40 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước

Năm ngày "phi thường" và hai giờ "thần tốc" của Phi đội Quyết thắng

Được mệnh danh là mũi tiến công thứ sáu đầy uy lực, chiều 28-4-1975, với năm chiếc máy bay A-37 ta thu được của địch, chỉ sau năm ngày chuẩn bị, Phi đội Quyết thắng đã làm nên trận đánh có một không hai trong lịch sử: Bay thẳng vào sào huyệt địch, ném bom phá hủy hàng chục máy bay, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm quân ngụy, làm tê liệt hoàn toàn sân bay Tân Sơn Nhất.

Phi đội Quyết thắng sau trận đánh trở về sân bay Thành Sơn (Phan Rang), chiều 28-4-1975.
Phi đội Quyết thắng sau trận đánh trở về sân bay Thành Sơn (Phan Rang), chiều 28-4-1975.

Biến máy bay địch thành máy bay ta

Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Cục trưởng huấn luyện nhà trường Quân chủng Không quân, nguyên phi công chiến đấu lái MiG 17, người đầu tiên hạ gục máy bay F8U của Mỹ trên bầu trời miền bắc, bồi hồi nhớ lại: Ngay sau khi Đà Nẵng được giải phóng, ngày 3-4-1975, đang là Trưởng phòng Tác huấn Quân chủng, tôi được giao nhiệm vụ dẫn đoàn cán bộ, nhân viên kỹ thuật từ Hà Nội vào tiếp quản sân bay Đà Nẵng, lập cầu hàng không Đà Nẵng - Gia Lâm và khai thác vũ khí, khí tài, máy bay thu được của địch, khẩn trương đào tạo phi công dùng máy bay địch đánh địch. Sân bay Đà Nẵng lúc đó còn ngổn ngang xác máy bay, ô-tô, bom, đạn và quần áo đủ các sắc lính. Chúng tôi liên hệ Bộ Tư lệnh (BTL) quân quản gọi số phi công, thợ kỹ thuật chế độ cũ còn ở lại Đà Nẵng vào khai thác và chọn người sử dụng. Tôi điện ra Hà Nội đề nghị Quân chủng chọn số phi công lái máy bay MiG-17 thành một phi đội đưa vào Đà Nẵng học chuyển loại máy bay A-37. Nhiệm vụ này được giao cho Trung đoàn Không quân 923, nòng cốt là Đại đội 4 -Đơn vị Anh hùng, thuộc Đoàn không quân Thăng Long.

Đại tá, CCB Nguyễn Đình Thủy, nguyên Trưởng phòng Đào tạo của Học viện Phòng không-Không quân (PK-KQ) kể: Đội Đặc nhiệm Kỹ thuật Không quân chúng tôi do Thiếu tá Hồ Thanh Minh làm đội trưởng, các thành viên còn lại gồm: Đại úy Nguyễn Văn Soạn - kỹ sư thiết bị hàng không; Thiếu úy Ngô Anh Tuấn - kỹ sư máy bay động cơ và tôi lúc ấy quân hàm Trung úy, là kỹ sư vũ khí hàng không. Chúng tôi ngày đêm nghiên cứu tài liệu, liên hệ, tuyển chọn một số nhân viên kỹ thuật của quân đội Sài Gòn còn ở lại bổ sung vào các chuyên ngành như: Thân-cánh, động cơ máy bay, thiết bị điện - đồng hồ, thông tin liên lạc vô tuyến... Sau 10 ngày khẩn trương, đội phục hồi xong hai máy bay A-37 số hiệu 777 và 980, bàn giao cho đội ngũ kỹ thuật vừa ở miền bắc vào bảo đảm bay huấn luyện cho phi công của ta, rồi gấp rút vào sân bay Phù Cát (Bình Định) tiếp tục sửa chữa máy bay A-37. Tại đây, chúng tôi lựa chọn được chín chiếc A-37 còn khá tốt; sau bốn ngày làm việc cật lực, chín chiếc A-37 được phục hồi xong và sau bay thử đều cho kết quả tốt. Chúng tôi chọn năm chiếc tốt nhất sẵn sàng làm nhiệm vụ.

