Nơi đây trưng bày những sản phẩm tinh xảo nhất của hầu hết các ngành nghề thủ công truyền thống của nước Nga. Những gian hàng sặc sỡ với những con búp bê gỗ Matryoshka được chạm trổ và vẽ tay, những quả trứng phục sinh gợi nhớ về danh tiếng lẫy lừng của nhà kim hoàn Nga Peter Carl Faberge, những chiếc khăn dệt tay nổi tiếng Nga từ vùng đất Pavlovsky Posad, mà cô gái nào cũng mong ước được sở hữu...
Đồ lưu niệm tại Vernissage ở Izmailovo rất phong phú, có hàng thủ công tinh xảo do nghệ nhân vẽ tay và ký tên mình lên đó, cũng có hàng sản xuất đại trà với giá rất rẻ. Du khách đặt chân đến nơi này ai cũng muốn mang về một món quà gì đó, như một chút kỷ niệm về nước Nga.
Có một thời gian, cạnh Vernissage mọc lên khu chợ trời khổng lồ, với tên gọi chợ Vòm, làm tổn hại không ít đến cảnh quan và công trình lịch sử ở đây. Sau khi chợ Vòm được dẹp bỏ hồi mùa hè năm 2009, ngày càng có nhiều du khách và người dân đến đây đi dạo, mua sắm ở Vernissage, tham gia các hoạt động văn hóa, lễ hội vào dịp cuối tuần.
Nhiều đám cưới cũng được tổ chức tại đây nhờ có phòng đăng ký kết hôn nằm trong quần thể. Một cây cầu gỗ cong cong dẫn từ khu Kremlin sang chợ đồ cũ, như đưa ta trở về miền ký ức một thời nước Nga thời Xô viết.
Cảnh quan chợ đồ cũ, chợ lưu niệm Vernissage ở Izmailovo mang dáng dấp của một thị trấn còn bởi những quầy hàng có mái che dọc theo một lối đi như mê cung, và khu chợ đồ cũ này luôn đông đúc, nhộn nhịp mỗi dịp cuối tuần.
Nơi đây tràn ngập các mặt hàng từ sách, báo, huy hiệu, những bức tranh áp-phích, đồ chơi, đồ nội thất, bát đĩa, cho đến những đồ vật của Liên Xô nổi tiếng một thời, những chiếc mũ lông, những con búp bê, những bức tượng V.I.Lenin bằng đồng... Đây là địa điểm mua sắm ưa thích của người dân địa phương và khách du lịch. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, dường như chỉ có người lớn tuổi mới thích lui tới các khu chợ đồ cũ, nơi họ như được ngược về quá khứ với rất nhiều món đồ lưu dấu thời gian, lưu dấu kỷ niệm.
Chỉ cần một vạt đất nhỏ ở khu chợ đồ cũ này là lập tức nơi ấy có thể biến thành một “bảo tàng” nho nhỏ. Tại đây, người ta có thể tìm thấy không chỉ những món đồ của nước Nga thời Xô viết, mà thậm chí là chiếc mũ cối (trong ảnh dưới) của Việt Nam. Mỗi món đồ là cả một câu chuyện thú vị. Nó không chỉ đơn thuần là đồ cũ, nó như những chứng tích lịch sử, là những gạch nối từ hiện tại về miền quá khứ. Và người ta đi chợ đồ cũ, chính vì những “gạch nối” thú vị ấy.