Năm 2020 đã làm thay đổi nền công nghiệp điện ảnh Hollywood như thế nào?

NDO -

Đại dịch Covid-19 năm 2020 đã làm thay đổi hoàn toàn nền điện ảnh và hệ thống rạp chiếu khắp thế giới. Cạnh tranh thành hợp tác, đối thủ thành đối tác, thay đổi phương thức phát hành..., đó là những gì mà các rạp chiếu, các hãng phim đang cố gắng để vượt qua cơn khủng hoảng đã kéo dài quá lâu này.

Hình ảnh những rạp chiếu vắng lặng, im lìm đã trở nên quen thuộc với cả thế giới trong suốt một năm qua.
Hình ảnh những rạp chiếu vắng lặng, im lìm đã trở nên quen thuộc với cả thế giới trong suốt một năm qua.

Các hãng phim Hollywood đã thích ứng với đại dịch Covid-19 theo lời khuyên của cựu Thị trưởng Chicago Rahm Emanuel: “Đừng để một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trở nên lãng phí”.

Trong nhiều thập kỷ qua, ngành kinh doanh điện ảnh đã nhiều lần phải chống lại sự thay đổi của môi trường xung quanh một cách đầy tiêu cực và khó chịu. Các chủ rạp chiếu phim thường điều hành rạp của mình dựa trên giới hạn của việc phát hành phim rạp truyền thống. Cho đến trước năm nay, mỗi phim bom tấn đều phải được công chiếu ngoài rạp trong 90 ngày trước khi được phát sóng trên các kênh giải trí gia đình. Đó là vì chủ các rạp chiếu đều hiểu, phần lớn người xem sẽ không bỏ tiền ra mua vé cho các bộ phim bom tấn nếu biết chắc phim sẽ được chiếu trên truyền hình, chỉ mất thêm một vài tuần chờ đợi.

Sự gia tăng của các dịch vụ trực tuyến đã mang lại cho người xem những khả năng chọn lựa hàng trăm, hàng nghìn bộ phim chỉ bằng một cú nhấp chuột. Chính điều này đã gây thêm áp lực đối với các rạp chiếu phim và dần dần các vết nứt trong mối quan hệ bắt đầu xuất hiện. Mối quan hệ giữa các hãng phim và rạp chiếu đôi khi không yên ả, bởi vì các hãng phim từ lâu nay muốn rút ngắn khung thời gian ba tháng này để nhằm làm giảm chi phí quảng cáo. Thế nhưng các chủ rạp chiếu vẫn cố kéo dài việc đàm phán liên quan đến mô hình chiếu phim, để tiếp tục chiếu độc quyền phim lâu hơn trên màn ảnh rộng, cho đến khi nhu cầu của thị trường buộc họ phải nhượng bộ.

Năm 2020 đã làm thay đổi nền công nghiệp điện ảnh Hollywood và những bộ phim như thế nào -0
"Wonder Woman 1984” được chiếu nhiều trên các kênh trực tuyến. 

Sau đó, đại dịch Covid-19 đã xuất hiện và làm thay đổi mọi thứ, gây chấn động thế giới. Rạp chiếu phim buộc phải đóng cửa và các chủ rạp chiếu phim đã không thể có doanh thu trong nhiều tháng sau đó. Các hãng phim đã phải hủy bỏ lịch phát hành của họ, hoãn một số phim sang năm sau hoặc gửi phim đến các dịch vụ phát hành trực tuyến hoặc sử dụng các nền tảng kỹ thuật số. Những phát triển mà trong một năm trước không thể tưởng tượng bắt đầu được diễn ra với tốc độ đáng kinh ngạc. Khi các rạp chiếu phim có thể mở cửa trở lại, nhà điều hành rạp nhanh chóng biết rằng khả năng đàm phán, thương lượng của họ đã bị giảm đi đáng kể. Nếu muốn giới thiệu phim “The Croods: A New Age” (Kỷ nguyên mới) hoặc phim "Wonder Woman 1984” (Nữ chiến binh 1984), các chủ rạp phải chấp nhận việc những bộ phim này sẽ được chiếu trên các kênh trực tuyến sớm hơn thời kỳ trước. Từ đó việc kinh doanh rạp chiếu phim đã cơ bản được thay đổi. 

