Muốn ăn ngon đồ ngày Tết, người bệnh đái tháo đường cần lưu ý gì?

NDO - Tết đến Xuân về, ai cũng mong có được cơ thể khỏe mạnh và tinh thần thoải mái để ăn Tết. Với người bệnh đái tháo đường cần đặc biệt lưu ý chế độ ăn uống, cần lưu ý các dấu hiệu nếu không may thấy mệt trong những ngày Tết để tới cơ sở y tế kịp thời. 
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Những lưu ý dấu hiệu bệnh ngày tết

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Quang Bảy, Trưởng Khoa Nội tiết-Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, người bệnh đái tháo đường dễ mệt mỏi dịp Tết chủ yếu do làm việc quá sức; cơ thể bị nhiễm khuẩn và nhiễm virus; tăng đường huyết do ăn nhiều đồ ngọt, và có thể cả quên thuốc đái tháo đường. Ngoài mệt mỏi, bệnh nhân thường có thêm các triệu chứng như khát nước, tiểu nhiều...

Nguy hiểm nhất với người tiểu đường là hạ đường huyết vì có thể gây hôn mê và ảnh hưởng đến tính mạng. Có nhiều nguyên nhân gây hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường trong dịp Tết như ăn ít, ăn chậm hoặc bỏ bữa, vận động nhiều (do đi bộ nhiều, leo núi). Sai liều insulin hoặc thuốc uống cũng rất hay gặp do ăn không đúng bữa, hoặc ngủ dậy muộn nên uống/tiêm gộp liều thuốc.

Việc uống rượu nhiều sẽ ức chế gan sản xuất glucose dẫn đến hạ đường huyết nặng, đặc biệt khi chỉ uống rượu mà không ăn hay ăn ít thì rất dễ bị hạ đường huyết.

Các biến chứng mạn tính của đái tháo đường nặng lên cũng có thể khiến bệnh nhân thấy không được khỏe. Ví dụ biến chứng thần kinh ngoại biên gây tê bì chân và mất ngủ, đường máu cao gây tiểu đêm nhiều cũng khiến mất ngủ, và mệt mỏi…

Những nguyên nhân khác có thể gây mệt mỏi ở bệnh nhân đái tháo đường là huyết áp tăng (do quên uống thuốc hoặc trời lạnh), ngủ ít. Ngày Tết, nhiều bệnh nhân đái tháo đường cũng hay có cảm giác mệt mỏi, bực dọc, lo lắng do lo nghĩ chuyện tiền bạc, hoặc được khuyên không nên đi chơi xa, hay khi đi chơi phải mang theo nhiều thuốc, bút tiêm, máy đo đường huyết… Tình trạng này sẽ nặng hơn nếu bệnh nhân đó vốn đã bị trầm cảm hay rối loạn lo âu từ trước.

Với người không bị đái tháo đường thì việc mệt mỏi chút xíu, dù là ngày thường hay ngày Tết, đều không đáng ngại. Nhưng các bệnh nhân đái tháo đường thì phải cảnh giác với mọi bất thường vì đó có thể là những dấu hiệu của biến chứng, đe dọa phải nhập viện làm “mất Tết”.

Do đó, Tiến sĩ Nguyễn Quang Bảy khuyến cáo, ngay khi thấy mệt mỏi, nhất là mệt nhiều hay mệt kèm theo đau ngực, sốt, khát nước… thì việc cần đầu tiên là phải đo ngay huyết áp, đường huyết mao mạch và nhiệt độ.

Nếu chỉ mệt nhẹ, và chắc chắn là do làm việc nhiều hơn bình thường hay thức khuya quá… thì nên dành thời gian nghỉ ngơi. Có thể cắt bớt một số công việc hoặc lịch trình du xuân.

Muốn ăn ngon đồ ngày Tết, người bệnh đái tháo đường cần lưu ý gì? ảnh 1

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Quang Bảy, Trưởng Khoa Nội tiết-Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai tư vấn cho người bệnh.

Nếu đường huyết thấp dưới 4,0 mmol/L là đã bị hạ đường huyết, bệnh nhân nên ăn ngay kẹo bánh (nhiều glucose) hoặc bánh chưng, cơm (tinh bột) và đo lại đường huyết sau 15 phút để đánh giá. Nếu vẫn thấp thì ăn tiếp. Tuy nhiên nếu mệt nhiều, mệt kéo dài, không tỉnh táo hoặc đường huyết thấp dưới 2,5 mmol/L thì phải đi cấp cứu vào bệnh viện gần nhất.

Nếu đường huyết cao trên 14,0 mmol/L thì cần cảnh giác với nguy cơ bị nhiễm toan ceton. Bệnh nhân nên uống thêm nước, nghỉ ngơi, hạn chế vận động, và có thể tiêm thêm 1 mũi insulin nhanh hoặc tăng liều mũi insulin (khoảng 2 đơn vị) trước bữa ăn tiếp theo. Sau đó, bệnh nhân cũng cần theo dõi đường huyết thường xuyên hơn.

Nếu mệt kèm theo sốt, đặc biệt là sốt cao, rét run, hay đau tức ngực… là những triệu chứng nhiễm khuẩn nặng, và có nguy cơ gây rối loạn đường huyết, thậm chí nhiễm toan ceton nên bệnh nhân cần liên hệ ngay với bác sĩ điều trị đái tháo đường của mình hoặc đến khám ở bệnh viện gần nhất. Còn nếu sốt nhẹ kèm sổ mũi, ho húng hắng thì bệnh nhân nên nằm nghỉ, tránh đi ra chỗ gió rét, và kiểm tra đường huyết thường xuyên, ăn uống bình thường.

Nếu huyết áp tăng (trên 140/90 mmHg) thì phải kiểm tra xem đã uống thuốc huyết áp chưa, nếu chưa thì cần uống ngay theo đơn, còn nếu đã uống rồi thì có thể cân nhắc uống thêm 1 viên nữa hoặc xin ý kiến bác sĩ.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Quang Bảy khuyến cáo, trong dịp Tết, người bệnh đái tháo đường cố gắng giữ nếp sinh hoạt như bình thường; phải tiêm và uống các thuốc đầy đủ và đúng giờ. Lưu ý là các thuốc đái tháo đường (tiêm và/hoặc uống) thường được dùng trước hoặc sau các bữa ăn chứ không phải là theo đúng 1 giờ cố định.

Đặc biệt, khi đi lễ hay du lịch nên mang giầy thể thao buộc dây, êm nhẹ; kiểm tra bàn chân thường xuyên, nhất là với những người đã có biến chứng thần kinh ngoại vi, bị tê chân hoặc mất cảm giác chân.

Bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ điều trị khi thấy mệt nhiều; tránh suy nghĩ kiêng khem quá mức ngày Tết như ăn ít, không dám ăn cỗ Tết, và cũng phải tránh tư tưởng kiêng đến Bệnh viện dù rất mệt, sốt cao, hay hạ đường huyết nặng.

Chế độ ăn hợp lý cho người tiểu đường

Người đái tháo đường nên lưu ý ăn đủ số bữa và đúng giờ, tuyệt đối tránh bỏ bữa dù ngủ dậy muộn; đo đường huyết thường xuyên hơn, có thể 2-4 lần/ngày, cả sau ăn nhất là khi ăn nhiều, ăn đồ ăn lạ.

Khi thấy cỗ ngon, muốn ăn thêm thì có thể tiêm thêm 1-2 đơn vị insulin nhanh trước ăn; giữ ấm cơ thể, uống đủ nước. Có thể uống rượu vang được, hạn chế uống rượu mạnh.

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng cũng lưu ý các bác bệnh nhân đái tháo đường cần lưu ý giữ đường huyết trước bữa ăn từ 5,0-7,2 mmol/L, đường huyết sau ăn dưới 11,0 mmol/L và huyết áp dưới 130/80 mmHg.

Tránh những bữa ăn lớn, chia nhỏ thành nhiều bữa gồm 3 bữa chính, 1-3 bữa phụ; nên ăn đều đặn và đúng giờ các bữa, không bỏ bữa ngay cả lúc bệnh nặng hoặc không muốn ăn; nên ăn chậm, nhai kỹ, không nên ăn quá no; lựa chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết GI thấp; không nên quá kiêng khem mà cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng: chất đạm, béo, bột đường, vitamin, muối khoáng, chất xơ…

Hạn chế ăn các thực phẩm nguồn gốc động vật có chứa nhiều cholesterol (thịt mỡ, mỡ, bơ, phủ tạng động vật...). Hạn chế dùng thức ăn chiên rán, vì nhiệt độ cao có thể phá hỏng acid béo không bão hòa; không nên ăn thực phẩm nhiều tinh bột vào bữa phụ 21 giờ; trong bữa ăn, ăn rau trước, ăn thức ăn sau, cuối cùng là ăn cơm.

Khi chế biến các món ăn truyền thống ngày tết, bạn có thể cân nhắc cho ít muối hơn, chấm ít nước mắm hoặc xì dầu hơn. Bạn cũng có thể tự nấu riêng đồ ăn để không ảnh hưởng đến khẩu vị của cả gia đình. Hạn chế ăn mặn sẽ giúp bệnh tim mạch và huyết áp được cải thiện đáng kể.

Hạn chế đồ ăn, uống có nhiều đường bổ sung như bánh kẹo, mứt ngọt, nước ngọt, các món ăn cho nhiều đường khi nấu,...; Hạn chế rượu, bia, thuốc lá và chất kích thích.

Người bệnh mạn tính nên duy trì chế độ ăn nhạt, ít đường, ít béo, không chất kích thích, thay vào đó là ăn nhiều rau xanh và trái cây, uống nước lọc và duy trì tập luyện nhẹ nhàng ngay cả khi Tết đến xuân về để bảo đảm sức khỏe trong những ngày vui sum vầy.