Muối mặn Sa Huỳnh

Muối mặn Sa Huỳnh

 
Cả đời làm muối vẫn khổ

Làng muối Sa Huỳnh thuộc thôn Long Thạnh, xã Phổ Thạnh, huyện Ðức Phổ, cách tỉnh lỵ Quảng Ngãi chừng 60 km về phía nam. Ðồng muối được thiên nhiên ưu đãi, với diện tích hơn 120 ha. Hằng năm, nhân dân địa phương sản xuất gần chục nghìn tấn muối hạt và tiêu thụ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Phó Chủ tịch UBND huyện Ðức Phổ đồng chí Trần Em cho biết: Ðồng muối Sa Huỳnh có từ lâu đời, nhiều gia đình đã có hai, ba thế hệ tiếp nối nghề truyền thống bám ruộng muối để sống. Có người cả đời lam lũ trên ruộng muối, vẫn không đủ ăn, phải làm thêm nghề phụ để ổn định cuộc sống. Ở đây có khoảng bốn nghìn người sống bằng nghề làm muối, nhưng không mấy gia đình có cuộc sống sung túc. Hằng năm, dân trong làng chỉ sản xuất một mùa muối vào những tháng nắng. Hạt muối làm ra cũng phải đưa đi tiêu thụ ở nhiều vùng nông thôn, thành thị. Có hộ bán muối hết ngay trong vụ thu hoạch, lấy tiền đầu tư cho chăn nuôi, buôn bán nhỏ để tăng thu nhập. Có người bán không hết thì lưu trữ muối thành đụn ngoài đồng để bán vào năm sau...

Anh Võ Tấn Phát từ nhỏ đã theo cha mẹ làm nghề muối và đến bây giờ đã hơn nửa đời người làm muối. Anh kể: "Nhà tôi có bảy người (trong đó ba người ăn theo), với ruộng muối hơn 500 m2, hằng năm sản xuất gần 31 nghìn tấn muối, thu nhập khoảng chín triệu đồng". Số tiền anh thu được từ sản phẩm muối cũng chỉ đủ trang trải cho mấy đứa con ăn học, còn lại chút vốn thì đầu tư vào trồng rừng bạch đàn, nuôi bò để tăng thu nhập gia đình. Anh Trần Hoàng thì nói: "Tôi làm nghề muối đã hơn hai mươi năm rồi, nhưng vẫn thấy lận đận. Hai vợ chồng lao động cật lực trên đồng muối cũng không nuôi đủ bảy miệng ăn trong nhà". Gia đình có năm ô muối (mỗi ô 50 m2), hằng năm, bắt đầu sản xuất từ tháng 2 và đến tháng 7 là kết thúc vụ. Mỗi ô vuông loại 1 thu hoạch hơn ba tấn muối, loại 2 là 2,5 tấn, sản lượng trong năm thu khoảng 15 tấn. Làm ra hạt muối đã vất vả, nhưng đi bán muối càng vất vả hơn. Giá muối luôn biến động, có lúc là 250 nghìn đồng/tấn, có khi bị tư thương bắt chẹt chỉ còn 210 nghìn đồng/tấn cũng phải bán để lấy tiền chi tiêu trong nhà. Người buôn bán muối cũng khá năng động. Bạn hàng buôn bán lớn thường sử dụng xe tải vận chuyển muối đi ngoài tỉnh để bán với giá cao, lời nhiều. Người buôn bán lẻ thường dùng xe đạp hoặc đôi quang gánh với khoảng vài chục kg muối đưa đến các làng quê, góc phố bán từng kg, có khi đổi muối lấy lúa, gạo.

Tình cờ, tôi gặp chị Quỳnh Thu Trang, người làm công trên đồng muối nhiều năm, có nước da ngăm đen, dáng người khỏe mạnh. Chị tâm sự: "Ở đây, có nhiều người cả đời làm nghề muối, dù biết khổ, không giàu có nhưng vẫn cam chịu, nhất quyết không rời làng, bỏ ruộng muối. Chị em trong làng một ngày gánh muối vào đụn được chủ trả công 30 nghìn đồng (nam giới là 40 nghìn đồng). Cho dù nghề làm muối rất vất vả, nhưng đây cũng là "duyên nợ" - cái nghề truyền thống của ông cha để lại, đời sau phải gắng giữ và đầu tư làm ăn sao cho khấm khá hơn".

"Bà đỡ" của diêm dân

Làng muối Sa Huỳnh được hình thành hai HTX chuyên canh để quản lý, điều hành sản xuất. Những năm qua, thực hiện Luật HTX, bà con diêm dân có điều kiện làm ăn ổn định hơn. HTX năng động trong chỉ đạo sản xuất, được coi như "bà đỡ" của diêm dân, đã tranh thủ nguồn vốn cấp trên đầu tư nhiều công trình vào đồng muối, bảo đảm tăng năng suất lao động và sản lượng muối trên đồng. Dự án quy hoạch đồng muối hiện nay lên đến gần 27 tỷ đồng, trong đó HTX sử dụng gần 12 tỷ đồng để xây dựng đê bao cho đồng muối, dài hơn hai nghìn mét. Việc xây dựng con đê có tính quyết định để phát triển nghề muối bền vững trong quá trình đầu tư cải tạo, mở rộng và nâng cao chất lượng đồng muối. Theo đó, dự án còn đầu tư hơn 9,5 tỷ đồng cho các công trình kênh mương nội đồng, giao thông trong vùng muối và khoảng 500 triệu đồng dành cho công tác đào tạo cán bộ kỹ thuật, khuyến diêm tại làng muối. Hằng năm HTX đã huy động vốn trong dân (tính theo đầu diện tích) hơn 200 triệu đồng để đắp đê, tu bổ hệ thống thủy lợi và cải tạo đồng muối.

