Nam Á vượt mốc 30 triệu ca mắc Covid-19, hơn 219 triệu liều vaccine đã được sử dụng

NDO -

Theo dữ liệu chính thức do Reuters thu thập, số ca mắc Covid-19 tại khu vực Nam Á tính đến ngày 28-5 đã vượt mốc 30 triệu.

Nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh truyền nhiễm tại Sri Lanka xử lý vaccine AstraZeneca do Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) sản xuất, ngày 29-1. (Ảnh: Reuters)
Nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh truyền nhiễm tại Sri Lanka xử lý vaccine AstraZeneca do Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) sản xuất, ngày 29-1. (Ảnh: Reuters)

Khu vực Nam Á, gồm các quốc gia: Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Bhutan, Nepal, Maldives và Sri Lanka, chiếm khoảng 18% tổng số ca mắc và gần 10% tổng số ca tử vong do Covid-19 trên toàn cầu. 

Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới, trong tháng này ghi nhận nhiều ca tử vong nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Đến nay, Ấn Độ đã phát hiện hơn 27 triệu trường hợp mắc Covid-19, trong đó gần 319 nghìn người đã tử vong. Trong vài ngày qua, số ca mắc mới tại quốc gia Nam Á này giảm mạnh, mang đến hy vọng làn sóng Covid-19 thứ hai đang rút xuống.

Từ tháng 5-2021, Ấn Độ bắt đầu triển khai chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho tất cả những người từ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, nước này chưa thể đáp ứng được nhu cầu tiêm chủng dù là một trong những nhà sản xuất vaccine lớn nhất trên thế giới. 

Ấn Độ đang sử dụng vaccine AstraZeneca do Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) sản xuất, vaccine Covaxin do hãng dược Bharat Biotech của nước này sản xuất và bắt đầu tiêm vaccine Sputnik V của Nga.

Theo trang phân tích dữ liệu Our World in Data, đến nay khoảng 3% dân số của quốc gia có 1,3 tỷ dân đã được tiêm đầy đủ vaccine ngừa Covid-19, song tỷ lệ này hiện là mức thấp nhất trong 10 quốc gia có nhiều ca mắc Covid-19. 

Để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng trong nước, Ấn Độ đã tạm ngừng xuất khẩu vaccine từ tháng 3 vừa qua. Trước đó, nước này đã hỗ trợ và bán hơn 66 triệu liều vaccine ngừa Covid-19. Sau khi Ấn Độ thông báo quyết định nêu trên, không ít quốc gia, trong đó có Bangladesh, Nepal, Sri Lanka và nhiều quốc gia châu Phi, đã ráo riết tìm kiếm nguồn cung thay thế. 

Theo Reuters, nếu đến tháng 10 tới Ấn Độ vẫn không thể tiếp tục xuất khẩu vaccine với số lượng lớn, các quốc gia Nam Á khác như Nepal và Bangladesh sẽ cần tiến hành các nỗ lực ngoại giao để bảo đảm duy trì chương trình tiêm chủng. Pakistan đến nay đã bảo đảm có được hơn 18 triệu liều vaccine. Từ ngày 26-5, nước này bắt đầu chương trình tiêm chủng cho người từ 19 tuổi trở lên.

Theo dữ liệu của Our World in Data, đến ngày 28-5, ít nhất 219,17 triệu liều vaccine đã được sử dụng tại khu vực Nam Á. 

Nguy cơ làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư