Mỹ ủng hộ từ bỏ bản quyền vaccine Covid-19: Thế giới gần hơn bước đạt đồng thuận

NDO -

Sau động thái “bom tấn” của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ việc từ bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19 với hy vọng sẽ giúp các nước nghèo có thêm vaccine và đẩy nhanh quá trình chấm dứt đại dịch, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đang cần những bước đi tiếp theo để có được sự đồng thuận của tất cả các thành viên. 

Lọ vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca do Viện Huyết thanh của Ấn Độ sản xuất và được cung cấp thông qua sáng kiến ​​COVAX toàn cầu. Ảnh: AP.
Lọ vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca do Viện Huyết thanh của Ấn Độ sản xuất và được cung cấp thông qua sáng kiến ​​COVAX toàn cầu. Ảnh: AP.

Mỹ: Chúng tôi ủng hộ việc miễn trừ bản quyền vaccine để chấm dứt đại dịch

Ngày 5-5, trong cuộc họp của Tổ chức Thương mại Thế giới thảo luận về việc tạm thời từ bỏ các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để cho phép nhiều nhà sản xuất tham gia sản xuất vaccine ngừa Covid-19 cứu người trong đại dịch, Đại diện Thương mại Mỹ, bà Katherine Tai đã lên tiếng ủng hộ.

“Chính quyền Mỹ rất tin tưởng vào các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng để chấm dứt đại dịch này, chúng tôi ủng hộ việc miễn trừ bản quyền đối với vaccine Covid-19”, bà Tai cho biết trong một tuyên bố.

Bà cho rằng, sẽ mất thời gian để đạt được “sự đồng thuận” toàn cầu về việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine Covid-19 theo các quy định của WTO và điều này sẽ không ảnh hưởng ngay lập tức đến nguồn cung cấp thuốc Covid-19 trên toàn cầu.

Đại hội đồng của WTO đã đưa ra vấn đề từ bỏ tạm thời đối với các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ đối với vaccine cùng thuốc điều trị và xét nghiệm Covid-19 sau khi hai nước Nam Phi và Ấn Độ đề xuất vào tháng 10 năm ngoái.

Hơn 100 quốc gia đã ủng hộ đề xuất này và một nhóm 110 thành viên Quốc hội Mỹ là những người thuộc Đảng Dân chủ đã gửi thư tới Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi ông ủng hộ việc từ bỏ bản quyền vaccine.

Và động thái ủng hộ việc từ bỏ bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với vaccine theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới đã đánh dấu một sự thay đổi mạnh mẽ của Mỹ, quốc gia trước đây đã cùng với nhiều quốc gia phát triển khác phản đối ý tưởng của Ấn Độ và Nam Phi.

Mỹ ủng hộ từ bỏ bản quyền vaccine Covid-19: Thế giới gần hơn bước đạt đồng thuận -0
 Đại diện Thương mại Mỹ, bà Katherine Tai. Ảnh: AP.

Pháp ủng hộ Mỹ, nhưng đề xuất nên tặng vaccine cho nước nghèo

Tuy nhiên, để đi đến một quyết định mang tính bước ngoặt cho toàn thế giới, WTO cần phải có được sự đồng thuận của tất cả 164 quốc gia thành viên, nghĩa là bất kỳ quốc gia nào cũng có thể phá vỡ quyết định của số đông còn lại.

Sau Mỹ, sự chú ý của thế giới chuyển sang các quốc gia giàu có ở Liên hiệp châu Âu. Và không phụ lòng mong đợi, ngày 6-5, Pháp đã đứng về phía Mỹ ủng hộ việc tạm thời nới lỏng bằng sáng chế và các biện pháp bảo vệ khác đối với vaccine Covid-19.

“Tôi hoàn toàn ủng hộ việc mở quyền sở hữu trí tuệ này”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết trong chuyến thăm một trung tâm vaccine ngày 6-5.

Nhưng cũng như các công ty dược phẩm, ông bày tỏ sự nghi ngờ về biện pháp này và cho rằng đây có phải là liều thuốc chữa bách bệnh như một số người hy vọng. Theo ông, ngay cả khi các bằng sáng chế được miễn, thì các nhà sản xuất thuốc ở những nơi như châu Phi hiện không được trang bị để sản xuất vaccine Covid-19, vì vậy ông cho rằng, nên thay thế biện pháp này bằng việc tặng vaccine.

