Hằng năm, vào tháng 7, lũ từ thượng nguồn sông Mêkông lại tràn về An Giang, mang theo phù sa cùng nhiều nguồn lợi thủy sản giúp hàng nghìn người lao động có thêm thu nhập. Trong niềm vui ấy, nhiều người vẫn đang canh cánh nỗi lo con nước thấp…
Vào mùa đánh bắt
Những ngày này, sáng nào bà Nguyễn Thị Mai, ở xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, cũng bày bán cá sơn, cá sát, cá lăng, cá lòng tong, cá linh non... Bà Mai nói, cá sơn chiên ăn rất ngon, năm nay xuất hiện nhiều và luôn được bán hết sớm. Bà Mai cho biết thêm, nước về là có cá, dọc theo các kênh, mương ở xã Mỹ Hòa có nhiều bãi lau sậy, giề lục bình, cho nên cá chui vào đó ẩn náu tránh sóng gió, chịu khó đi từ khoảng 2 giờ sáng là xúc được nhiều cá. Cá tự nhiên có giá cao, chịu cực một chút là có tiền xài. Hiện, cá lăng có giá từ 60 nghìn đến 90 nghìn đồng/kg, cá sát từ 60 nghìn đồng/kg trở lên...
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, vụ thu đông này cho xả lũ đón phù sa thuộc 28 tiểu vùng với diện tích 30.469 ha. Khi các cánh đồng nghỉ ngơi lại là lúc ốc bươu vàng sinh sôi. Đây cũng là nguồn thu nhập cho nhiều người bắt ốc bán, đồng thời hạn chế được loài ốc này sinh sản phá hoại mùa màng.
Anh Nguyễn Văn Sử, nông dân ở xã Vĩnh An, huyện Châu Thành, cho biết, ban ngày trời nóng nên lũ ốc trốn hết, khoảng 17 giờ chiều, trời mát chúng lại nổi lên mặt nước kiếm ăn, đẻ trứng cho đến sáng. Một đêm đi kéo có thể bắt hàng trăm cân ốc đem bán cho thương lái với giá 2 nghìn đồng/kg, có thêm thu nhập. Tại xã Vĩnh An hiện có ba thương lái thu mua ốc bươu vàng.
Buổi sáng, cảnh mua bán ốc luôn tấp nập. Anh Trần Văn Na, chủ một vựa ốc cho biết, mỗi ngày các vựa ốc tại Vĩnh An gom được hơn 20 tấn ốc chở ra miền trung bán lại cho các vùng nuôi hải sản làm thức ăn chăn nuôi. Tuy vậy, để có được tiền cũng không phải đơn giản. Nhìn gương mặt phờ phạc của ông Sử cùng hai bàn tay nhăn nheo vì ngâm nước lâu, chúng tôi hiểu việc mưu sinh trong đêm trên đồng nước không hề dễ dàng.
Nước nổi về, vùng nông thôn nhộn nhịp với các hoạt động đánh bắt như kéo lưới, kéo vó, kéo dớn, chài cá... Những cánh đồng ngập nước khiến lũ chuột đồng không nơi ẩn náu phải kéo lên các gò đất cao. Thế là nhiều người đặt bẫy dụ chuột vào, hiện nay giá khoảng 50 nghìn đồng/kg, còn chuột sơ chế rồi có giá 80 nghìn đồng/kg.
Cua đồng, ếch đồng cũng xuất hiện nhiều nên người dân đi đặt lợp hay giăng câu kiếm tiền cũng khá vì giá bán cao. Nông dân Đinh Thanh Giang, ở xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn chỉ mớ cá lóc đồng dính dớn, nói: “Cá lóc đồng cân tại chỗ hơn 80 nghìn đồng/kg, thịt cá ngọt, ngon, cho nên có bao nhiêu thương lái thu mua hết. Một ngày đặt dớn tại vùng này tôi bán được vài kg cá lóc, rô, thát lát”.
Nhiều ngư dân khác cho biết, tháng 9 bắt đầu đánh bắt cá lai rai, nhưng từ tháng 10 đến tháng 11 là cao điểm của mùa khai thác thủy sản, vì khi đó cá lớn kéo nhau ra sông nên dân trong nghề gọi là “mùa cá chạy” hay “mùa cá ra”.
Ông Ngô Văn Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Phước cho biết, Vĩnh Phước là vùng đất thấp nhất huyện, tới mùa nước nổi, nước đổ gom về ấp Vĩnh An của xã. Tại An Giang, mấy chục năm nay, nơi đây còn giữ nghề trồng lúa mùa xưa với các giống như chệt cụt, nàng tây đùm, bông sen với diện tích hơn 100 ha. Nông dân Nguyễn Hữu Hoàng trồng 3 ha lúa mùa nổi kể, tháng 6 sạ lúa, chỉ bón ít phân giai đoạn đầu còn lại cứ bỏ mặc cho cây lúa tự phát triển, cho nên lúa mùa vùng này là lúa sạch. Tới tháng 11, nước rút thì bông lúa cũng chín, bình quân 1 ha lúa đạt năng suất từ 1,5 đến 2 tấn.
