Nắn chỉnh thành công cho trẻ bị cong vẹo cột sống hiếm gặp

NDO -

Một bé trai bị cong vẹo cột sống bẩm sinh đặc biệt, rất hiếm gặp đã được các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phẫu thuật nắn chỉnh thành công, giúp em có lại được cột sống bình thường, không có tổn thương thần kinh. 

Bệnh nhi B.Đ được các bác sĩ thường xuyên theo dõi và chăm sóc trong thời gian nằm điều trị tại khoa.
Bệnh nhi B.Đ được các bác sĩ thường xuyên theo dõi và chăm sóc trong thời gian nằm điều trị tại khoa.

Nhiều thách thức nắn chỉnh cột sống cho trẻ ba tuổi

Khoa Chấn thương - Chỉnh hình Cột sống tiếp nhận điều trị bệnh nhi B.Đ, ba tuổi, đến từ Thanh Hóa. Cháu bé được bố mẹ phát hiện có bất thường tại cột sống khi hai tuổi và đưa đi khám, được chẩn đoán là vẹo cột sống ngực – thắt lưng bẩm sinh mức độ lớn do dị tật nửa đốt sống L1.

Cháu bé vẫn đi lại được nhưng cột sống lệch vẹo, cúi ngửa khó khăn, hạn chế vận động do đau lưng. Nhưng vì tình trạng biến dạng cột sống của cháu B.Đ đã là mức độ nặng, góc vẹo 66 độ, nếu trì hoãn mổ đợi khi cháu được sáu tuổi trở lên thì không thể phẫu thuật nắn chỉnh được vẹo cột sống. Chính vì vậy, các bác sĩ đã nghiên cứu và quyết tâm tiến hành gây mê hồi sức và phẫu thuật nắn chỉnh được biến dạng cột sống của cháu.

Bác sĩ điều trị Nguyễn Duy Thụy nhận định, trường hợp của bệnh nhi B.Đ là đặc biệt vì nhỏ tuổi nhất từ trước đến nay tại khoa Phẫu thuật Cột sống, kèm theo bệnh lý phức tạp của cột sống. Các bác sĩ của khoa đã xác định có rất nhiều khó khăn, thách thức đối với cả phẫu thuật và gây mê hồi sức.

Về mặt phẫu thuật, đây là trường hợp cháu bé còn nhỏ tuổi nhưng đã có biến dạng cột sống rất lớn, góc vẹo cột sống T11-L2 66 độ, có dị tật nửa thân đốt L1 bên phải, thiểu sản cuống sống T12 bên phải. Do vậy, tính chất cuộc phẫu thuật rất phức tạp.

'Để nắn chỉnh được tối đa biến dạng vẹo này thì cần phải cắt được phần thân đốt dị tật và cố định cột sống tương đối dài từ T10-L3. Như vậy, có nhiều vấn đề trong phẫu thuật như: khả năng mất máu lớn trong mổ, nguy cơ làm tổn thương tủy - rễ thần kinh có thể dẫn đến liệt chân, bộc lộ vết mổ rộng, bắt nhiều vít vào cột sống trên bệnh nhân nhi 12 kg. Ngoài ra, không có loại vít cột sống dành riêng cho trẻ em, các mũ vít khá lớn với bệnh nhân nhi", BS Thụy cho biết. 

Nắn chỉnh thành công cho trẻ bị cong vẹo cột sống hiếm gặp -0
 Hình ảnh phim chụp cột sống bệnh nhi B.Đ bị vẹo ngực – thắt lưng bẩm sinh mức độ lớn do dị tật nửa đốt sống L1 trước khi mổ.

Về gây mê hồi sức, cháu mới chỉ có ba tuổi. Đồng thời, gây mê hồi sức trong phẫu thuật chỉnh hình gù vẹo cột sống là một gây mê khó, đòi hỏi người bác sĩ gây mê cần chuẩn bị chu đáo, theo dõi sát và phán đoán, xử lý tình huống nhanh. Bệnh nhân phải nằm sấp lâu gây ảnh hưởng đến hô hấp, tuần hoàn.

Kíp gây mê hồi sức đã lên kế hoạch gây mê hồi sức cho cháu chi tiết và cẩn thận, với mục tiêu gây mê an toàn, chuẩn bị sẵn sàng để xử lý các tình huống xảy ra trong phẫu thuật như mất máu, rối loạn kiềm toan.... hay giảm đau sau mổ tốt để có thể cho bệnh nhi tỉnh lại ngay sau khi cuộc mổ kết thúc.

Với phương pháp gây mê nội khí quản, theo dõi huyết áp liên tục bằng catheter động mạch quay, lập hai đường truyền lớn, chỉnh tư thế phẫu thuật hạn chế tì đè, ủ ấm và theo dõi thân nhiệt, truyền dịch tính theo nhu cầu cơ bản, bù dịch nhịn ăn uống... tất cả được làm một cách tỉ mỉ và cẩn thận.

Ca phẫu thuật diễn ra gần bốn giờ, lượng máu mất nhiều, cần phải truyền 300 ml khối hồng cầu và 150 ml huyết tương tươi, cân bằng toan hóa máu sau truyền máu, điều chỉnh tất cả các chỉ số xét nghiệm và chỉ số sinh tồn về trong giới hạn. Cuối cuộc mổ, cháu bé được rút ống nội khí quản, tỉnh lại ngay, nói chuyện được và không đau, hai chân vận động tốt trong niềm vui của toàn bộ ekip phẫu thuật viên và gây mê hồi sức.

Sau mổ, bệnh nhi đã được nắn chỉnh tốt biến dạng cong vẹo cột sống, không có tổn thương thần kinh. Bệnh nhi hồi phục thuận lợi, hai chân vận động bình thường. Cháu đang tập ngồi và đi lại được, tiểu tự chủ. Hình ảnh X-quang sau mổ cho thấy biến dạng được nắn chỉnh rất tốt, còn giữ được chức năng ba đĩa đệm cuối cùng của cột sống thắt lưng. Đây thực sự là một thành công lớn của tập thể khoa Chấn thương - Chỉnh hình Cột sống (B1-D) và khoa Gây mê hồi sức (B5).

Vẹo cột sống bẩm sinh cần phải xử lý sớm

BS Thụy cho biết, vẹo cột sống bẩm sinh là một bệnh lý ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Chính vì vậy theo dõi và tiến hành phẫu thuật, điều trị kịp thời là điều vô cùng cần thiết.

Vẹo cột sống bẩm sinh là biến dạng vẹo của cột sống do sự phát triển bất thường của cột sống ngay từ khi trẻ em sinh ra. Hai nguyên nhân chính của vẹo cột sống bẩm sinh là bất thường về sự phân chia đốt sống, bất thường về hình thành đốt sống hoặc kết hợp cả hai nguyên nhân. Mức độ tiến triển biến dạng gù vẹo cột sống rất dao động tùy theo vị trí đốt sống phát triển bất thường.

Một số trẻ có đường cong vẹo ổn định và không thay đổi theo thời gian, trong khi đó có trẻ em biến dạng vẹo tiến triển không ngừng. Thông thường, các bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình cột sống sẽ theo dõi tiến triển của đường cong vẹo bằng cách chụp X-quang cứ sáu tháng một lần.

Nếu góc vẹo cột sống tiến triển thì cũng cố gắng trì hoãn phẫu thuật đến khi các cháu bé được hơn sáu tuổi. Vì khi đó, các cháu bé đủ lớn để gây mê hồi sức và phẫu thuật an toàn hơn.

Tuy nhiên, cũng có những dị tật cột sống ngay từ rất sớm đã gây ra biến dạng rất lớn của cột sống nên cần phải can thiệp điều trị phẫu thuật sớm để ngăn chặn và nắn chỉnh biến dạng. Trong trường hợp này, những tai biến biến chứng của phẫu thuật và gây mê hồi sức sẽ cao hơn.