Mường Ảng sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư giảm nghèo bền vững

Là huyện nghèo, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội chưa đồng bộ, đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, nguồn lực đầu tư tại địa phương hạn chế, do vậy ngay khi triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2021-2025) huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên) đã quán triệt nghiêm tinh thần chỉ đạo quản lý, sử dụng đúng vốn đầu tư từ chương trình; bảo đảm nguồn lực đầu tư giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống mọi mặt nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân bản Mánh Đanh, xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng vui mừng thu hoạch lứa cá đầu nuôi trên lòng hồ Ẳng Cang.
Người dân bản Mánh Đanh, xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng vui mừng thu hoạch lứa cá đầu nuôi trên lòng hồ Ẳng Cang.

Ông Đinh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mường Ảng, cho biết: Để chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt các chỉ tiêu do Trung ương, tỉnh và huyện đề ra, ngay từ đầu giai đoạn và hằng năm, Ủy ban nhân dân huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch nhu cầu kinh phí.

Trên cơ sở nguồn kinh phí được phân bổ từ chương trình cùng với nguồn đối ứng địa phương và nguồn huy động hợp pháp khác, Ủy ban nhân dân huyện phân bổ cho các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn.

Trong suốt quá trình thực hiện chương trình, Ủy ban nhân dân huyện luôn sát sao chỉ đạo các đơn vị, các cấp phải thực hiện và quản lý đúng nguồn lực đầu tư; chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh vai trò kiểm tra, giám sát chương trình tại địa phương với sự tham gia của ban giám sát cộng đồng cấp xã, bản, bảo đảm các dự án, hoạt động của chương trình được hiệu quả.

Theo đúng tinh thần chỉ đạo nhất quán, giai đoạn 2021-2023, từ nguồn vốn được ngân sách Trung ương bố trí 144,9 tỷ đồng; ngân sách địa phương 1,417 tỷ đồng (gồm cả kinh phí đối ứng cấp tỉnh phân về) và 2,549 tỷ đồng từ kinh phí khác (nhân dân đối ứng, Quỹ vì người nghèo huyện), Mường Ảng đã xây dựng chi tiết vốn từng danh mục phần việc cụ thể đến từng cấp, từng ngành.

Riêng nguồn vốn tín dụng, huyện chỉ đạo và giao Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội chủ trì, tổ chức thực hiện giải ngân vốn hỗ trợ giảm nghèo đúng đối tượng để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay; đồng thời khích lệ hộ nghèo có ý chí vươn lên thoát nghèo.

Mường Ảng sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư giảm nghèo bền vững ảnh 1

Được hỗ trợ vốn thực hiện các mô hình, nhiều gia đình nghèo ở Mường Ảng đã thoát nghèo, vươn lên làm chủ cuộc sống.

Với đặc thù dân số chủ yếu làm nông nghiệp, Mường Ảng luôn quan tâm dành nguồn thực hiện mô hình thí điểm sản xuất nông, lâm nghiệp. Từ nguồn kinh phí được bố trí cho năm 2022 và 2023 là 12,744 tỷ đồng, Mường Ảng đã phân bổ thực hiện 31 dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo cho 755 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ làm kinh tế giỏi. Với 7 xã diện đặc biệt khó khăn, huyện bố trí thêm 7 dự án hỗ trợ cây, con giống, máy móc, nông cụ sản xuất với tổng kinh phí 1,623 tỷ đồng giúp 195 hộ nghèo có thêm nguồn lực phát triển kinh tế.

Năm 2022 huyện giao Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp triển khai 2 mô hình trồng cây gai xanh trên đất dốc và nuôi cá lồng bè trên lòng hồ Ẳng Cang đã bước đầu đem lại hiệu quả.

Ông Lò Văn Ngưng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Búng Lao, huyện Mường Ảng cho biết: Người dân trong xã Búng Lao được hỗ trợ kinh phí trồng 5ha cây gai xanh bà con rất phấn khởi. Qua mô hình thí điểm cho thấy giá trị, hiệu quả kinh tế của cây gai xanh vượt trội so với cây trồng truyền thống tại địa phương. Do vậy, năm tới xã khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng cây gai tăng thu nhập trên cùng diện tích.

Ông Lường Văn Tỏa - một trong những hộ dân bản Mánh Đanh, xã Ẳng Cang tham gia mô hình nuôi cá lồng trên hồ Ẳng Cang chia sẻ: Được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp hỗ trợ triển khai mô hình nuôi cá lồng bè tại hồ Ẳng Cang, chúng tôi còn được cán bộ Trung tâm hướng dẫn kỹ thuật theo dõi môi trường, chăm sóc và phòng trị bệnh cho cá.

Mường Ảng sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư giảm nghèo bền vững ảnh 2

Cán bộ, công chức huyện Mường Ảng ủng hộ Quỹ Vì người nghèo huyện để có thêm nguồn lực giúp hộ nghèo vươn lên.

Sau hơn 3 tháng triển khai nuôi thấy rằng cá thích nghi tốt môi trường nước hồ, sinh trưởng đều với trọng lượng trung bình 0,5kg con (cá rô đơn tính); các loại cá khác phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 80%. “Thời gian tới gia đình tôi có nguyện vọng được vay vốn mở rộng số lồng nuôi cá trên hồ” - ông Tỏa cho biết thêm như thế!

Ghi nhận quyết tâm, nỗ lực của các phòng, ban, đơn vị, các xã, thị trấn và nhân dân trên địa bàn trong thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, ông Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Huyện ủy Mường Ảng, cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn, song diện mạo nông thôn, đời sống của nhân dân huyện Mường Ảng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hiện còn 30%; giai đoạn 2020-2023 toàn huyện có gần 2.300 lao động được tạo việc làm mới, thu nhập bình quân đầu người đã đạt trên 29 triệu đồng/người/năm.

Quyết tâm thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Ảng sẽ tăng cường tuyên truyền chính sách giảm nghèo, huy động nguồn lực triển khai các mô hình giúp người nghèo thoát nghèo, chương trình giảm nghèo hiệu quả, thực chất và bền vững.