Trung tướng, TS Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Công an chủ trì và điều hành hội thảo. Tham dự hội thảo tại Hà Nội có lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan, các nhà khoa học… Tại hội trường 63 Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đại diện Thường trực tỉnh ủy, thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh... Tổng số đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến tại 64 điểm cầu là hơn 6.100 đại biểu.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Thứ trưởng Công an Lê Quốc Hùng cho biết: thực tiễn bảo vệ an ninh trật tự đã khẳng định, những vấn đề phức tạp về an ninh trật tự đều xuất phát từ địa bàn cơ sở, ban đầu là những vấn đề mâu thuẫn xã hội, nếu không được phát hiện, phòng ngừa, quản lý, giải quyết kịp thời, triệt để sẽ tích tụ, phát triển thành "xung đột xã hội", tác động xấu đến tình hình an ninh trật tự, cuộc sống của người dân và an ninh con người, đe dọa sự ổn định chính trị, cản trở quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương, tại một vùng, liên vùng và toàn quốc.
Vì vậy, việc nghiên cứu, xác lập, đề xuất các giải pháp chính trị, pháp lý phù hợp, có tính chiến lược, ổn định, lâu dài bảo vệ vững chắc an ninh trật tự tại địa bàn đặc biệt quan trọng này là rất cần thiết.
Tham luận tại hội thảo, GS, TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung Ương, chuyên gia cao cấp nêu rõ: Bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách đều do UBND cấp xã thành lập, quản lý, duy trì hoạt động để tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
Tuy nhiên, hiện nay về tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở lại đang được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật với nhiều hình thức khác nhau và do nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành, từ đó dẫn đến không đồng bộ, thống nhất, mâu thuẫn, chồng lấn, khó thực hiện. Do đó, cần thiết phải có quy định chung về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về an ninh, trật tự, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
Đưa tham luận tới hội thảo, nguyên Phó Giám đốc Công an Hà Nội, Thiếu tướng, PGS, TS Bạch Thành Định cho rằng: thời gian qua, khu vực nông thôn của Thủ đô đã xảy ra nhiều vụ việc phức tạp, phần lớn liên quan đất đai, nếu không nhanh chóng giải quyết sẽ đe dọa an ninh trật tự ở cơ sở. Ngoài công an chính quy, các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở như Công an viên, dân phòng, bảo vệ dân phố có vai trò rất quan trọng trong xử lý các vấn đề phát sinh ở nông thôn. Nếu không dựa vào lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, Công an chính quy sẽ mất một kênh quan trọng để nắm bắt và xử lý nhanh chóng tình hình.
Theo Trung tá, ThS Ksor H’ Bơ Khắp, Trưởng Công an thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai, trong những năm qua, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh cơ sở đã hoàn thành một số mặt nhiệm vụ được giao góp phần bảo đảm tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy quá trình hoạt động của lực lượng này còn tồn tại nhiều khó khăn. Đặc biệt, đối với lực lượng Công an xã bán chuyên trách, chế độ chính sách thấp, công an viên chưa được hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác còn thiếu… Bởi vậy, cần thiết có Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở để giải quyết những vấn đề nêu trên.