Lisa Bunnell, Giám đốc phân phối của công ty phát hành phim Focus Features cho biết: “Dù muốn hay không, đại dịch bắt buộc chúng tôi phải thử những thứ khó làm hơn trong thời gian bình thường.”

Đối với các rạp chiếu phim truyền thống, sự thay đổi này đã dẫn đến những cạnh tranh đầy khốc liệt và hỗn loạn. Nhưng điều này cũng dẫn tới nhiều hợp tác mới được xây dựng từ những đối thủ cũ. Chỉ trong vài tháng, Universal từ vị trí đối thủ của các rạp chiếu phim đã trở thành vị cứu tinh của ngành kinh doanh rạp. Không chịu thua kém, hãng Warner Bros đã tự định vị mình là một đối thủ có tầm ảnh hưởng quan trọng khi hãng phim thông báo toàn bộ sản phẩm điện ảnh mới dự kiến vào năm 2021 sẽ ra mắt đồng thời trên HBO Max và tại các cụm rạp. Đó là sau khi các rạp chiếu phim cùng đồng thời ca ngợi hãng là “hiệp sĩ áo trắng” của họ khi đã quyết định rút ngắn thời gian công chiếu của bộ phim “Tenet” (Học thuyết) của quái kiệt Christopher Nolan trên màn ảnh rộng trong mùa hè. 

Các chuyên gia trong ngành công nghiệp điện ảnh đồng ý rằng, ít nhất ở một mức độ nào đó, những thay đổi đối với ngành kinh doanh điện ảnh sẽ tồn tại lâu hơn đại dịch. Jeff Bock, một nhà phân tích doanh thu phòng vé của Ex Exhibitionor Relations dự đoán: “Rất nhiều sự thay đổi sẽ còn diễn ra. Khi nhìn lại năm 2020, chúng ta sẽ thấy đây không phải là một cuộc khởi động lại. Đây là sự xây dựng lại mô hình rạp chiếu”. Động thái của thị trường phân phối phim sẽ là cơ sở xác định thời gian chiếu phim ngoài rạp. Thay vì áp dụng chung một khung thời gian cho tất cả, thời gian chiếu ngoài rạp sẽ được điều chỉnh tùy cho từng phim dựa trên tính chất của mỗi phim. 

Universal đã thỏa thuận với các kênh và rạp chiếu phim AMC, Cinemark và Cineplex để cho phép các kênh này phát sóng những bộ phim mới theo yêu cầu trong vòng vài tuần kể từ khi ra rạp. Universal dự kiến sẽ thực hiện thỏa thuận tương tự với Regal Cinemas, chuỗi rạp chiếu phim lớn thứ hai của Mỹ. Đổi lại, các dịch vụ trực tuyến sẽ phải giảm một chút lợi nhuận về kỹ thuạt số. Universal lập luận rằng thỏa thuận của họ khả thi hơn về mặt tài chính đối với các rạp chiếu phim về lâu dài vì yêu cầu giao dịch trên từng phim riêng lẻ, ngược lại với dịch vụ đăng ký cung cấp hàng nghìn phim với mức giá theo tháng.   

Peter Levinsohn, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc phân phối của Universal, người chịu trách nhiệm trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận với AMC, Cinemark và Cineplex cho biết:”Chúng tôi cảm thấy mô hình kinh doanh của mình là mô hình kinh doanh bền vững nhất. Đó là thứ mang lại lợi ích cho cả hai bên. Điều này đã tạo nên một hệ sinh thái mạnh mẽ hơn.”

Vấn đề là các hãng phim đang từng ngày phải đối mặt với nợ nần đến thời hạn phải trả do ảnh hưởng từ Covid-19. AMC đang đứng trên bờ vực phá sản. Hãng phim đã bán cổ phiếu và đàm phán lại với các chủ nợ. Mặc dù vậy, thời hạn cần phải trả nợ vẫn là việc không thể né tránh được. Cinemark và Cineworld, công ty sở hữu Regal cũng có tỷ lệ vốn vay cao. Vì đó là những đại gia của hệ thống chiếu phim, nơi có mối quan hệ chặt chẽ với hệ thống ngân hàng. 

Nhiều rạp chiếu phim độc lập không có quyền tiếp cận với các nguồn vốn vay lớn sẽ không thể tìm thấy một “sợi dây cứu sinh” nào đưa họ vượt qua thời kỳ tồi tệ nhất của đại dịch. Đồng thời, các công ty truyền thông lớn đã nói rõ ràng họ coi việc thách thức Netfilx là mệnh lệnh lớn nhất của họ. Disney đã dành gần trọn một ngày cho nhà đầu tư để quảng bá kế hoạch cung cấp Disney Plus, Hulu và các dịch vụ đăng ký khác của mình. Đồng thời tổ chức lại hệ thống phân cấp điều hành để tập trung tốt hơn vào việc phát triển trực tuyến. Trong khi đó, WarnerMedia và Comcast đang đổ hàng trăm triệu USD vào việc bổ sung chương trình cho HBD Max và Peacock. Viacom cũng đang sẵn sàng cho Paramount Plus, dịch vụ phát hành trực tuyến được đổi tên từ thương hiệu CBS All Access. Các cuộc chiến phát trực tuyến hứa hẹn sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian sắp tới. 

Đối với các nhà làm phim, họ đang chuyển hướng sang những nền tảng mới tương đối dễ dàng. Netflix đã giới thiệu những bộ phim mới của một số tên tuổi nổi tiếng như David Fincher với phim “Mank”, Spike Lee với “Da Five Bloods” (tạm dịch Năm chiến hữu), George Clooney phim “The Midnight Sky” (Lấp lánh trời đêm) và  Aaron Sorkin phim “The Trial of the Chicago 7” (Phiên tòa Chicago số 7) trong năm 2020 với cơ hội tốt để chuyển đổi ít nhất một trong những dự án nổi tiếng này thành tác phẩm đoạt giải Oscar. Bên cạnh đó Apple, Amazon và Hulu, ba đơn vị triển khai dịch vụ phát trực tuyến nổi bật đã có đòn phản công mạnh mẽ bằng những bộ phim mới của nhiều nghệ sĩ hạng A nổi tiếng như Sofia Coppola trong phim “On the Rocks” (Thử thách gia đình), diễn viên Sacha Baron Cohen trong phim Borat Subsequent Moviefilm (Tay phóng viên kỳ quái) và Lee Daniels trong bộ phim sắp được công chiếu vào tháng 2 “The United States vs. Billie Holiday” (Nước Mỹ chống lại Billie Holiday). 

Bất chấp sự tiện lợi và thoải mái của việc xem tại nhà, các hãng phim ở Hollywood không cam chịu sự sụp đổ của ngành kinh doanh điện ảnh. Bất kỳ nhà sản xuất phim nào cũng đều cho rằng mọi người còn mong muốn được quay về với cuộc sống bình thường hơn nữa. Tom Rothman, Chủ tịch của Sony Pictures cho biết: “Có một mong muốn khủng khiếp bị dồn nén là ra khỏi nhà, rời khỏi màn hình của chúng tôi và trải nghiệm cuộc sống với những người khác”.

Tất nhiên, sự trở lại của cuộc sống bình thường cùng việc xem phim thường xuyên cũng sẽ phụ thuộc vào vắc-xin Covid-19 được phân phối rộng rãi đến đâu. 

Tuy nhiên các rạp chiếu phim sẽ cần phải hoàn thiện để thu hút khán giả quay trở lại. Khán giả đã dành cả năm qua để xem phim từ ghế sofa nhà họ với mức giá tương đương với một bộ phim chiếu rạp. Một gói đăng ký HBO Max có giá 15 USD mỗi tháng. Vé xem phim ở thành phố New York và Los Angeles được bán với giá 20 USD một lượt. Đây chính là một trong những điều gây khó khăn cho hệ thống rạp chiếu phim trong thời gian tới.