Năm cửa ô đón chào đoàn quân tiến về

Trở về Thủ đô

Trong hồi ức của đại tá Trần Hậu Tưởng, từng một thời là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 418 và 346 của trung đoàn 57, có lẽ những kỷ niệm hào hùng về những ngày "trùng trùng quân đi như lớp" tiến về  giải phóng Thủ đô trong ông không bao giờ quên. Ông sinh ra ở làng Sen quê Bác, trưởng thành từ Chi đội Ðội Cung, hậu duệ của Tự vệ Ðỏ ra đời trong phong trào Xô-viết - Nghệ Tĩnh, tiền thân của trung đoàn 57.

Ông kể: "Sau một tháng chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt cả về bản lĩnh chính trị lẫn tổ chức năng lực tiếp quản, ngày 9-10-1954 trung đoàn được lệnh tiến về Hà Nội với nhiệm vụ vào tiếp quản các căn cứ, cơ sở quân sự, các vị trí then chốt. Ðược tham gia tiếp quản Thủ đô là niềm vinh dự đối với cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 57". Cùng chung cảm nhận của chiến sĩ bộ đội cụ Hồ những ngày ấy vừa tự hào được về Thủ đô xen lẫn nỗi lo lắng trước nhiệm vụ mới, đại tá Trần Quốc Hanh và đại tá Hoàng Bảo, nguyên là những cán bộ tuyên huấn của trung đoàn 57 nhớ lại những ngày sục sôi khí thế cách mạng cách đây nửa thế kỷ. Câu  chuyện mà những người đồng đội năm xưa kể cho nhau, nghe cứ như thể mới diễn ra hôm nào. Từ Chúc Sơn (Hà Tây) cả trung đoàn đội ngũ chỉnh tề hành quân hàng ba qua thị xã Hà Ðông giữa rừng người và cờ hoa chào đón (Hà Ðông đã được trung đoàn 9 tiếp quản trước). Ðến Phùng Khoang, trinh sát  báo về quân Pháp đang dàn một đoàn xe tăng, xe bọc thép ở Ngã Tư Sở, tình hình bắt đầu gay cấn.  Mũi tiến vào Ngã Tư Sở do tiểu đoàn trưởng Hoàng Bình chỉ huy, nhưng trước tình thế  lúc đó, tiểu đoàn trưởng lại biết tiếng Pháp trong vai trò người phiên dịch, còn chính trị viên Nguyễn Ngọc Dần người cao to thay thế chỉ huy, dẫn đường. Trước những lời nói, cử chỉ lạ, anh em đều là những người rất giỏi võ, những tay súng giỏi nhưng rất bình tĩnh giải thích, kiên quyết xử lý gọn, khống chế chúng không cho chúng có hành động bạo loạn. Tuyệt đối không nổ súng, nếu cần thiết phải bảo đảm tính mạng để an toàn cho cuộc tiếp quản. Cuối cùng, phía Pháp cũng cho rút ngay số xe tăng, xe bọc thép ấy ra khỏi khu vực tiếp xúc. Trên đường tiến sâu vào thành phố, những chiến sĩ  tuổi mười chín, đôi  mươi  có lúc cầm tay nhau thành hàng dài hát vang những bài hát cách mạng khiến bọn sĩ quan Pháp rất lúng túng.

Trung đoàn lệnh cho bộ đội dừng lại triển khai thành đội hình hành quân theo hàng hai, luôn trong tư thế chiến đấu, tiếp tục thực hiện kế hoạch chia thành ba cánh tiến theo ba hướng vào Hà Nội. Tiểu đoàn 418 do tiểu đoàn trưởng Nguyễn Cầm chỉ huy theo hướng đường Mễ Trì lên Nghĩa Ðô và vào tiếp quản khu trường Bưởi, Quần Ngựa, nhà máy da Thụy Khê và đóng quân tại làng Trích Sài, Ðình Thọ, Ðông Xá. Trung đoàn bộ đi cùng tiểu đoàn 418 vào đóng ở làng giấy dó Yên Thái. Tiểu đoàn 265 do chính trị viên tiểu đoàn Lâm Phúc chỉ huy vào tiếp quản khu vực Cầu Giấy, ga Hà Nội, khu Ðấu Xảo (Cung Văn hóa Hữu Nghị). Tiểu đoàn 346 do tiểu đoàn trưởng Hoàng Bình chỉ huy chia thành hai bộ phận là hai đại đội và tiểu đoàn bộ theo đường Thanh Xuân, Cầu Mới, Ngã Tư Sở vào tiếp quản sân bay và Bệnh viện Bạch Mai. Một đại đội theo đường Hạ Ðình, Kim Lũ, Ðịnh Công, Sét, Mai Ðộng đến tiếp quản khu Vĩnh Tuy, Quỳnh Lôi.