Sáng 28-4-1975, tôi được lệnh lên đường cùng cán bộ tham mưu, tác chiến của BTL đi máy bay AH-24 hạ cánh xuống sân bay Thành Sơn (Phan Rang) vào giữa trưa. Một lát sau, năm chiếc máy bay A-37 xuất hiện lần lượt hạ cánh. Chúng tôi chọn phương án số 2: Lắp hai quả MK82 ở hai giá sát thân, bốn quả MK81 ở hai giá số 2 và hai giá số 4.

Phương án này có ưu điểm: Với mục tiêu kiên cố như vòm ụ chứa máy bay, bom vẫn có thể xuyên vào trong mới nổ. Số lượng bom nhiều hơn phương án mang bom số 2 hai quả, điểm nổ và diện tích sát thương sẽ lớn hơn. Mọi công việc chuẩn bị hoàn tất lúc 15 giờ 20 phút, chúng tôi hồi hộp chờ đợi giờ xuất kích...

Khóa học "thần kỳ" chuyển loại A-37

Đại tá, cựu phi công Hán Văn Quảng, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân chủng, một trong sáu thành viên Phi đội Quyết thắng năm xưa kể: Tháng 4-1975, trước sự tiến công ào ạt của quân và dân ta, địch điều toàn bộ máy bay F5 từ sân bay Biên Hòa về Tân Sơn Nhất để cố thủ các tuyến phía bắc Sài Gòn và đánh chặn khi có không quân ta hoạt động.

Máy bay A-37 được điều về sân bay Cần Thơ, chi viện trực tiếp cho bộ binh cố thủ ngoại vi Sài Gòn về phía tây nam. Lực lượng cao xạ tập trung bảo vệ Dinh Độc Lập và hướng sân bay Tân Sơn Nhất...

Lúc đó, tôi đang trực bay đêm ở sân bay Đồng Hới (Quảng Bình), thì nhận nhiệm vụ về Phi đội Quyết thắng. Tôi vừa tự hào vừa băn khoăn: Chuyển loại từ lái MiG-17 sang MiG-21 chúng tôi phải mất ba tháng. Bây giờ sang máy bay A-37, thời gian chỉ có năm ngày. Vốn quen sử dụng các núm, nút công tắc, bảng điều khiển của MiG-17 hay MiG-21 bằng tiếng Nga, sang máy bay A-37 là tiếng Anh, chúng tôi phải nhờ phiên dịch sang tiếng Việt, dán chồng lên khắp các thiết bị cho khỏi nhầm. Thực hành, cũng chỉ vỏn vẹn ba chuyến: một chuyến bay cùng phi công ngụy được ta giác ngộ; một chuyến bay với nhau và một chuyến chuyển trường.

Phi đội Quyết thắng do Thượng úy Nguyễn Văn Lục làm Phi đội trưởng, Thượng úy Trần Cao Thăng - Chính trị viên và Thượng úy Từ Đễ - Phi đội phó, trong Phi đội có hai phi công ngụy là Nguyễn Văn On và Trần Văn Sanh, được giác ngộ, tình nguyện đứng trong hàng ngũ của ta.

Đại tá, cựu phi công Nguyễn Văn Lục, Phi đội trưởng Phi đội Quyết thắng chia sẻ: Khóa học chuyển loại máy bay A-37 "thần tốc" trong 2,5 ngày, với hai giờ thực hành bay trước khi ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, là khóa học đặc biệt trong lịch sử Không quân nhân dân Việt Nam. Thứ nhất bởi người dạy chính là hàng binh thuộc quân đội Sài Gòn: Phi công Trần Văn Nghiệp; thứ hai là thời gian "thần tốc", lý thuyết học một ngày, thực hành bay trong 2,5 ngày, với từ 1,5 đến hai giờ bay (ba đến bốn chuyến bay). Thời gian quá ngắn, quá gấp rút, cho nên ai cũng cố gắng.

