Nâng cao chất lượng cụm công nghiệp

Ngành công thương Thành phố Hồ Chí Minh đang phối hợp các ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu tìm hướng đi, mô hình mới nhằm nâng cao năng lực, phát triển hoạt động các cụm công nghiệp trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất linh kiện máy may tại một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong khu chế xuất Tân Thuận (Quận 7).
Sản xuất linh kiện máy may tại một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong khu chế xuất Tân Thuận (Quận 7).

Theo nhiều chuyên gia, các cụm công nghiệp nên được phân bố theo nhu cầu của thành phố và quận, huyện, phát triển bền vững, có khả năng giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội và môi trường. Thành phố chỉ giữ lại các cụm công nghiệp có hàng rào, có chủ đầu tư hạ tầng, có tính khả thi cao...; ưu tiên phát triển các khu công nghiệp với quy mô lớn nhằm khai thác cao nhất hiệu suất của hạ tầng và tăng hiệu quả sử dụng đất.

Nhiều lợi ích lẫn bất lợi

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng liên quan, mục tiêu ban đầu của Quyết định số 4809/QĐ-UBND ngày 22/10/2007 của Ủy ban nhân dân thành phố (về việc duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng các cụm công nghiệp thành phố đến năm 2020, có tính đến năm 2025) là di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm từ nội thành ra ngoại thành, vùng ven nhằm ổn định đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị, cải thiện môi trường chung. Với cụm công nghiệp, mô hình quản lý tập trung cộng đồng doanh nghiệp nhỏ, vừa, hợp tác xã, cá nhân, hộ gia đình là để thu hút lao động và giải quyết lao động địa phương. Mô hình này đã hạn chế phần nào việc phân tán nguồn lực, sản xuất nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế không cao. Do vậy, cụm công nghiệp đã góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển từ nội thành sang nông thôn, thúc đẩy thương mại-dịch vụ và tăng nguồn thu cho ngân sách các địa phương. Trong đó, có một số cụm công nghiệp hoạt động tốt như: Cụm công nghiệp Nhị Xuân (huyện Hóc Môn, có 43 doanh nghiệp đang hoạt động ở các ngành nghề ít gây ô nhiễm môi trường như may mặc, chế biến lương thực-thực phẩm, sản xuất dụng cụ thể thao, đồ gỗ...; giải quyết việc làm cho khoảng 2.900 người lao động); Cụm tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, có 124 doanh nghiệp đang hoạt động và không gây ảnh hưởng môi trường khu vực lân cận, giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 người lao động)…

Ở giai đoạn đầu, cụm công nghiệp đã chứng tỏ được lợi ích, đạt được mục tiêu của Quyết định số 4809/QĐ-UBND. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay và tương lai lại bộc lộ không ít bất cập, gây ra một số bất lợi đáng quan ngại. Chẳng hạn, cụm công nghiệp được xem là điểm tiếp nhận và gây ra ô nhiễm môi trường ở vùng ven đô, gia tăng áp lực giao thông, gây mất cảnh quan và giảm chất lượng môi trường sống... Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của các cụm công nghiệp chỉ đáp ứng đủ cơ bản; nhiều cụm công nghiệp chưa có trạm xử lý nước thải, chưa kết nối giao thông đến các trục giao thông chính (đường cao tốc, vành đai, đường sắt...), liên kết với vùng nguyên vật liệu, bến cảng không thông suốt, giám sát chất lượng môi trường khó khăn. Hiện nay, việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư-kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp cho các cụm công nghiệp chưa có đơn vị kinh doanh hạ tầng là rất khó khăn do chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng cao, khó thu hồi đất, khủng hoảng kinh tế, thủ tục đầu tư rườm rà, các chính sách chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Với các cụm công nghiệp có doanh nghiệp đang hoạt động (nhưng chưa có chủ đầu tư) trong khu dân cư hiện hữu ở nội thành thì vấn đề càng khó khăn và phức tạp hơn do hệ thống hạ tầng kỹ thuật yếu kém, việc kêu gọi các doanh nghiệp đang hoạt động đóng góp đầu tư hạ tầng là không thể, không có chính sách hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp từ ngân sách trung ương hoặc ngân sách địa phương (chỉ hỗ trợ lãi suất thông qua chương trình kích cầu của thành phố đối với dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải cho cụm công nghiệp)...

Nâng cao chất lượng, chú trọng chiều sâu

Hiện nay, thủ tục, trình tự đầu tư vào cụm công nghiệp phải qua nhiều cơ quan quản lý nhà nước khác nhau, nên thời gian đầu tư vào cụm công nghiệp kéo dài, thủ tục rườm rà, gây khó khăn cho các doanh nghiệp muốn đầu tư vào cụm công nghiệp. Theo một doanh nghiệp chuyên đầu tư-kinh doanh khu công nghiệp, thời gian tới, thành phố cần tập trung, thống nhất thủ tục đầu tư vào cụm công nghiệp về một đầu mối (Sở Công thương) để hướng dẫn và giải quyết cho các doanh nghiệp về trình tự, thủ tục đầu tư vào cụm công nghiệp. Điều này sẽ giúp cho các doanh nghiệp rút ngắn thời gian đầu tư vào cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, về chính sách hạ tầng, Nhà nước cần xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đến hàng rào cụm công nghiệp. Nhà nước gắn kết hoặc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội (trường học, cơ sở y tế...) của khu vực lân cận các cụm công nghiệp từ nguồn vốn ngân sách. Các chủ đầu tư-kinh doanh cụm công nghiệp được hỗ trợ lãi suất vay vốn từ chương trình kích cầu khi đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho cụm công nghiệp. Nhà nước cũng cần thực hiện các giải pháp tổng hợp về logistics đồng bộ nhằm giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp hoạt động trong cụm công nghiệp. Còn với chính sách về đất đai, thành phố cần xây dựng chính sách bồi thường-giải phóng mặt bằng hợp lý để tạo điều kiện cho chủ đầu tư hạ tầng thu hồi đất dễ dàng nhưng vẫn bảo đảm quyền lợi của người dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư hạ tầng được sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất cho thuê lại hoặc chuyển nhượng phần đất, nhà xưởng và tài sản của mình trong cụm công nghiệp.

Theo nhóm nghiên cứu đến từ Viện Quy hoạch xây dựng thành phố, thành phố cần ban hành một số cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp như miễn, giảm thuế nhằm tháo gỡ khó khăn trong phát triển cụm công nghiệp, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp. Mỗi loại hình cụm công nghiệp cần có các chính sách hỗ trợ khác nhau. Các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt ở cấp huyện, cần nâng cao nhận thức về cụm công nghiệp để có thể chuyển tải những kiến thức về cụm công nghiệp thành chính sách phát triển kinh tế phù hợp. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ cụm công nghiệp xây dựng nhà xưởng để cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê. Các chủ đầu tư hạ tầng hoặc các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà xưởng cao tầng cho thuê cần được hưởng ưu đãi từ chương trình kích cầu của thành phố. Cùng với đó, cần hỗ trợ tiền thuê đất cho chủ đầu tư hạ tầng kết hợp với địa phương tiếp nhận các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch vào các cụm công nghiệp. Còn với các doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp, cần ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa (đặc biệt là các doanh nghiệp di dời từ trong nội thành vào cụm công nghiệp) thuê đất làm mặt bằng sản xuất; xem xét miễn, giảm thuế tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật, đăng ký quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, phát triển thị trường…■