Ông Nguyễn Hữu Hoàng cho biết thêm: “Do tốn ít phân bón, công chăm sóc hơn lúa thường, cho nên lợi nhuận lúa sạch cũng khá hơn. Nếu trừ tiền lúa giống, công cắt thì một công (sào) lời hơn ba triệu đồng. Rơm rạ sẽ được đốt thành tro, rồi cho máy đào xới lớp tro này hòa vào đất thành phân bón cho vụ sau trồng mì…”.
Bắt cá trên ruộng lúa mùa ở xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. |
Nỗi lo mùa nước thấp
Căn nhà chòi của nông dân Nguyễn Thành Lạc, ở ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn nằm trên đồng nước đón gió mát rượi, chung quanh chim trời hót vang, bên dưới mặt nước, cá rô, cá lóc lao lên đớp côn trùng. Ông Lạc có 4,5 ha đất và đã hơn 15 năm qua đều trồng lúa mùa. Ông Lạc cho biết, vùng này vẫn còn phèn nên trồng lúa thường cho năng suất thấp, còn lúa mùa chịu phèn tốt. Nước cao tới đâu thân lúa cao tới đó, tạo chỗ êm ấm cho các loài cá đồng, cá sông vào trú, giúp người trồng lúa có thêm nguồn thu từ cá thiên nhiên. Chỉ vài tay lưới, dớn thì ngày nào cũng bắt vài ký cá. Rau mọc nhiều trong nước nên mùa này nông dân không lo nghĩ nhiều đến bữa ăn hằng ngày.
Ông Nguyễn Thành Lạc tâm sự: “Một năm nông dân vùng này sản xuất hai vụ chính là lúa và khoai mì, thêm vụ mía, vụ nào cũng trúng. Chúng tôi chỉ có hai cái lo. Một là, nước nổi không về khi đó không thể trồng lúa mùa. Nỗi lo còn lại là đầu ra lúa mùa, bởi có tiếng là gạo sạch nhưng rất kén người dùng”. Nỗi niềm của ông Lạc cũng là nỗi niềm chung của nhiều người khi theo thời gian nước nổi về càng thấp, đồng nghĩa với việc tôm, cá cũng bết bát.
Nông dân Phạm Văn Hổ, ở ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, huyện Phú Tân mấy ngày nay cứ nhìn con nước là lòng không vui. Ông nói, ấp Vàm Nao như lòng chảo với các bãi cỏ, lau sậy um tùm là cái nôi cho tôm, cá trú ẩn, nên nơi đây xem như là rốn cá của tỉnh. Năm nay, nước không dâng ngập lòng chảo, tôm, cá không vào bãi đẻ được, cho nên chắc chắn nguồn cá sẽ giảm.
Hiện, ông Hổ đặt dớn bên mép sông, mỗi ngày vẫn bắt được hàng chục cân cá linh, cá lóc, cá thát lát, nhưng không nhiều bằng các năm trước đó. Theo ông Hổ nhớ lại, trước kia nguồn cá nhiều, cho nên phân loại cá lớn như cá lóc, cá hú, cá tra, cá lăng... cân cho thương lái, cá linh giữ lại ủ làm nước mắm. Nước mắm cá linh ngon nổi tiếng, người dân rất thích dùng làm nước chấm. Tháng 9 này mực nước lũ vẫn chưa đạt mức báo động 2. Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, nước lũ thấp dần kéo theo nguồn thủy sản tự nhiên giảm, đã tác động đến đời sống người dân vùng lũ. Lũ thấp còn ảnh hưởng nguồn nước tưới tiêu cho các vụ sản xuất.
Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã hoàn thiện đề xuất xây dựng dự án hệ thống trữ nước ngọt gắn với hạ tầng phục vụ liên kết sản xuất vùng Tứ giác Long Xuyên gửi Trung ương. Dự án gồm hai hồ chứa nước ngọt, với tổng dung tích trữ 94,53 triệu m³ nước tại vùng Bảy Núi chủ động cấp nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản cho hơn 17.500 ha của tỉnh, nhất là cho hơn 4.000 ha đất vùng cao và 9.000 ha đất triền cao ở huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên. Cùng với đó, phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu nguy cơ cháy rừng vùng đồng bằng với diện tích 3.730 ha.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh, việc đầu tư xây dựng hồ chứa với lòng hồ rộng 315 ha để trữ và cung cấp nước ngọt phục sản xuất nông nghiệp cho khu vực, kết hợp kêu gọi đầu tư phát triển du lịch nhằm tái hiện hình ảnh mùa nước nổi đặc trưng của vùng Bảy Núi để giới thiệu đến người dân cả nước. Đồng thời, kết hợp cùng lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, các khu du lịch như Lâm viên núi Cấm, Rừng tràm Trà Sư thu hút du khách đến tham quan và du lịch góp phần phát triển kinh tế-xã hội.