Chiến thắng trở về

Ngày 28-4-1975 là mốc son không thể nào quên. Thiếu tướng, cựu phi công Phạm Ngọc Lan cho biết: Khoảng hơn 8 giờ sáng hôm ấy, tại sân bay Phù Cát (Bình Định), Đại tá Lê Văn Tri - Tư lệnh Quân chủng quyết định lực lượng tham gia chiến đấu gồm sáu phi công: Nguyễn Văn Lục, Từ Đễ, Nguyễn Thành Trung, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng và Trần Văn On. 9 giờ 30 phút, năm chiếc máy bay A-37 của Phi đội Quyết thắng di chuyển từ sân bay Phù Cát vào sân bay Thành Sơn (Phan Rang). Tại đây, mỗi máy bay được trang bị bốn quả bom 250 bảng Anh và bốn thùng dầu phụ. 14 giờ 30 phút, Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri trực tiếp giao nhiệm vụ. Phi công Nguyễn Thành Trung bày tỏ: "Tôi thay mặt Phi đội Quyết thắng rất vinh dự được lãnh trách nhiệm của nhân dân giao phó, nhằm đóng góp vào chiến công chung. Tôi xin hứa quyết tâm đánh thật bất ngờ, đánh thắng và mang lại kết quả nhiều nhất".

Đại tá, cựu phi công Hán Văn Quảng xúc động kể: 16 giờ 17 phút cùng ngày, phi đội được lệnh cất cánh. Nguyễn Thành Trung được phân công bay vị trí số 1 dẫn đường; Từ Đễ bay số 2; Nguyễn Văn Lục bay số 3; Hoàng Mai Vượng cùng Trần Văn On bay số 4 và tôi bay số 5. Đội hình phi đội chia làm hai tốp: Tốp thứ nhất gồm Trung, Đễ, Lục làm nhiệm vụ cường kích; tốp thứ hai gồm Quảng, Vượng, On vừa làm nhiệm vụ cường kích, vừa làm nhiệm vụ tiêm kích bảo vệ tốp đầu.

Để tránh ra-đa của địch phát hiện, Phi đội bay ở độ cao 500m. Gần tới Sài Gòn, Phi đội nhanh chóng phát hiện được mục tiêu. Đài chỉ huy của địch ở sân bay Tân Sơn Nhất dồn dập hỏi khi bị không kích: "Máy bay của phi đoàn nào? Cho biết phiên hiệu?... Mặc cho chúng dùng pháo phòng không bắn theo dữ dội, cả Phi đội vẫn tiến theo đội hình đã định. Đến sát mục tiêu, phát hiện một chiếc AD6 của địch bay theo hướng ngược lại, tôi liền rời đội hình quay lại theo dõi chiếc AD6, nhưng chỉ tích tắc sau tôi đã bám được đội hình.

110 phút sau khi cất cánh, Phi đội Quyết thắng đã xuất sắc lập công và hạ cánh an toàn xuống sân bay Thành Sơn.

"Bước ra khỏi máy bay, chúng tôi liền ôm lấy nhau mà hét toáng lên: "Chiến thắng rồi, chiến thắng rồi!" Tiếng hô khiến Tư lệnh Nguyễn Văn Tri vừa nhìn thấy chúng tôi đã nghiêm giọng nhắc nhở: "Tất cả giữ kỷ luật chiến trường!", rồi cũng không thể kìm nén niềm vui lâu hơn được nữa. Ông đã chạy ào ra, ôm hôn từng phi công trong niềm xúc động rưng rưng"- Đại tá cựu phi công Nguyễn Văn Lục, tự hào kể.

Trong trận này, Phi đội Quyết thắng đã phá hủy 24 chiếc máy bay A-37, tiêu diệt và làm bị thương hơn ba trăm quân ngụy; sân bay Tân Sơn Nhất bị tê liệt hoàn toàn. BTL chiến dịch Hồ Chí Minh coi tiếng bom Tân Sơn Nhất như hiệu lệnh để đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975.

Anh Nguyễn Thành Trung lượn vòng rồi bổ nhào ném loạt bom đầu vào mục tiêu, được một quả. Từ Đễ vào ném đủ bốn quả, đến lượt Nguyễn Văn Lục thì bom không ra. Hai chiếc A-37 còn lại do Hoàng Mai Vượng, Trần Văn On và tôi điều khiển đều ném đủ bốn quả trúng mục tiêu. Lúc này cả sân bay như một biển lửa, những cột khói đen cao ngất cuồn cuộn bốc lên. Trong lúc chờ đợi Nguyễn Thành Trung và Nguyễn Văn Lục vào ném bom lần thứ hai, tôi vừa cảnh giới vừa lo lắng, sợ lượng dầu không còn đủ để bay về căn cứ bèn hô: "Tất cả anh em, hướng 150 thoát ly...!".