Nậm Nhùn vượt khó

Sau năm năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) phấn đấu hết năm 2015 đạt 100% số xã đủ tiêu chí đạt chuẩn NTM. So với các địa phương khác trong tỉnh, Nậm Nhùn rất khó khăn khi bắt đầu thực hiện chương trình xây dựng NTM, nay những dịch vụ sinh hoạt như điện, nước sạch đều được đáp ứng đầy đủ, đời sống của người dân được nâng cao.

 Cán bộ xã Pú Đao, huyện Nậm Nhùn vận động người dân cứng hóa nền nhà.
Cán bộ xã Pú Đao, huyện Nậm Nhùn vận động người dân cứng hóa nền nhà.

BÍ thư Huyện ủy Nậm Nhùn, Lê Đức Dục cho biết, huyện mới được thành lập, cơ sở vật chất tạm bợ, hệ thống giao thông, thủy lợi kém phát triển. Đội ngũ cán bộ công chức thiếu và yếu. Tình hình an ninh phức tạp với các hoạt động tôn giáo trái phép, tệ nạn ma túy… Nhiều cái khó như vậy nhưng tới nay huyện đã có ba xã gần hoàn thành được tiêu chí NTM. Đó là nỗ lực và quyết tâm không ngừng của cả hệ thống chính trị và người dân.

Huyện Nậm Nhùn được thành lập từ năm 2012, có 11 xã, thị trấn thì có chín xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Huyện thuộc diện nghèo nhất của tỉnh Lai Châu. Đến nay, cán bộ huyện vẫn phải làm việc trong những căn phòng chật chội, tạm bợ trong khi chờ san ủi mặt bằng để xây dựng trụ sở. Điều kiện sản xuất nông nghiệp của huyện thuộc dạng thấp kém nhất so với cả tỉnh. Ruộng lúa trồng một vụ chỉ có 300 ha, ruộng hai vụ được hơn 700 ha nhưng manh mún, cho nên sản lượng thấp. Trong khi đó, bà con các dân tộc lại canh tác lạc hậu, chăn nuôi nhỏ lẻ vì thế đời sống kinh tế của bà con các dân tộc đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

“Phải xác định được những khó khăn cụ thể mới có thể đưa ra định hướng phát triển được. Khó nơi nào, giải quyết nơi đó. Trước tiên, chúng tôi xác định cần bám vào rừng. Toàn huyện có gần 4.200 hộ nhận khoán bảo vệ rừng, số tiền một hộ được hưởng lợi trung bình gần chín triệu đồng/năm. Đây là khoản thu nhập để bà con đầu tư phát triển sản xuất, mua sắm vật dụng gia đình cũng như giải quyết khó khăn về lương thực thời kỳ giáp hạt. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh tăng vụ, tiến tới sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm”, ông Lê Đức Dục cho biết thêm.

Bản Nậm Nhùn, thị trấn Nậm Nhùn có hơn 240 hộ, với hơn 80% số dân là đồng bào dân tộc Thái. Do nhường đất cho thủy điện và phát triển cây cao-su nên cả bản chỉ còn có sáu ha diện tích lúa nước, 60 ha diện tích đất nương. Để giúp người dân thoát khỏi khó khăn, bản đã có cách làm riêng. Trưởng bản Nậm Nhùn Mào Văn Siêng kể: “Chúng tôi thành lập các nhóm giúp đỡ hộ nghèo. Tuỳ theo hoàn cảnh từng nhà, thiếu lao động, đất sản xuất thì mọi người trong bản cùng nhau giúp sức khai hoang thêm ruộng, cho mượn trâu, bò để cày cấy, nhà nào có lao động thì được hỗ trợ giống, kỹ thuật để sản xuất. Chi bộ bản cùng với các đoàn thể cũng vận động bà con tham gia chăm sóc cây cao-su, làm công nhân tại công trường Nhà máy Thủy điện Lai Châu”. Đến nay cả bản đã có ba ha đất trồng rau xanh các loại, 300 con trâu, 80 con bò, hàng trăm con lợn, gà, vịt. Cuộc sống vẫn còn khó khăn nhưng không còn phải vất vả chạy ăn từng bữa như trước.

