Mỹ Xuyên Đông và những đạo sắc phong

Trải qua hơn năm thế kỷ hình thành và phát triển, ngôi làng Mỹ Xuyên Đông (thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) luôn là niềm tự hào của nhân dân địa phương. Cùng với đó, 30 đạo sắc phong do các vị vua nhà Nguyễn ban cho đang được lưu giữ càng khiến ngôi làng trở nên đặc biệt.
0:00 / 0:00
0:00
Đình làng Mỹ Xuyên Đông.
Đình làng Mỹ Xuyên Đông.

Báu vật của làng

Theo các thư tịch cổ, Tiền hiền Lê Quý Công lập làng Mạc Xuyên vào thời nhà Hồ, lúc đầu thuộc huyện Điện Bàn, phủ Triệu Phong, thừa tuyên Thuận Hóa. Đến năm 1572 đổi tên thành Mỹ Xuyên, sau đó tách thành hai làng Mỹ Xuyên Đông và Mỹ Xuyên Tây trước năm 1642. Địa bạ triều Nguyễn ghi diện tích tự nhiên của Mỹ Xuyên Đông là 601 mẫu ta, Mỹ Xuyên Tây là 388 mẫu ta, hầu hết là công điền, công thổ. Đình Mỹ Xuyên Đông thờ Thần Nông ở hương án chính giữa. Sau khi tách thành hai làng thì đình Mỹ Xuyên Đông thờ thêm Tiền hiền, Hậu hiền ở hai bên tả hữu; còn Nhà thờ Tiền hiền Mỹ Xuyên Tây được kiêm thêm chức năng là công sở làm việc của Ban Làng (làm việc ở nhà Hội Hương).

30 sắc phong ở đình Mỹ Xuyên Đông đều là ban phong hoặc gia tặng mỹ tự cho sáu vị Thiên thần và hai vị Nhiên thần. Thiên thần là “Thần Trời” bao gồm: Tả Đông Chinh Thành Hoàng, Đông Chinh Dực vệ Thành Hoàng (Sắc Tả Đông Chinh và Sắc Đông Chinh Dực vệ là hai sắc cùng ban phong năm Minh Mạng ngũ niên 1824, cho nên đó là hai vị thần khác nhau) và Bổn xứ Thành hoàng (Sắc năm Minh Mạng ngũ niên 1824 ghi là Bổn xứ Thành Hoàng, Sắc năm Tự Đức tam niên 1850 ghi là Mỹ Xuyên Thành Hoàng, Sắc năm Duy Tân tam niên 1909 ghi là Bổn Thổ Thành Hoàng, Sắc năm Khải Định cửu niên 1924 ghi là Bổn cảnh Thành Hoàng. Đó là các cách gọi của cùng một vị thần là Bổn xứ Thành Hoàng), Hữu Dực Thánh Thành Hoàng, Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương, Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi. Nhiên thần có “thần hóa” các núi cao, sông lớn, linh vật... như Bạch Mã và Ngũ Hành Tiên Nương gồm năm yếu tố cơ bản trong thiên nhiên là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ được “nữ hóa” thành Tiên Nương.

Như vậy, trong 30 sắc phong ở Đình Mỹ Xuyên Đông thì không có sắc nào ban phong cho nhân thần Lê Quý Công (là tiền hiền của làng Mỹ Xuyên). Theo đó, sắc phong đầu tiên làng Mỹ Xuyên Đông được vua ban, dịch nghĩa như sau: “Sắc cho Tả Đông Chinh tôn thần giúp nước phò dân, công đức rõ rệt, đã từng được xã dân thờ phụng. Kính vâng theo Thế tổ Cao Hoàng đế ta thống nhất giang sơn, phúc lành ban khắp thần người. Luyến nay: cơ đồ rạng rỡ, [trẫm] mến nghĩ đến sự phù trợ của thần, nên xiển dương danh hiệu cao quý, bèn gia tặng [mỹ tự]: Trợ Uy chi thần. Vẫn chuẩn cho giáp Đông xã Mỹ Xuyên huyện Duy Xuyên theo xưa thờ cúng. Thần hãy cùng hỗ trợ, bảo vệ dân ta! Khâm tai! Ngày 11 tháng 02 năm Minh Mạng thứ 5 (1824)”.

Những đạo sắc phong được xem như vật báu nhiều đời qua của làng Mỹ Xuyên Đông, bằng mọi cách phải cất giữ an toàn nhất. Do đó, công tác bảo quản, gìn giữ được phân công cho những vị thủ sắc là các bậc cao niên có uy tín, tính cách cẩn thận trong làng.

Niềm tự hào về hai di tích lịch sử cấp tỉnh

Với lòng trân trọng cùng sự quyết tâm gìn giữ cẩn thận 30 tấm sắc phong cho đến hiện tại, đình Mỹ Xuyên Đông được xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp tỉnh vào năm 2011. Trước đó, vào năm 2006, Lăng Tiền hiền được công nhận là Di tích Lịch sử cấp tỉnh. Với tổng số 22 phái tộc họ cùng sinh sống ở năm thôn, hằng năm vào ngày 12/2 âm lịch (Tế xuân) và 1/11 âm lịch (ngày giỗ Tiền hiền), tất cả những lớp thế hệ cao niên, con cháu dù sinh sống, làm việc, học tập ở nhiều nơi đều quy tụ về làng.

Trưởng làng Mỹ Xuyên Đông hiện nay là ông Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1953) cho rằng, đó chính là dịp để mỗi thành viên trong làng bày tỏ lòng thành kính, nhớ về cội nguồn của mình; đồng thời, lớp con cháu đi sau nhìn vào từng bài dạy của ông cha trong làng để sau này tiếp tục duy trì nếp văn hóa, lịch sử của quê hương. 11 thành viên trong Ban trị sự làng là những người am hiểu lịch sử, văn hóa địa phương. Từ việc cúng bái, tổ chức lễ nghi đến công tác hậu cần được bố trí theo đúng khả năng mỗi người.

Được tín nhiệm bầu làm Trưởng làng chính thức từ đầu năm nay, ông Hùng cho rằng đó là trách nhiệm cao cả mà làng đã trao cho ông. Do đó, việc tìm hiểu, tập trung các tư liệu, sách vở của làng từ trước đến nay và tự học chữ Nôm để tìm hiểu câu đối và sắc phong ở đình là công việc chính được ông Hùng thực hiện mỗi ngày.

Không gian miền quê với cụm hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình liên kết nhau giúp cho làng Mỹ Xuyên Đông thêm phần tự hào về những di tích đặc biệt này. Cây đa làng hiện tại vừa bước qua tuổi 50. Trùng hợp thay, vị trí cây đa bén rễ chính trên phần gốc của cây đa cha ngày trước. Nếu không bị cháy thì đến nay, cây đa cha đã hơn 200 năm tuổi. Dù chỉ mới phát triển trong nửa thế kỷ qua, nhưng tán cây đa con đã phủ sum suê kín ngã ba đường làng. Lá đa xanh thẫm, tán rộng như ước vọng về tương lai ngôi làng Mỹ Xuyên Đông luôn trù phú, tình nghĩa cộng đồng thêm gắn kết, bền lâu.