"Nâng cánh" cho sản phẩm công nghiệp chủ lực

Mới đây, thành phố Hà Nội tiếp tục công nhận 33 sản phẩm của 25 doanh nghiệp đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực. Đây đều là những sản phẩm nổi bật, tiêu biểu và cũng là "cánh chim đầu đàn" tạo động lực cho phát triển công nghiệp Thủ đô.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất linh kiện nhựa tại Công ty CP Nhựa Hà Nội.
Sản xuất linh kiện nhựa tại Công ty CP Nhựa Hà Nội.

Là doanh nghiệp nổi bật trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội đã đóng góp nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực cho thành phố Hà Nội, như nhựa kỹ thuật, phụ kiện công nghiệp, linh kiện điện tử viễn thông, linh kiện ô-tô, xe máy... Tất cả đều được sản xuất hàng loạt trên hệ thống máy, thiết bị tự động, công nghệ tiên tiến bằng các loại vật tư chuẩn nhập khẩu và quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001-2015, đạt chất lượng cao theo tiêu chuẩn của Nhật Bản JIS 10K. Các sản phẩm này đã được cung ứng cho các doanh nghiệp lớn như Honda, Toyota, Piaggio, LG, Panasonic… Cũng là một doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố Hà Nội, Công ty cổ phần Dụng cụ cơ khí xuất khẩu luôn duy trì kim ngạch xuất khẩu cao các sản phẩm gia công cơ khí chính xác, chi tiết máy, bộ dụng cụ, phụ tùng ô-tô, xe máy, các loại khuôn-gá, thiết bị y tế... sang thị trường châu Âu và thị trường Nhật Bản.

Năm 2022, thành phố Hà Nội tiếp tục công nhận 33 sản phẩm của 25 doanh nghiệp đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực. Trong đó, 10 doanh nghiệp có số điểm cao nhất được thành phố công nhận Top 10 Sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2022. Có thể điểm tên các sản phẩm như Đèn chiếu sáng Stanley (Công ty TNHH điện Stanley Việt Nam); máy biến áp của Công ty cổ phần Sản xuất thiết bị điện Đông Anh; phần mềm kế toán hành chính sự nghiệp MISA Mimosa (Công ty cổ phần MISA); hộp Inox công nghiệp của Công ty TNHH Hoàng Vũ… Như vậy, sau 5 năm thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực giai đoạn 2021-2025, thành phố Hà Nội đã công nhận tổng số 196 sản phẩm đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực. Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực ngày càng thể hiện và khẳng định vai trò tiên phong, trụ đỡ là động lực cho phát triển công nghiệp Thủ đô. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp này cũng có tác động tích cực, lan tỏa mạnh đến nền kinh tế thành phố, đóng góp tỷ trọng lớn vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.

Điểm riêng trong số 25 doanh nghiệp được công nhận năm 2022, có bốn doanh nghiệp có doanh thu sản phẩm năm 2021 đạt hơn 1.000 tỷ đồng; hai doanh nghiệp trong TOP 500 doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam năm 2022 là Tổng công ty May 10 - CTCP và Công ty cổ phần Dây và cáp điện Thượng Đình… Còn doanh thu của 33 sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2022 của thành phố Hà Nội đạt khoảng 76,8 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu khoảng 550 triệu USD.

Chương trình Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực được thành phố Hà Nội triển khai hằng năm. Trong đó, thành phố đã đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 sẽ phát triển chọn lọc một số ngành, lĩnh vực công nghiệp chủ lực, những ngành, sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, có hàm lượng chất xám cao có giá trị gia tăng lớn. Thành phố có từ 150 đến 180 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực. Bên cạnh đó, nâng cao giá trị sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực lên 40-45% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và 20-25% tổng kim ngạch xuất khẩu trên toàn địa bàn; phấn đấu 10% số doanh nghiệp công nghiệp chủ lực lọt TOP 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam…

Để đạt mục tiêu này, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp Hà Nội bên cạnh việc tự nỗ lực cố gắng, cũng bày tỏ mong muốn được thành phố, các sở, ngành có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ. Giám đốc điều hành Công ty TNHH điện Stanley Việt Nam Ngô Ngọc Vinh chia sẻ, trong quá trình mở rộng mặt bằng sản xuất, triển khai các dự án, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các thủ tục hành chính như điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, thủ tục xin giao đất, ký hợp đồng thuê đất, tính giá đất... Do đó, doanh nghiệp mong được hỗ trợ tích cực, có cơ chế để doanh nghiệp có thể nhanh chóng triển khai các dự án. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần dụng cụ cơ khí xuất khẩu Nguyễn Ngọc Chung bày tỏ, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực cần kết nối và tạo dựng mối quan hệ để cạnh tranh lành mạnh, tạo thành mạng lưới sản xuất tiêu dùng bền vững.

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh, thành phố Hà Nội cam kết luôn đồng hành cùng phát triển, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng sản xuất, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, ưu đãi về vốn, cải cách thủ tục hành chính... để các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực có cơ hội phát triển và đóng góp cho sự nghiệp phát triển chung của Thủ đô. Thành phố sẽ tiếp tục có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực có khả năng cạnh tranh quốc tế, dẫn dắt, làm chỗ dựa, lan tỏa, nâng đỡ những doanh nghiệp khác cùng phát triển, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển Thủ đô Hà Nội phồn vinh, thịnh vượng.