viên nhà trường tiếp tục đổi mới theo hướng gắn với thực tiễn, tạo chuyển biến tích cực về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học…