Hà Nội rực rỡ cờ hoa

Các ông Lê Văn Chiến, Hoàng Văn Tiến, Nguyễn Văn Vấn, mỗi người mỗi quê, nhưng họ lại gặp nhau ở cùng một trung đoàn, cùng tham gia tiếp quản thủ đô và hiện cùng sinh sống ở thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái). Nhắc tới những kỷ niệm với Hà Nội năm đó, những giờ phút hào hùng lại như hiện về. "Dọc các con đường hành quân men theo các xóm làng, các cánh đồng, tất cả anh em bộ đội đều rất bất ngờ và xúc động trước cảnh bà con mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, bất chấp trời mưa, đường trơn, từ khắp các đường làng, ngõ xóm vừa chạy, vừa gọi nhau ra đón bộ đội. Tiếng hô, tiếng gọi náo nức "Quân ta đã về! Quân ta đã về!", "Hoan hô các anh đã về!"... vang vọng cả xóm làng. Chẳng mấy chốc đồng bào đã ra đông nghịt cả hai bên đường, vừa reo mừng, vừa nắm tay chào hỏi bộ đội, thân thiết và mừng vui hơn cả khi đón những người thân đi xa trở về. Có những bà mẹ cao tuổi nhưng vẫn nhảy lên như con trẻ, vừa lau nước mắt vừa reo "Các anh đã về. Các anh đã về thật rồi!". Và cũng chỉ một loáng, hàng loạt chiếc bàn nhỏ với những nồi nước chè xanh, nước vối nóng hổi và những rổ ổi, na... hái vội trong vườn nhà đã được bày ra suốt dọc con đường làng mà bộ đội đi qua".

Trong những ngày tiếp quản Thủ đô năm ấy, thiên nhiên, trời đất dường như cũng hiểu lòng người. Ngày mồng 9 mưa to là thế, việc tiếp quản các khu vực chính nhanh, gọn, an toàn và toàn vẹn, đến ngày hôm sau, ngày 10-10 trời  quang mây tạnh, nắng thu ấm áp. Tiểu đoàn 418 được vinh dự cử đại đội 60 do tiểu đoàn trưởng Nguyễn Cầm chỉ huy đại diện cho trung đoàn đến sân vận động Măng Gianh (nay là sân vận động Cột Cờ cùng tiểu đoàn 102, trung đoàn Thủ đô thuộc sư đoàn 308 do tiểu đoàn trưởng Nguyễn Quốc Trị chỉ huy làm lễ kéo cờ lên Cột Cờ Hà Nội. Ðúng 10 giờ, lá cờ đỏ sao vàng bắt đầu kiêu hãnh tung bay trên bầu trời Hà Nội, chính thức đánh dấu thủ đô hoàn toàn giải phóng. Rất đông nhà báo trong nước và quốc tế đến chụp ảnh, đưa tin về giờ phút lịch sử đó. Trải nghiệm qua bao ngày gian khó, thấu hiểu nỗi cay đắng của  chiến tranh và ngập tràn nỗi sung sướng của người chiến thắng, tiểu đoàn trưởng, đại tá Nguyễn Cầm, 84 tuổi nói với tôi bằng giọng run run  nhưng như vẫn còn vẻ hân hoan ngày nào: "Vui lắm. Vui lắm.  Ðoạn chúng tôi đi qua phố Nguyễn Thái Học, nhân dân tràn ra đường hoan hô các chiến sĩ giải phóng, nhiều người đứng trên gác nhà cao tầng tung hoa giấy chào đón chúng tôi. Hoa trên tay, lại lấp lánh hoa trên mũ, trên người. Hà Nội rợp cờ hoa, rộn rã tiếng cười, nhân dân và bộ đội xiết chặt tay nhau nhảy múa, hát mừng Thủ đô giải phóng".

Hôm nay đây, trong ngày gặp mặt truyền thống của trung đoàn 57 (21-8-1945), những chiến sĩ, những người đồng đội năm xưa lại cùng nhau hát những bài ca cách mạng, hát về tình yêu quê hương đất nước, về Hà Nội. Những cô y tá, bác sĩ Như, Tuyết, Thoa, Nhuận, Thiên, Thiều, Minh, Ðược..., những "hoa khôi" của trung đoàn năm xưa, không chỉ hết lòng chăm sóc phục vụ thương bệnh binh mà còn nổi tiếng là những cây đơn ca của trung đoàn, bây giờ lại cùng nhau say sưa hát vang bài ca kết đoàn. Có người xuất chúng lại thể hiện tài ngâm thơ. Họ mang đến đây không khí vui tươi như những ngày tuổi trẻ gian khó nhưng sôi nổi, nhiệt tình cách mạng, như những ngày "năm cửa ô đón chào đoàn quân tiến về". Có những câu chuyện của ngày hôm qua, hôm nay mới đem kể, mới biết. Mới thấy, đó là một thời cách mạng gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng, thấm đẫm tình đồng đội, tình người, không dễ gì phai nhòa. Nối tiếp truyền thống vẻ vang của trung đoàn 57, trung đoàn 24 của sư đoàn 304, đơn vị vinh dự hai lần được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân tiếp tục phấn đấu, xây dựng và trưởng thành về mọi mặt trong thời kỳ đổi mới. Lớp trẻ hôm nay mãi tự hào về chiến công của lớp cha anh năm xưa, đúng 50 năm về trước. Và "Chúng ta đem vinh quang sốc dân tộc trở về. Cả cuộc đời tươi vui về đây. Năm cửa ô đón chào đoàn quân tiến về. Như đài hoa đón chào nở năm cánh đào. Chảy dòng sương sớm long lanh". Lời bài hát "Tiến về Hà Nội" của nhạc sĩ  Văn Cao vẫn tiếp tục ngân vang...