Hai năm nay, bà Phùng Thị Chàm, dân tộc Mường ở khu Chiềng 2, xã Kim Thượng, một xã vùng cao khó khăn của huyện miền núi Tân Sơn thường xuyên về Trung tâm y tế huyện để khám, điều trị căn bệnh đau dạ dày.
Bà Chàm cho biết, trước đây bà thường xuyên phải về bệnh viện tỉnh hoặc các bệnh viện tuyến Trung ương để khám bệnh rất tốn kém, đi lại khó khăn, nhưng nay không phải đi xa nữa vì nhiều kỹ thuật mới đã được Trung tâm y tế huyện triển khai thành công.
“Đến khám và điều trị tại đây rất yên tâm, trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ ngày càng được nâng lên, trang thiết bị y tế hiện đại, đồng bộ, cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp”, bà Chàm phấn khởi cho biết.
Là một trong những địa phương khó khăn nhất của tỉnh Phú Thọ, trong những năm qua, huyện Tân Sơn luôn xác định công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được đặt lên hàng đầu.
Theo bác sĩ Đỗ Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Tân Sơn, để từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, trung tâm đã huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thêm nhiều trang thiết bị y tế hiện đại; chú trọng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút được nhiều cán bộ có chuyên môn, cử nhiều lượt cán bộ theo học các lớp đào tạo chuyên sâu về hồi sức cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh, nội, ngoại, sản nhi…
Hiện nay, Trung tâm y tế huyện có công năng với 320 giường bệnh, 309 cán bộ, nhân viên y tế, trong đó có 67 bác sĩ. Cùng với đó, nhiều trang thiết bị y tế hiện đại cũng được đầu tư máy chụp cắt lớp vi tính, máy nội soi tiêu hóa, hệ thống phẫu thuật nội soi ổ bụng, máy gây mê kèm thở...
Do đó, đội ngũ y, bác sĩ đã làm chủ được hầu hết các kỹ thuật của bệnh viện hạng II và một số kỹ thuật của bệnh viện hạng I như: Phẫu thuật nội soi cắt túi mật, cắt ruột thừa, khâu lỗ thủng dạ dày; phẫu thuật xương đùi, xương bánh chè, xương hàm, mặt... Qua đó góp phần giảm tỷ lệ người bệnh chuyển tuyến từ hơn 3% năm 2016, xuống còn dưới 1% như hiện nay.
Còn tại huyện miền núi Yên Lập, trong những năm qua, huyện đã có nhiều quan tâm đầu tư cho y tế cơ sở. Qua đó từng bước góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân. Hiện nay tất cả các trạm y tế đều có bác sĩ, 17/17 trạm y tế xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia từ năm 2020.
Công tác khám, chữa bệnh được duy trì thường xuyên tại các cơ sở y tế; trình độ tay nghề của đội ngũ cán bộ y tế từ tuyến huyện đến cơ sở thường xuyên được bồi dưỡng đào tạo.
Do vậy, chất lượng khám, chữa bệnh của các đơn vị y tế trên địa bàn huyện thực hiện có hiệu quả, không để người bệnh phàn nàn về tinh thần và thái độ phục vụ bệnh nhân của nhân viên y tế.
Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Lê Công Bình, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Yên Lập cho biết, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao, Trung tâm đã huy động mọi nguồn lực đầu tư trang thiết bị y tế, bổ sung nhiều máy móc hiện đại, như: Máy siêu âm tổng quát, máy đo chức năng hô hấp, monitor theo dõi bệnh nhân...
Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục mang dịch vụ sức khỏe tốt nhất đến gần với người dân, tạo điều kiện để người dân khu vực miền núi được tiếp cận với các dịch vụ y tế hiện đại, chuyên sâu.
Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ Nguyễn Minh Khánh cho biết, trong những năm qua, hệ thống y tế cơ sở luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh Phú Thọ ngày càng được củng cố, hoàn thiện, phát triển cả về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và chất lượng cung cấp dịch vụ.
Đáng chú ý, tại các huyện miền núi của tỉnh như Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập..., công tác y tế được quan tâm đặc biệt, có sự chuyển biến mạnh mẽ, người dân đã từng bước được tiếp cận với những tiến bộ của y học hiện đại. Ngoài ra, các đơn vị này đã thực hiện được nhiều kỹ thuật tương đương tuyến tỉnh, tuyến Trung ương, tạo điều kiện cho người dân được khám, chữa bệnh và thụ hưởng các dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại địa phương.
Để phát huy hiệu quả hoạt động của các trạm y tế miền núi, Sở y tế đã chỉ đạo các trung tâm y tế rà soát lại hệ thống trạm y tế. Theo đó, ngành đã tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trạm y tế theo Bộ tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế xã.
Tất cả các trạm y tế xã miền núi được đầu tư xây mới hoặc cải tạo nâng cấp, bảo đảm đủ diện tích, các phòng chức năng. Một số trạm y tế đã được cung cấp các trang thiết bị hiện đại như máy siêu âm, điện tim, máy xét nghiệm nước tiểu, sinh hóa máu... phục vụ công tác khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân.