Năm 2021, Bộ GTVT được giao gần 43 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách

NDO -

Ngày 29-12, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải - GTVT) cho biết, năm 2021, Bộ GTVT được phân bổ gần 43 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách, gồm hơn 4.830 tỷ đồng vốn nước ngoài và hơn 38.150 tỷ đồng vốn trong nước.

Thi công cao tốc bắc - nam, đoạn Mai Sơn - QL 45.
Thi công cao tốc bắc - nam, đoạn Mai Sơn - QL 45.

“Năm 2021, Bộ GTVT tiếp tục đặt mục tiêu phấn đấu luôn ở tốp đầu trong cả nước thực hiện tốt kế hoạch và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công,” ông Nguyễn Danh Huy khẳng định.

Theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT đã xây dựng dự kiến phân bổ kế hoạch đầu tư phát triển vốn ngân sách Nhà nước năm 2021 làm cơ sở giao chi tiết kế hoạch năm sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư năm 2021.

Khẳng định mục tiêu năm 2021 giữ vững tốp đầu về giải ngân vốn đầu tư công, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án triển khai kế hoạch giải ngân của từng dự án, nhất là công tác phân khai dự toán chi; lập kế hoạch giải ngân từng tháng, quý trong năm cho từng dự án để chủ động trong chỉ đạo, điều hành thực hiện giải ngân kế hoạch; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đấu thầu, thủ tục điều chỉnh thiết kế, dự toán, thủ tục quyết toán; theo dõi sát, thường xuyên rà soát, cập nhật tình hình, kế hoạch thực hiện giải ngân của từng dự án/gói thầu...

Vụ Kế hoạch và Đầu tư cũng tham mưu Bộ trưởng GTVT quyết định giao chi tiết kế hoạch năm 2021 cho các dự án ngay sau khi bảo đảm điều kiện, thủ tục giao vốn; tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình phân bổ, thực hiện kế hoạch của các đơn vị; chủ động đề xuất các giải pháp điều hành kế hoạch; khẩn trương thẩm định chủ trương, điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án; thủ tục phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh các dự án ODA, điều chỉnh phân khai chi tiết kế hoạch vốn của các dự án.

Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông khẩn trương thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, kế hoạch đấu thầu, thiết kế, dự toán, điều chỉnh thiết kế, dự toán các dự án; tăng cường công tác giám sát thực hiện đầu tư các dự án, đặc biệt với công tác kiểm tra, giám sát hiện trường các dự án lớn, quan trọng, các dự án có tiến độ thực hiện giải ngân chậm.

Các cơ quan của Bộ theo chức năng nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án xử lý các thủ tục liên quan để tạo thuận lợi cho các đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân, hoàn thành các dự án theo tiến độ yêu cầu.

“Lãnh đạo cơ quan, đơn vị sẽ phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tính chính xác về những thông tin, số liệu và kết quả thực hiện kế hoạch giải ngân”, ông Nguyễn Danh Huy quả quyết.

Đề cập công tác giải ngân năm nay, ông Huy nhận định, năm 2020, Bộ GTVT được giao giải ngân hơn 39.800 tỷ đồng, gồm hơn 36.100 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2020 và hơn 3.700 tỷ đồng vốn kế hoạch kéo dài.

Đến nay, Bộ đã hoàn thành các mốc tiến độ giải ngân theo yêu cầu tại Nghị quyết 84 của Chính phủ, hết tháng 11 đã giải ngân được hơn 32 nghìn tỷ đồng (đạt 80,6%), cao hơn tỷ lệ bình quân chung cả nước (64,5%) và từ nay đến hết thời hạn giải ngân kế hoạch năm 2020 sẽ phấn đấu giải ngân tối thiểu hơn 90% kế hoạch cả năm.

Đóng góp vào thành công chung trong giải ngân của Bộ GTVT năm 2020, một số chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đạt kết quả giải ngân cao, vượt mức kế hoạch đã đăng ký đầu năm như Ban Quản lý dự án Thăng Long, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh...

Ngoài ra, một số chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đã rất nỗ lực vượt qua khó khăn, phối hợp các bộ, ngành, cơ quan tham mưu của Bộ xử lý thủ tục tồn đọng để phấn đấu hoàn thành kế hoạch như Ban Quản lý dự án Hàng hải trong xử lý thủ tục điều chỉnh Hiệp định, quyết toán dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện), Ban Quản lý dự án đường sắt trong xử lý thủ tục sớm đưa dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vào khai thác…

Tuy nhiên, ông Huy cũng thẳng thắn nhìn nhận, trong tổng số giải ngân kế hoạch năm 2020, phần hoàn ứng trước kế hoạch và tạm ứng các hợp đồng chiếm tỷ trọng khá lớn; còn có một số chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án triển khai giải ngân kế hoạch còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.

Trong triển khai thực hiện kế hoạch cũng còn một số bất cập cần chấn chỉnh như xây dựng nhu cầu kế hoạch đối với từng dự án chưa dự báo sát thực tế triển khai thực hiện về tiến độ; chưa kịp thời triển khai nhập dự toán, phân bổ kế hoạch chi tiết ngay sau khi được giao kế hoạch năm; chưa kịp thời đề xuất điều chỉnh kế hoạch đối với từng dự án cho phù hợp với tiến độ triển khai thực tế…