Quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng đã và đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tri thức và hội nhập kinh tế quốc tế. Vấn đề bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng được các quốc gia chú ý và được đặt ra tại hầu hết các diễn đàn kinh tế quốc tế. Việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại quốc gia có hiệu quả sẽ khuyến khích các hoạt động sáng tạo, tạo môi trường đầu tư an toàn để thu hút các nhà đầu tư, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Đẩy mạnh thực thi bản quyền tác giả trên môi trường số
Hội thảo là dịp để Cục Bản quyền tác giả nắm bắt thực trạng, tiếp nhận ý kiến đóng góp, kiến nghị của các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và khoa học. Từ đó, Cục có cơ sở trong nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan nói chung, trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học nói riêng.
Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh phát biểu. |
Trong phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn hội thảo, bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, nhấn mạnh: Trong những năm qua, hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Nhà nước quản lý hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan thông qua nhiều công cụ quản lý khác nhau, trong đó pháp luật được coi là công cụ quản lý quan trọng nhất.
Việc hoàn thiện quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý nhà nước và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, thúc đẩy việc khai thác, sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đây cũng là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ sở giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học quản lý, khai thác hiệu quả các tài sản quyền tác giả, quyền liên quan của mình.
Các chuyên gia đánh giá, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, nhiều vấn đề mới, những cơ hội và thách thức gắn với công nghệ, kỹ thuật đặt ra như công nghệ blockchain, AI, Big Data… cũng là bài toán chung cho các quốc gia trong vấn đề bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.
Bên cạnh bảo vệ các quyền, vẫn phải bảo đảm được một trong những nội dung cốt lõi là nguyên tắc "cân bằng lợi ích", vốn được thiết kế nhằm bảo vệ quyền tiếp cận và sử dụng tác phẩm của xã hội và cộng đồng, trong đó có hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Hội thảo nhận được 16 báo cáo tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường đại học, tổ chức nghiên cứu và các công ty, văn phòng luật sư hoạt động trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan. Các báo cáo tham luận đã tập trung làm rõ thực trạng cũng như đề xuất nhiều giải pháp để hoàn thiện pháp luật cũng như biện pháp thực thi các quy định pháp luật về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả nói chung, trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học nói riêng; việc quản lý và khai thác tài sản trí tuệ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia. |
Các nhóm vấn đề được tập trung thảo luận làm sâu sắc hơn và đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp hoàn thiện pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trong bối cảnh mới hiện nay, gồm: Thực trạng quy định pháp luật, việc thực thi quy định pháp luật về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả hiện nay, tập trung vào một số nội dung trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học; nhận diện tài sản trí tuệ trong các trường đại học, các viện nghiên cứu, thực trạng quản lý, khai thác và bảo vệ các tài sản quyền tác giả, quyền liên quan tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học; kinh nghiệm quốc tế về pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan và từ các vụ việc thực tiễn liên quan đến áp dụng các quy định về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả.
Bên cạnh đó, giới chuyên môn cũng thẳng thắn chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả và trong quá trình triển khai thi hành trên thực tiễn; đề xuất phương hướng, giải pháp, kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả; tăng cường năng lực quản lý, khai thác tài sản quyền tác giả, quyền liên quan trong các cơ sở giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Vẫn còn nhiều vấn đề được đặt ra cần trao đổi, thảo luận, đề xuất giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật và cam kết quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan, bảo đảm nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa chủ thể quyền với tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tác phẩm và công chúng thụ hưởng.
Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh
Thạc sĩ Phạm Thị Mai (Trung tâm Thông tin thư viện, Trường Đại học Luật Hà Nội), đề xuất ba giải pháp: Tiếp tục hoàn thiện các quy định, hướng dẫn chi tiết cho lực lượng làm công tác thực thi quyền tác giả nói chung, quyền tác giả nói riêng; các nhà trường tiếp tục nâng cao nhận thức đúng về vai trò của việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến chuyển đổi số ngành thư viện; thực hiện tốt các biện pháp dự phòng để bảo đảm hệ thống máy chủ thư viện không bị tấn công; tăng cường bảo vệ các thiết bị, tài khoản cá nhân khi sử dụng tài nguyên thông tin số.
Thạc sĩ Trần Quang Trung (Phó trưởng khoa Luật, Đại học Duy Tân Đà Nẵng), kiến nghị: Cần hoàn thiện pháp luật rõ ràng hơn, tránh những quy định mập mờ dẫn đến suy diễn mâu thuẫn nhau, đồng thời pháp luật cần mở rộng quyền sao chép trong một số trường hợp cụ thể; cần mở rộng quyền sao chép của sinh viên/ học viên trong một số trường hợp cụ thể; cần thảo luận sâu hơn để xác định mức độ sử dụng ngân sách bao nhiêu trong tác phẩm để dung hòa lợi ích của người sáng tạo với nhu cầu sử dụng của công chúng; cần định hướng quản lý và mở rộng, minh bạch nguồn học liệu; có cơ chế khai thác, sử dụng tối đa các tác phẩm khoa học (luận án, luận văn, sách tham khảo...); giáo dục, tuyên truyền pháp luật quyền tác giả thông qua các hình thức và phương pháp khác nhau.
Chuyên gia trình bày tham luận tại hội thảo. |
Tham luận của nhóm tác giả Tiến sĩ Phùng Thị Yến và sinh viên Cao Huyền My (Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội), nhận định: Từ những phân tích và so sánh về pháp luật bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm khoa học tại các cơ sở giáo dục đại học của một số quốc gia, đặc biệt là Hoa Kỳ và Anh, có thể nhận thấy rằng việc xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ và hiệu quả là điều cần thiết để bảo vệ quyền lợi của các tác giả, đồng thời thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và giáo dục trong môi trường học thuật.
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và nhu cầu kết nối thông tin toàn cầu đặt ra nhiều thách thức mới cho việc quản lý và bảo vệ quyền tác giả, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học. Việt Nam cần nghiên cứu và áp dụng các kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện quy định pháp luật về quyền tác giả, bao gồm việc mở rộng phạm vi bảo hộ cho các tác phẩm liên quan đến trí tuệ nhân tạo, xác định rõ ràng quyền sở hữu đối với các tác phẩm do tổ chức và cá nhân tạo ra, cũng như ban hành các hướng dẫn cụ thể về sử dụng hợp lý các tác phẩm trong nghiên cứu khoa học.
Chỉ khi có một khung pháp lý chặt chẽ và linh hoạt, Việt Nam mới có thể xây dựng một môi trường nghiên cứu khoa học phát triển, khuyến khích sáng tạo và hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục và nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của xã hội.