Mỹ Latinh và Caribe trở thành khu vực không vũ khí hạt nhân

NDO - Văn phòng Liên hợp quốc quản lý Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) mới đây thông báo tất cả các nước Mỹ Latinh và Caribe đã phê chuẩn hiệp ước này.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh 1 vụ phóng thử tên lửa hành trình tại Đảo San Nicolas, California, Mỹ. (Ảnh minh họa: Bộ Quốc phòng Mỹ/REUTERS)
Quang cảnh 1 vụ phóng thử tên lửa hành trình tại Đảo San Nicolas, California, Mỹ. (Ảnh minh họa: Bộ Quốc phòng Mỹ/REUTERS)

Thư ký điều hành của Tổ chức Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) Robert Floyd cho biết, với việc Dominica phê chuẩn thỏa thuận nói trên ngày 30/6, Mỹ Latinh và Caribe đã trở thành khu vực không vũ khí hạt nhân, “thể hiện vai trò đi đầu gương mẫu của khu vực trong việc không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân”.

Tuy nhiên, để thỏa thuận ràng buộc có hiệu lực, CTBT phải được 8 quốc gia (là những nước còn lại trong Phụ lục 2 của văn kiện này), bao gồm Trung Quốc, Israel, Mỹ, Ai Cập, Iran, Triều Tiên, Ấn Độ và Pakistan phê chuẩn.

Trước đó, với việc ký kết Hiệp ước Tlatelolco tại Mexico vào ngày 14/2/1967, Mỹ Latinh và Caribe đã đặt tiền đề để trở thành khu vực đầu tiên trên thế giới không có sự hiện diện chính thức của vũ khí hạt nhân.

Thỏa thuận này nghiêm cấm việc thử nghiệm, chế tạo, sản xuất, lưu trữ hoặc mua lại vũ khí hạt nhân trong toàn khu vực và bảo đảm việc sử dụng năng lượng nguyên tử chỉ dành riêng cho các mục đích hòa bình, chẳng hạn như nhiều ứng dụng trong lĩnh vực y tế thông qua sản xuất vaccine, sử dụng đồng vị phóng xạ và phân tích hạt phóng xạ.

Trong khi đó, CTBT tích hợp một loạt các hiệp định ủng hộ việc loại bỏ vũ khí hạt nhân cùng Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân và Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân.

CTBT được ký kết lần đầu tiên vào ngày 10/9/1996 với sự tham gia của 71 quốc gia. Tháng 1/2007, sau khi Moldova chính thức tham gia, châu Âu đã hoàn thành việc phê chuẩn hiệp ước.

Tính đến thời điểm hiện tại, 173 quốc gia, trong đó có 33 nước Mỹ Latinh và Caribe, đã phê chuẩn CTBT.