Sáng 22/11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” trình Thủ tướng Chính phủ.
Trong giai đoạn mới, với mục tiêu mở rộng các hình thức hỗ trợ pháp lý và triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý một cách chất lượng, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, Quốc hội đã ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, xác định hỗ trợ pháp lý là một trong bảy hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng đồng thời cũng là nền tảng, cơ sở của tất cả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tuy nhiên, dự báo thời gian tới, kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có thể nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Trong bối cảnh đó, nhằm triển khai Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói riêng để doanh nghiệp phục hồi và phát triển, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là nhiệm vụ quan trọng gắn với việc kết nối nhiều mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế-xã hội quan trọng của nước ta.
Theo dự thảo Đề án, xuất phát từ thực tiễn công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trên cơ sở Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã được triển khai đồng bộ, góp phần tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn chưa được quan tâm đúng mức; còn một số khó khăn, vướng mắc, cả quy định pháp luật và thực tiễn triển khai thực hiện cũng như kinh phí, bộ máy…
Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này xuất phát từ đại đa số doanh nghiệp tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn lực chủ yếu tập trung cho việc sản xuất, kinh doanh, chưa có nguồn lực để bố trí cho công tác pháp chế. Đa phần các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến các chi phí trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh, các chi phí gián tiếp như chi phí dịch vụ pháp lý, đội ngũ pháp chế còn chưa được quan tâm thỏa đáng. Hiệu quả tư vấn pháp luật của các tổ chức dịch vụ pháp lý hiện nay chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp…
Tại hội thảo, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý trong giai đoạn tới, các ý kiến đề xuất cần nghiên cứu, bổ sung tiêu chí đánh giá, giám sát về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để các cơ quan tổ chức hỗ trợ pháp lý có công cụ nhằm thực hiện các hoạt động hiệu quả dựa trên các chỉ số cụ thể, bảo đảm sử dụng nguồn lực hiệu quả và hiệu suất nhất, đo lường chính xác các hoạt động hiệu quả để tiếp tục phát huy hoặc có sự điều chỉnh.
Khảo sát, phân loại doanh nghiệp theo vùng, địa phương để lựa chọn nhu cầu của doanh nghiệp để thực hiện tư vấn pháp lý, lựa chọn nhóm vấn đề mà doanh nghiệp ở địa phương đó là thực sự cần. Xác định trọng tâm, trọng điểm trong việc tư vấn pháp lý và dành nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp, tránh dàn trải.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng nhấn mạnh cần nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới tư vấn viên pháp luật; hoạt động của tư vấn viên có sức lan tỏa và được sự tham gia, hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp và tổ chức dịch vụ pháp lý.