Pú Đao là xã đặc biệt khó khăn với 95% dân số là người Mông. Do địa hình bị chắn bởi hai dãy núi cao, đường sá khó khăn nên cuộc sống của người dân Pú Đao trước đây gần như tách biệt với bên ngoài. Sản xuất gần như tự cung tự cấp. Sau khi được huyện chọn làm xã điểm xây dựng NTM. Đến nay Pú Đao đã triển khai được nhiều hạng mục quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Chủ tịch UBND xã Pú Đao Chá A Thứ cho biết: Ngoài đường giao thông từ huyện tới xã, thành công nhất của chúng tôi đó là bê-tông hóa đường nội bản với chiều dài hơn 3,2 km, với sự hỗ trợ của Nhà nước cùng đóng góp của người dân, những đoạn đường dốc khó đi lại dẫn tới các bản vào mùa mưa đều đã được bê-tông hóa. Giao thông trong xã không còn trở ngại. Đường sá thuận lợi đã mở đường cho cái mới, cái văn minh, tiến bộ đến được với từng hộ gia đình.

Nhiều năm qua, nguồn thu nhập từ chính sách chi trả dịch vụ rừng đã giúp cho cuộc sống của bà con DTTS ở xã Pú Đao, huyện Nậm Nhùn có cuộc sống khấm khá hơn. Trung bình mười triệu đồng/hộ/năm là một khoản tiền khá lớn đối với bà con, cá biệt có hộ một năm nhận được hơn 60 triệu đồng tiền hỗ trợ chi trả dịch vụ rừng. Nghe theo vận động của chính quyền xã, người dân đã trích một phần số tiền để thực hiện “ba cứng” là “cứng nền, cứng cột, cứng mái”.

Ông Chá A Thứ chia sẻ: Trước đây, bà con nhận được nhiều tiền như thế một lúc, có một số hộ chi tiêu lãng phí, không mua lương thực dự trữ để phòng ngày giáp hạt, cũng chẳng mua máy móc để phục vụ sản xuất mà chỉ có ăn với tiêu thôi. Từ năm 2013, chúng tôi đã bắt đầu vận động người dân dành một phần trong số tiền dịch vụ chi trả môi trường rừng để thực hiện “ba cứng” do đặc thù nhà người Mông chủ yếu là nền đất.

Cuộc vận động đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân. Đến hết năm 2014, 60% số hộ dân trong xã đã mua xi-măng, cát để cứng hóa nền nhà. Anh Lý A Di, ở bản Nậm Đoong cho biết: “Mỗi năm nhà tôi nhận được gần 15 triệu đồng từ dịch vụ chi trả trồng rừng. Nhận tiền xong cũng chỉ đủ lo cho con cái ăn học với mua sắm đồ dùng trong nhà. Chẳng nghĩ gì tới chuyện phải làm nền cho cái nhà mình cả, vì từ xa xưa tới giờ ông bà mình cũng ở thế rồi mà. Từ khi thấy nhà bên cạnh làm xong, nhà cửa sạch sẽ, đi lại cũng thuận tiện, nhất là trời mưa gió, không còn bùn lầy trong nhà nữa. Thế nên tôi cũng trích gần năm triệu đồng ra để làm lại cái nền. Giờ quanh bản, nhà nào cũng trát nền sạch đẹp hết rồi”.

“Vốn dĩ tiêu chí môi trường trong quá trình xây dựng NTM ở các xã vùng cao thực hiện khá khó khăn. Ở Pú Đao, nhờ hiệu quả của cuộc vận động mà tiêu chí này đã đạt được. Bà con cũng tự bỏ tiền ra để xây nhà vệ sinh. Đó là có một bước thay đổi nhận thức lớn của người Mông ở nơi đây”, ông Thứ chia sẻ.

Qua cuộc vận động, chính quyền xã đã đứng ra tổ chức và hướng dẫn người dân xây được 80 nhà vệ sinh và 13 chuồng trâu bảo đảm tiêu chí. Xã Pú Đao đã hoàn thành được 12/19 tiêu chí. Dự kiến trong năm 2015, xã hoàn thành đủ 19/19 tiêu chí. Xã cũng rất thành công trong việc xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự với ba không, “không tệ nạn, không ma túy, không truyền đạo trái phép”.