Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, mục tiêu tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp của năm 2022 là khoảng 2,25 triệu người, tăng khoảng 10% so với số thực hiện năm 2021. Trong đó, tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp là 501 nghìn người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác là khoảng 1,7 triệu người.
Cụ thể, trong năm 2022, mục tiêu đặt ra là tiếp tục đổi mới phương thức đào tạo thích ứng với sự tác động của dịch bệnh; tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp; tăng cường đào tạo mới, đào tạo lại cho lao động bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cần tạo chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, cơ cấu trình độ đào tạo, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, chú trọng nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, thực tập đáp ứng sự thiếu hụt nhân lực cho các doanh nghiệp và nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch bệnh Covid-19, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Tiếp tục rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc bộ, ngành, địa phương.
Năm 2021, tuyển mới giáo dục nghề nghiệp khoảng 1,896 triệu người, đạt khoảng 80% kế hoạch.
Trong đó, trình độ trung cấp và cao đẳng khoảng 482 nghìn người. Trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1,414 triệu người. Tốt nghiệp học nghề theo các trình độ đào tạo khoảng 1,658 triệu người, đạt khoảng 80% kế hoạch. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66%. Cụ thể, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 26,1%.
Dự kiến năm 2022, có khoảng 1.877 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong số này, có 409 trường cao đẳng, 438 trường trung cấp và 1.030 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Số cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập là 1.184, giảm 4% so với 1.221 cơ sở của năm 2021. Số cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập chiếm khoảng 37%.
Trong năm qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045; Chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, tập trung xây dựng Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Cơ quan này cũng hướng dẫn các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố đẩy mạnh triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp và nhân lực có kỹ năng nghề. Công tác tuyển sinh, đào tạo, đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tổ chức đào tạo trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, qua đó góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có kỹ năng nghề. Tiếp tục thực hiện các chương trình đào tạo chất lượng cao theo các bộ chương trình đã chuyển giao từ Australia và Đức. Thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo thường xuyên, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Cũng trong năm 2021, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiệp tuyên dương 131 học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu năm 2021. Cùng với đó, 33 học sinh, sinh viên tiêu biểu tham gia phòng, chống dịch Covid-19 được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tuyên dương.
Đây là lần thứ hai hoạt động này được tổ chức. Qua đó, nhằm khích lệ, cổ vũ, động viên những sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nỗ lực, đam mê học tập, trau dồi kỹ năng, tỏa sáng trong lĩnh vực nghề nghiệp. Mặt khác, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.