Nhà trắng cho biết đang thực hiện "các mục tiêu đầy tham vọng nhưng có thể đạt được" về viện trợ quốc tế cho các nước đang phát triển, do tính cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu và để bù đắp cho sự sụt giảm mạnh nguồn tài trợ của Mỹ dưới thời chính quyền Trump.
Theo đó, đến năm 2024, sẽ tăng gấp ba lần tài chính cho thích ứng với khí hậu, trong đó tập trung vào các điều chỉnh đối với biến đổi khí hậu hiện tại hoặc dự kiến. Chính quyền Biden cho biết sẽ làm việc với Quốc hội để ban hành luật cần thiết.
Tổng thống Joe Biden đã công bố kế hoạch tài chính khí hậu song song với mục tiêu mới cắt giảm 50-52% lượng khí thải vào năm 2030 so với mức năm 2005.
Ông Leonardo Martinez-Diaz, trợ lý hàng đầu của đặc phái viên khí hậu John Kerry cho biết, tổng tài chính quốc tế về khí hậu của Mỹ đạt trung bình khoảng 2,8 tỷ USD/năm trong giai đoạn cơ bản từ tài khóa 2013-2017, với khoảng 500 triệu USD dành cho việc thích ứng. Đó là giai đoạn gần đây nhất khi tài chính khí hậu của Mỹ ở mức cao nhất mọi thời đại
Ngày 22-4, một số tổ chức phi chính phủ cho rằng, Mỹ, quốc gia phát thải hàng đầu thế giới sau Trung Quốc, sẽ phải đóng góp 800 tỷ USD tài chính khí hậu quốc tế cho đến năm 2030 cho "sự chia sẻ công bằng".
Trong một tài liệu về kế hoạch tài chính khí hậu, Nhà trắng cho biết các cơ quan của Mỹ làm việc với các đối tác phát triển, sẽ ưu tiên khí hậu trong các khoản đầu tư, mở rộng hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường tài trợ cho thích ứng và khả năng phục hồi.
Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) sẽ công bố Chiến lược Biến đổi khí hậu mới vào tháng 11 tới, tại Hội nghị lần thứ 26 của các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26).
USAID cho biết họ sẽ tận dụng 250 triệu USD tài trợ từ chính quyền liên bang để thu hút 3,5 tỷ USD tài trợ từ khu vực tư nhân cho các công việc liên quan đến khí hậu trong ba năm tới và nhằm mở rộng quy mô mạnh mẽ các chương trình tài chính khí hậu ở 20 nền kinh tế đang phát triển nhanh.
Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Hoa Kỳ (DFC) sẽ lần đầu tiên thay đổi chiến lược phát triển của mình để bao gồm khí hậu và ưu tiên giảm nhẹ và thích ứng với khí hậu.
Chiến lược khí hậu mới của Cơ quan Thử thách thiên niên kỷ (MCC) của Mỹ sẽ tập trung vào phát triển thông minh với khí hậu và cơ sở hạ tầng bền vững, nhằm mục đích dành hơn 50% kinh phí của mình vào các khoản đầu tư liên quan đến khí hậu trong vòng 5 năm tới.
Bộ Tài chính Mỹ sẽ chỉ đạo các giám đốc điều hành của Mỹ trong các ngân hàng phát triển đa phương như Ngân hàng Thế giới bảo đảm đặt ra và áp dụng các mục tiêu và chính sách tài chính khí hậu đầy tham vọng.
Kế hoạch này cũng kêu gọi chấm dứt các khoản đầu tư quốc tế vào các dự án năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch sử dụng nhiều carbon và hướng vốn cho các khoản đầu tư phù hợp với khí hậu, một mục tiêu được các nhóm môi trường tìm kiếm từ lâu.
Kho bạc Mỹ, cùng với Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế, sẽ thúc đẩy nỗ lực sửa đổi các hướng dẫn về tài trợ xuất khẩu chính thức để định hướng lại nguồn tài chính khỏi các hoạt động sử dụng nhiều carbon.