Triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc 2004 do Bộ Văn hóa - Thông tin, phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam, Bộ Công nghiệp, Bộ Thương mại, Liên minh các HTX Việt Nam tổ chức, vừa khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội.
Trong nhiều năm qua, cụm từ mỹ thuật ứng dụng không còn xa lạ với đời sống xã hội nữa. Chúng ta đều biết rằng mọi dân tộc trên đất Việt Nam đều có những làng nghề, phố nghề nổi tiếng: "Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng, vải tơ Nam Ðịnh, lụa hàng Hà Ðông..." hàng ngàn năm qua, mạch nguồn văn hóa dân gian không ngừng chảy trong huyết quản những thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân tài hoa, khiến họ tạo ra được rất nhiều sản phẩm vừa đẹp đẽ, vừa tiện dụng trong đời sống xã hội.
Thế nhưng, suốt từ năm 1987 đến giờ, gần 20 năm, triển lãm mỹ thuật ứng dụng mới được tổ chức với quy mô toàn quốc, lâu hơn cả triển lãm điêu khắc toàn quốc mười năm một lần. Mặc dù không bị đánh giá thấp, về nguyên tắc. Mặc dù đang phát triển rất mạnh mẽ suốt thời gian qua, nhưng vai trò của mỹ thuật ứng dụng hiện tại dường như vẫn bị coi nhẹ...
Mong ước của các nhà tổ chức triển lãm lần này là có thể coi triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc 2004 như một cột mốc đánh dấu một chặng đường mới của nền mỹ thuật ứng dụng nước nhà, để rồi từ nay có thể tổ chức triển lãm toàn quốc 5 năm một lần, như những ngành nghệ thuật khác: hội họa, đồ họa, điêu khắc... (xin nhấn mạnh chữ như những này).
Ðiều làm chúng ta ngạc nhiên là sự hưởng ứng của các nghệ sĩ chuyên nghiệp tại triển lãm chưa nhiều lắm, chất lượng triển lãm cũng chưa thật đồng đều, thiếu vắng nhiều tên tuổi những năm trước đã làm ra những sản phẩm chất lượng cao.
Dù sao, trong thời gian không dài (lễ phát động triển lãm diễn ra mới từ tháng 4 năm nay), đã có 205 tác giả ở các tỉnh thành trong cả nước gửi hơn 560 tác phẩm về tham dự, đây cũng là một con số đáng mừng.
Những ngành nghề truyền thống như gốm, mây tre đan, sơn mài, thêu ren đều chứng tỏ sức sống bền bỉ mãnh liệt của mình qua rất nhiều sản phẩm đẹp, giàu tính sáng tạo, thể hiện óc thẩm mỹ cũng như bàn tay tinh khéo của nghệ nhân.
Triển lãm mỹ thuật ứng dụng là một cuộc triển lãm có lẽ mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc nhất. Triển lãm trưng bày hàng trăm mẫu mã sáng tạo mới, kiểu dáng mới trong một lĩnh vực mỹ thuật rộng lớn, có mặt trong mọi chi tiết của đời sống, từ trang phục, nội ngoại thất, tem nhãn, bao bì, các sản phẩm gốm sứ...
Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những người thợ, nghệ nhân, nghệ sĩ mỹ thuật ứng dụng đang lao động sáng tạo không ngừng, góp phần mang lại tiềm năng kinh tế làm giàu cho đất nước.
Nhiều sản phẩm có chất lượng cao mang thương hiệu Việt Nam đạt giải thưởng quốc tế, được đánh giá cao tại các cuộc thi, hội chợ, triển lãm... có sự đóng góp của mỹ thuật ứng dụng, điều đó thể hiện rất rõ trong triển lãm này.
Nhằm đánh giá một cách khái quát, thấy được xu thế phát triển của mỹ thuật ứng dụng Việt Nam đương đại, triển lãm là một dịp tốt để mỹ thuật ứng dụng chứng tỏ tiềm năng dồi dào của mình.
Hội đồng nghệ thuật đánh giá tác phẩm dựa trên các tiêu chí: mang tính thẩm mỹ cao, tính ứng dụng rõ rệt; thể hiện sự tìm tòi cái mới và nhất thiết phải mang mầu sắc dân tộc.
Quan niệm về cái đẹp trong mỹ thuật ứng dụng cũng thay đổi, công năng của sản phẩm được coi trọng, bởi lẽ đẹp không phải là thứ để bày trong tủ kính, mà là thứ thiết thực trong đời sống.
Các tác phẩm được giải nhìn chung thể hiện được các tiêu chí đó: hai Huy chương vàng (kèm 15 triệu đồng) được trao cho tác giả Trần Minh Cao (An Giang) với tác phẩm "Bích chương quảng cáo sản phẩm đóng hộp" và Quách Văn Hiếu (Hà Nội) với tác phẩm "Hộp tú cầu hoa đậu bạc". Bốn huy chương bạc, kèm 10 triệu, của các tác giả Lê Quý Hải (Hà Nội): Biểu trưng Tổng công ty Bưu chính viễn thông; Nguyễn Mai Hương (Hà Nội): bộ bìa sách văn học trong nước; Nguyễn Thị Thu (Hà Tây): hộp tre bộ ba; Nguyễn Ngọc Trọng (Hà Nội): bộ ấm cà-phê chạm bạc.
Ngoài ra còn có 5 huy chương đồng và 22 giải khuyến khích.
Triển lãm giúp chúng ta hy vọng sẽ có sự phối hợp tốt hơn nữa giữa mỹ thuật ứng dụng và mọi ngành nghề khác trong xã hội.
"Ai có thể làm ngơ mãi trước những công trình quá tốn kém mà thiếu hồn, những công trình bắt chước kém thông minh! Ai có thể làm sử dụng những sản phẩm trang trí mỹ nghệ không ăn nhịp với cuộc sống, trông xa lạ và lai tạp...", cố họa sĩ Lê Quốc Lộc từng đặt câu hỏi như vậy khi nói về mỹ thuật với cuộc sống.
Nhắc lại câu hỏi đó là để mong muốn cuộc triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần sau sẽ đông đảo hơn và chất lượng hơn, tập hợp đầy đủ hơn lực lượng sáng tạo trong cả nước.