Mở rộng cánh cửa hợp tác Đức-châu Phi

Các nhà lãnh đạo từ hơn 10 quốc gia châu Phi đang có mặt tại Đức để tham dự một hội nghị nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân vào Lục địa Đen. Châu Phi đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Đức đa dạng hóa tốt hơn chuỗi cung ứng, bảo đảm nguồn lao động có tay nghề, giảm tình trạng di cư bất hợp pháp và đạt được quá trình chuyển đổi xanh. Mở rộng quan hệ với châu Phi là một phần trong chính sách đối ngoại được Chính phủ Đức đang đẩy mạnh triển khai thực hiện nhằm củng cố vai trò và vị trí của “đầu tàu” kinh tế châu Âu tại Lục địa Đen.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali được Thủ tướng Đức Olaf Scholz chào đón trước hội nghị thượng đỉnh "Thỏa thuận với châu Phi" ở Berlin, Đức, ngày 19/11/2023. (Ảnh: REUTERS)
Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali được Thủ tướng Đức Olaf Scholz chào đón trước hội nghị thượng đỉnh "Thỏa thuận với châu Phi" ở Berlin, Đức, ngày 19/11/2023. (Ảnh: REUTERS)

Hội nghị nêu trên được triển khai thường niên trong khuôn khổ sáng kiến Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) gắn kết với châu Phi (G20 Compact with Africa), với kỳ vọng thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư đến với thị trường châu Phi. Đức khởi động sáng kiến này năm 2017 khi Berlin giữ vai trò Chủ tịch G20 và Thủ tướng Đức khi đó là bà Angela Merkel đã chọn châu Phi là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự của G20.

Hội nghị năm nay được tổ chức tại Phủ Thủ tướng Đức, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Olaf Scholz. Theo các quan chức Chính phủ Đức, để nhấn mạnh sự quan tâm đối với châu Phi, trong số những lãnh đạo châu Âu tham dự hội nghị năm nay có Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte.

Đây là cơ hội để Thủ tướng Scholz, người đã thăm châu Phi nhiều lần kể từ khi nhậm chức cuối năm 2021, tiến hành các cuộc thảo luận song phương với lãnh đạo một số quốc gia châu Phi nhằm thúc đẩy các cơ hội hợp tác. Mới đây, Thủ tướng Scholz đã có chuyến công du tới khu vực miền Nam sa mạc Sahara.

Trong chuyến thăm Ghana, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, nước này và Liên minh châu Âu (EU) đều cam kết tăng cường an ninh ở khu vực Tây Phi, đồng thời có thể cung cấp trang thiết bị và huấn luyện nhằm hỗ trợ việc chống lại hoạt động các phần tử thánh chiến Hồi giáo đang lan rộng ở khu vực này.

Thủ tướng Scholz nhấn mạnh, Đức sẵn sàng hỗ trợ hợp tác xuyên biên giới và phái đoàn của EU sắp tới Vịnh Guinea có thể cung cấp trang thiết bị và huấn luyện nhằm tăng cường hơn nữa sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên trong chống khủng bố.

Trong khi đó, nhiều công ty Đức đang muốn đẩy mạnh hoạt động kinh doanh tại châu Phi, đặc biệt trong các lĩnh vực như hydro xanh và khí tự nhiên hóa lỏng. Theo người đứng đầu Hiệp hội doanh nghiệp Đức-châu Phi Christoph Kannegiesser, trong bối cảnh Đức đang tìm cách giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga, ông đã nhìn thấy những cơ hội lớn trong lĩnh vực năng lượng ở châu Phi.

Ông khẳng định: “Lĩnh vực hydro xanh và khí đốt hóa lỏng sẽ tạo ra động lực mới cho nhiều quốc gia”. Điển hình như Senegal, Nigeria và Mauritania là những quốc gia có tiềm năng đầu tư, trong khi Namibia có thể thu lợi lớn từ việc sản xuất hydro xanh. Namibia có những lợi thế rất lớn về vị trí địa lý so với châu Âu.

Bờ biển Skeleton của Namibia ở Đại Tây Dương là nơi lý tưởng để sản xuất hydro xanh do có nhiều nắng và gió. Theo số liệu thống kê của Bộ Kinh tế Đức, các công ty của nước này đã đầu tư khoảng 1,6 tỷ euro vào châu Phi trong năm 2021, trong đó khoảng 1,1 tỷ euro tại khu vực Nam sa mạc Sahara.

Thăm Nigeria vào cuối tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Đức bày tỏ mong muốn đầu tư vào lĩnh vực khí đốt và các khoáng sản quan trọng ở Nigeria. Chuyến thăm tới nền kinh tế hàng đầu châu Phi này của Thủ tướng Đức nhằm giúp Đức đa dạng hóa các đối tác thương mại và mở rộng quan hệ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.

Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Đức và Nigeria đã tăng lên tới 50%, từ 2 tỷ lên 3 tỷ euro. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, các doanh nghiệp đi cùng ông trong chuyến thăm quan tâm đến việc ký kết và xúc tiến các thỏa thuận mới ở Nigeria.

Theo Thủ tướng Đức, Nigeria là một thị trường và đồng thời là đối tác quan trọng đối với nền kinh tế Đức. Thủ tướng Đức hoan nghênh việc Nigeria đang nỗ lực mở rộng công suất khai thác khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), đồng thời cho rằng hợp tác về năng lượng là một lĩnh vực quan trọng trong quan hệ đối tác giữa hai nước.

Nhà lãnh đạo Đức bày tỏ Berlin muốn đạt được tiến bộ toàn diện trong việc mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Mặc dù không công bố thông tin chi tiết nhưng Thủ tướng Scholz tiết lộ các công ty Đức cũng sẵn sàng tham gia vào các dự án xây dựng đường sắt ở Nigeria.

Kim ngạch thương mại song phương giữa Đức và châu Phi năm 2022 đạt 60 tỷ euro, tăng 21,7% so với năm 2021. Theo nghiên cứu của công ty kiểm toán KPMG và Hiệp hội doanh nghiệp Đức-châu Phi, gần 67% số công ty của Đức muốn mở rộng kinh doanh ở châu Phi.

Đức nói riêng và châu Âu nói chung đang ngày càng quan tâm đến cơ hội kinh tế mới ở lục địa đông dân thứ hai thế giới, nhất là cơ hội hợp tác phát triển hydro xanh - nguồn năng lượng có thể giúp châu Âu chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa các-bon.

Ngoài ra, việc các nước châu Âu giúp huấn luyện lực lượng chống khủng bố ở Tây Phi sẽ góp phần duy trì sự ổn định và thịnh vượng của Lục địa Đen. Đây cũng là chìa khóa để giúp giảm tình trạng di cư bất hợp pháp vào châu Âu.