Chủ nhiệm HTX muối Nguyễn Hữu Chánh cho biết: Từ ngày HTX áp dụng định suất lao động trên đầu diện tích cho từng gia đình đã tạo thuận lợi cho bà con diêm dân đầu tư vào ruộng muối, sản xuất có hiệu quả. Nhiều hộ làm muối đạt năng suất, sản lượng gấp hai lần so với trước và có mức thu nhập khá. Có hộ đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào đồng muối để sản xuất muối chất lượng cao.

Ông Lê A, ở đội 3, thôn Long Thạnh là người đi đầu trong việc thay đổi quy trình sản xuất muối từ thủ công sang đầu tư áp dụng kết tinh muối trên mặt ni-lông và nền xi-măng chịu mặn. Ông nói: "Năm 2004, Công ty dược - vật tư y tế Quảng Ngãi hỗ trợ hơn một trăm triệu đồng để ứng dụng đề tài khoa học vào đồng muối. Lúc đầu tôi cũng thấy "ngán", nhưng suy cho cùng, nếu cái gì đầu tư cũng sợ thì không thể làm giàu được. Một khi đề tài đã được nhà khoa học nghiên cứu thành công và chuyển giao cho bà con ứng dụng vào sản xuất phải mạnh dạn làm. Bước đầu, tôi áp dụng vào ruộng muối còn nhiều khâu lúng túng. Nhưng nhờ có HTX và cán bộ kỹ thuật làm "bà đỡ", trực tiếp hướng dẫn nên rất yên tâm và chỉ sau một vụ muối là tự mình có thể chủ động sản xuất tốt". Quy trình sản xuất muối tiên tiến này đã giảm được ngày công lao động, giá trị sản xuất trên một ha muối tăng gấp hai lần so với làm muối thủ công và chất lượng muối tăng cao, giá muối bán gấp hai lần so với trước...

Năm 2002, Nhà máy muối chất lượng cao Sa Huỳnh được tỉnh Quảng Ngãi đầu tư xây dựng, với kinh phí hơn mười tỷ đồng, đi vào hoạt động đầu tháng 5-2005. Nhà máy được lắp đặt thiết bị tiên tiến, công suất 14 nghìn tấn/năm. Giám đốc Công ty dược - vật tư y tế Quảng Ngãi Nguyễn Văn Dũng cho biết: Nhà máy có nhiệm vụ sản xuất muối sạch cung ứng cho thị trường trong nước, với năm loại sản phẩm chính: muối tinh chất lượng cao, muối i-ốt, muối sạch, muối gia vị cao cấp, bột canh cao cấp. Hằng năm, nhà máy còn bảo đảm cung cấp hơn một nghìn tấn muối cho đồng bào các huyện miền núi trong tỉnh theo chính sách trợ cước, trợ giá và cấp không thu tiền... Nhà máy được đặt tại đồng muối Sa Huỳnh là một hướng làm ăn mới giữa diêm dân và nhà máy. Dự án đầu tư phát triển đồng muối bắt đầu phát huy tác dụng. Toàn bộ ruộng muối được quy hoạch, cải tạo, nâng cấp, mở rộng bảo đảm cung cấp nguyên liệu muối chất lượng cao cho nhà máy sản xuất. Nhà máy thực hiện cam kết thu mua toàn bộ muối cho diêm dân và tuyển chọn đào tạo tay nghề, giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người làm muối. Một số công nhân trong nhà máy tâm sự: "Bây giờ, nhờ có nhà máy muối mà chúng tôi trở thành công nhân, có việc làm ổn định, với mức lương hằng tháng gần 1,2 triệu đồng. Những tháng lương đầu nhận tại nhà máy, chúng tôi sung sướng lắm, có người gói kỹ đem về khoe với mẹ, với vợ ở nhà".

Người dân làng muối Sa Huỳnh giờ phấn khởi chăm lo ruộng muối, không còn cảnh quang gánh "đầu làng, góc phố" bán từng kg muối và càng không sợ tư thương ép giá. Nhà máy hiện nay đang có kế hoạch đầu tư trọn gói cho vùng nguyên liệu muối, không những hỗ trợ kỹ thuật, vốn để nâng cao chất lượng hạt muối Sa Huỳnh mà còn có hướng vươn lên cạnh tranh thu mua nguyên liệu theo giá thị trường, bảo đảm phát triển kinh doanh có lãi và nâng cao mức sống cho người dân làng muối.