Chủ tịch Ủy ban EU, bà Ursula von der Leyen, cho biết, khối 27 quốc gia EU đã sẵn sàng thảo luận về đề xuất của Mỹ.

Bà cho biết: “Chúng tôi đã sẵn sàng thảo luận về cách đề xuất từ ​​bỏ bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19 của Mỹ để có thể giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, trước mắt, chúng tôi kêu gọi tất cả các nước sản xuất vaccine cho phép xuất khẩu và tránh các biện pháp làm gián đoạn chuỗi cung ứng”.

Mỹ ủng hộ từ bỏ bản quyền vaccine Covid-19: Thế giới gần hơn bước đạt đồng thuận -0
Các lọ dán nhãn vaccine của Moderna, Johnson & Johnson, Pfizer-BioNTech. Ảnh: Reuters.

Lịch sử miễn trừ bản quyền có lặp lại?

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, khẳng định, không có thời điểm nào tốt hơn để áp dụng quy định miễn trừ bản quyền vaccine theo quy định WTO là vào lúc này, khi đại dịch kéo dài đã cướp đi 3,2 triệu sinh mạng, lây nhiễm cho hơn 437 triệu người và các nền kinh tế bị tàn phá.

Sau thông báo của chính quyền Mỹ, ông Tedros tuyên bố: “Đây là một khoảnh khắc hoành tráng trong cuộc chiến chống lại Covid-19". Theo ông, cam kết của Mỹ “ủng hộ việc từ bỏ các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine là một thí dụ mạnh mẽ về sự lãnh đạo của nước này trong việc giải quyết các thách thức sức khỏe toàn cầu”.

Bà Eve Geddie, Giám đốc Văn phòng EU của Tổ chức Ân xá quốc tế, kêu gọi châu Âu ngay từ bây giờ hãy “đặt sức khỏe và quyền con người lên trước lợi nhuận tư nhân” và ủng hộ ý tưởng từ bỏ bản quyền.

“Việc từ bỏ bằng sáng chế cho vaccine và thuốc Covid-19 có thể thay đổi số phận của châu Phi, mở cửa thêm cho hàng triệu liều vaccine và cứu sống vô số người. Chúng tôi đánh giá cao vai trò dẫn đầu của Nam Phi, Ấn Độ và Mỹ, đồng thời kêu gọi những nước khác ủng hộ họ”, Giám đốc WHO châu Phi Matshidiso Moeti đã viết trên Twitter.

Chỉ có hơn 20 triệu liều vaccine đã được sử dụng trên khắp lục địa châu Phi nơi có khoảng 1,3 tỷ người.

Liên minh vaccine Gavi đang dẫn đầu nỗ lực do Liên hợp quốc hỗ trợ để phân phối vaccine đến các quốc gia cần nó, cũng hoan nghênh quyết định của Mỹ, cũng như cam kết của nước này nhằm thúc đẩy sản xuất nguyên liệu thô dùng cho vaccine.

Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) cho biết, nhiều quốc gia thu nhập thấp nơi tổ chức này hoạt động chỉ nhận được 0,3% nguồn cung cấp vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu.

Bà Avril Benoît, Giám đốc điều hành của Tổ chức Bác sĩ không biên giới của Mỹ nói:“MSF hoan nghênh quyết định táo bạo của chính phủ Mỹ trong việc hỗ trợ từ bỏ sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19 trong thời điểm toàn cầu đang có nhu cầu chưa từng có về vaccine như thế này".

Lịch sử thế giới đã từng có tiền lệ. Năm 2003, các thành viên WTO đã đồng ý từ bỏ quyền sáng chế và cho phép các nước nghèo hơn nhập khẩu các phương pháp điều trị chung cho HIV/AIDS, sốt rét và bệnh lao.

Nhiều người hy vọng lịch sử sẽ lặp lại lần nữa để chống lại Covid-19. Giám đốc CDC châu Phi, John Nkengasong, nói với các phóng viên: “Chúng tôi tin rằng, khi lịch sử của đại dịch này được viết ra, sử sách sẽ ghi nhớ động thái của chính phủ Mỹ là đã làm điều đúng đắn vào đúng thời điểm”.