Dự buổi làm việc, có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Y Thanh Hà Niê Kđăm, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Trần Thanh Mẫn đánh giá cao vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực dân tộc của Ủy ban Dân tộc trong thời gian qua, nhất là năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Giai đoạn 2016-2020, vùng đồng bào dân tộc đã có nhiều chuyển biến quan trọng trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… với mức tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt 7%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%/năm, các huyện nghèo giảm 4-5%, có hơn 1 nghìn xã và 27 huyện đạt chuẩn nông thôn mới…
Bên cạnh đó, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Cơ bản nhất trí với phương hướng nhiệm vụ và các giải pháp mà Ủy ban Dân tộc đã xác định trong năm 2022, đồng chí Trần Thanh Mẫn lưu ý đến một số hạn chế như: tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, tái nghèo còn cao; khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội còn thấp; tình trạng di cư tự phát chưa được giải quyết hiệu quả; hủ tục mê tín dị đoan nhiều nơi chậm được khắc phục; cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số nhiều địa phương chưa đạt tỷ lệ theo quy định…
Đồng thời, đề nghị Ủy ban Dân tộc tiếp tục tập trung nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật về lĩnh vực dân tộc gắn với các quy định của Hiến pháp năm 2013 về dân tộc, chính sách dân tộc; xây dựng đề án về danh mục thành phần, tên gọi các dân tộc Việt Nam và đề án về tiêu chí, thực hiện phân định miền núi, vùng cao; khẩn trương thực hiện, giải ngân 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Tất cả các giải pháp cần tập trung vào tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách; nhanh chóng nắm bắt đời sống của người dân tộc thiểu số gặp khó khăn khi trở về từ vùng dịch để kịp thời hỗ trợ; coi đồng bào các dân tộc thiểu số là trung tâm hưởng thụ các quyền lợi, phát huy tiềm năng, lợi thế vùng, tinh thần tự lực vươn lên, hướng tới phát triển nhanh và bền vững.