Trại canh tác nấm của chị Nương đặt tại xã Tà Ðảnh, huyện Tri Tôn. Chị tâm sự, xuất thân từ nhà nông và nhận thấy nguồn nguyên liệu rơm rạ dồi dào nhưng chưa tận dụng hết, trong khi đó nguồn phân rơm rất tốt cho nấm và nghề nấm mang lại thu nhập khá, cho nên chị đã tìm hiểu về nấm; tham khảo các trang trại nấm, học hỏi, gặp giảng viên chuyên ngành nông nghiệp tại các trường đại học tìm hiểu đặc tính sinh trưởng của các loại nấm.
Khi đã nắm rõ quy cách, chị thử nghiệm với diện tích nhỏ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Những ngày đầu còn lúng túng trong khâu xử lý nấm bệnh khiến nấm bị hư hại nhiều, nhưng từ những thất bại đó chị càng thạo tay nghề. Năm 2020, chị mạnh dạn mở trại trồng nấm rộng 1 ha chuyên canh tác nấm mối các loại, nấm linh chi, chế biến đông trùng hạ thảo. Mỗi vụ, cơ sở xuống giống khoảng 20.000 bịch phôi nấm mối, 10.000 phôi nấm linh chi.
Hằng tháng, cơ sở của chị Châu Thị Nương đưa nấm đến thị trường tỉnh An Giang, Thành phố Hồ Chí Minh… từ 2-3 tấn nấm các loại, với mức giá nấm linh chi từ 1,5 triệu đồng-2 triệu đồng/kg; nấm mối khoảng 200.000 đồng-250.000 đồng/kg tùy thời điểm. Nấm trồng công nghiệp nhưng đòi hỏi quy trình trồng tỉ mỉ và kỹ thuật cao nhằm bảo đảm chất lượng thơm ngon.
Ðể tạo được "Nấm mối nàng Nương" đạt chuẩn, chị Nương đã đầu tư máy móc, thiết bị cần thiết. Ngay từ sản xuất meo, có hệ thống lò hấp, chạy tơ trong phòng máy lạnh…, mỗi công đoạn đều bảo đảm đúng kỹ thuật. Sau đó, phôi nấm được cấy tạo ở phòng lạnh, tiếp đến quá trình dưỡng tơ phải được đặt trong nhà mát, duy trì độ ẩm và nhiệt độ phù hợp đến khi tơ nấm phát triển thành thục sẽ tiến hành đem đi nuôi trồng trong nhà nấm.
Từ đó, nấm được chăm sóc cẩn thận, tưới đủ nước và phải là nước sạch, không dùng hóa chất. Công đoạn cuối khi nấm phát triển đủ kích cỡ, thời gian nuôi trồng theo tiêu chuẩn thì tiến hành thu hoạch, sơ chế làm sạch tạp chất, đóng gói sản phẩm. Nghề nấm giúp chị Nương mỗi năm thu lợi hơn 800 triệu đồng. Việc sản xuất ổn định đã góp phần tạo việc làm cho hơn 30 nữ lao động địa phương với tiền công từ 250.000 đồng-300.000 đồng/ngày.
Thành công, chị Nương đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Tà Ðảnh để mở rộng hoạt động. Trong các loại nấm, chị tâm đắc với nấm mối đen vì đây là loại thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng, khoáng chất và là món ăn bổ dưỡng. Trồng nấm đen không dùng hóa chất độc hại, theo hướng tuần hoàn khép kín, mở ra hướng phát triển nông nghiệp bền vững.
Sau khi thu hoạch nấm, phụ phẩm, phế phẩm phôi nấm được dùng làm thức ăn cho trùn quế, tạo ra lượng phân hữu cơ rất tốt, hữu ích và tiếp tục bón cho cây lúa, bắp. Trong quá trình gây dựng phát triển thương hiệu nấm, cơ sở của chị được chính quyền địa phương ủng hộ, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đồng hành hỗ trợ, quảng bá sản phẩm nấm mối đen, giúp kết nối để tiêu thụ tại các cửa hàng nông sản an toàn, siêu thị.
Tự tin với sản phẩm "Tận dụng rơm rạ sản xuất phôi nấm mối đen" nên năm 2022, chị Châu Thị Nương đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp Tà Ðảnh tham gia cuộc thi sáng kiến sinh kế trong nông nghiệp do Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và Phát triển nông thôn tổ chức và đạt giải nhất. Năm 2023, cũng với sản phẩm nêu trên, chị tham dự cuộc thi Sáng kiến ESG Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Ðầu tư phối hợp Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức và vào "Top 10 doanh nghiệp xuất sắc nhất".