Di vật thời Trần bao gồm một lá đề chạm phượng bằng đất nung; đồ dùng sinh hoạt bát, đĩa bằng gốm men ngọc có hoa cúc dây in chìm; nhiều lon, vại và nồi bằng sành có nắp đậy. Đáng chú ý nhất là phát hiện loại hình bao nung đồ gốm, sứ có đường kính từ 20cm đến 27cm, chiều cao từ 20cm đến 25cm.
Ông Thư cho biết thêm: Những năm trước đây, khi xây dựng trường học hay trong quá trình canh tác người dân làng Vạn Diệp thường tìm thấy nhiều di vật thời Trần như gạch, ngói, gỗ, đồ gốm, đầu rồng. Sở dĩ nơi đây tìm thấy nhiều di vật thời Trần vì sử sách còn ghi lại: Chùa Trùng Khánh được xây dựng từ năm 1356 để Thượng hoàng Trần Minh Tông (đời thứ 5 nhà Trần) về tu trong những năm nhường ngôi. Năm 1357, thượng hoàng mất được chôn tại khu rừng nhỏ bên cạnh chùa Trùng Khánh thuộc xã Tức Mặc, tổng Đông Triền, huyện Mỹ Lộc (nay là xã Nam Phong, ngoại thành Nam Định).
Việc nghiên cứu, bảo quản các di vật thời Trần phát hiện tại chùa Trùng Khánh đang được Bảo tàng tỉnh Nam Định triển khai thực hiện.