Mười cô gái dân quân Lam Hạ anh hùng: Những ký ức từ hôm nay

NDO -

NDĐT- Nhằm tri ân các anh hùng, liệt sĩ và mười nữ dân quân Lam Hạ đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, Báo Nhân Dân và UBND tỉnh Hà Nam tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt “Mười bông hoa thép trên vùng đất Lam Hạ anh hùng” đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày hy sinh của mười nữ dân quân Lam Hạ và đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia trận địa pháo phòng không Lam Hạ (1965-1972).

Nữ quân dân khẩu đội 14 ly 5 xã Lam Hạ trực chiến bắn máy bay.
Nữ quân dân khẩu đội 14 ly 5 xã Lam Hạ trực chiến bắn máy bay.

Đã 50 năm trôi qua, những câu chuyện cảm động về mười cô gái dân quân xã Lam Hạ xưa (nay là phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, Hà Nam) anh dũng hy sinh khi tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của các tầng lớp nhân dân Hà Nam.

Ngày quyết tử

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Lam Hạ (nay là phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý) có vị trí phòng thủ quan trọng trên bản đồ quân sự. Tuyến đường 1A cầu Phủ Lý là một trong những mục tiêu đánh phá của địch, bởi nơi đây là trọng điểm giao thông huyết mạch từ bắc vào nam. Do yêu cầu nhiệm vụ cần tập trung chi viện cho tiền tuyến miền Nam, bộ đội phòng không ở Hà Nam rất mỏng, cần phối hợp tác chiến với dân quân địa phương.

Ngày 5-8-1965, đại đội dân quân Lam Hạ được thành lập. Hầu hết dân quân đều là các cô thôn nữ, là nông dân, công nhân, giáo viên, có người mới rời ghế nhà trường và rất ít người đã có gia đình. Từ tháng 10 năm 1966 đến hết năm 1967, tại đây đã diễn ra những trận đánh trả quyết liệt máy bay Mỹ để bảo vệ trọng điểm giao thông thị xã Nam Hà cầu Phủ Lý và các vùng phụ cận. Đại đội phòng không dân quân Lam Hạ có nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa tổ chức huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, hiệp đồng cùng bộ đội chủ lực xây dựng các trận địa pháo phòng không, củng cố trận địa, vận chuyển phương tiện kỹ thuật, đạn dược.

Lật mở từng trang sổ ghi chép báo cáo tổng kết trận đánh ngày 1,2 và 9 tháng 10 năm 1966, đã ố vàng vì nhuốm màu thời gian, ông Ngô Tiến Vạnh, nguyên trợ lý trinh sát Tiểu đoàn 6, bồi hồi nhớ lại.

Mười cô gái dân quân Lam Hạ anh hùng: Những ký ức từ hôm nay ảnh 1

Ông Ngô Tiến Vạnh, phường Vị Hoàng, TP Nam Định, kể về các trận đánh ở Phủ Lý năm 1966.

Đó là ngày 1-10-1966. Buổi sáng, từ 6 giờ 15 đến 6 giờ 21 phút, tốp máy bay Mỹ đầu tiên xuất hiện với 12 chiếc. Chúng bổ nhào từ ba hướng ném bom làm sập hai đầu cầu đường sắt. Tốp thứ hai có hai chiếc A4D từ hướng tây - tây bắc đánh vào trận địa đại đội 2 ở thôn Ba, xã Phù Vân. Hai chùm bom 12 quả nổ cách khẩu đội một khoảng ba mét. Đại đội trưởng Ngô Xuân Sơ vẫn đứng trên bậc cao, giơ thẳng cờ lệnh chỉ huy pháo bắn, mặc cho ba lần bị mảnh bom phạt gẫy cán cờ. Đại đội phó Nguyễn Đăng Thiệm bị mảnh bom găm giữa vai, máu chảy thẫm áo vẫn động viên đồng đội chiến đấu. Khẩu đội trưởng Quý bị thương nặng ở ngực vẫn hô to khẩu hiệu "Quyết giữ trận địa dù chỉ còn một người, một viên đạn". Cho đến lúc hy sinh, tay anh vẫn còn nắm chặt cờ lệnh. Pháo thủ Quế bị thương thủng đùi, máu chảy tràn mâm pháo vẫn đứng quay cự ly cho đến khi có người thay thế mới băng lại vết thương. Chiến sĩ nuôi quân Trần Viết Khảo, trên đường mang nước ra trận địa bị thương vào trán, vẫn lên mâm pháo thay pháo thủ số 4 vừa mới hy sinh.

Chín nữ dân quân thôn Ba, xã Phù Vân có mặt tiếp đạn cho đại đội 2 từ trận đánh thứ hai vào thay thế bổ sung vị trí các pháo thủ bị thương vong để tiếp tục chiến đấu cho đến cuối trận đánh. Nhưng ở ngay loạt bom bi và rốc-két đầu tiên, sáu nữ pháo thủ dân quân là Đinh Thị Tâm, Phan Thị Tuyết, Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi, Phạm Thị Lan, Vũ Thị Phương đã anh dũng hy sinh ngay trên trận pháo. Chị Nguyễn Thị Thi hy sinh khi mới 16 tuổi, không kịp để lại một tấm hình.

Trận đánh thứ tư, máy bay Mỹ ném bom lần hai vào đại đội 2 và ba lần đánh vào trận địa đại đội 1 ở Đình Tràng. Bom nổ mé hầm khẩu đội 1, rốc két bắn vào khẩu đội 2, toàn trung đội 1 bị thương vong. Đại đội trưởng Cầm lệnh cho trung đội 2 bắn trả mãnh liệt để yểm trợ và trả thù cho trung đội 1. Trong lúc bom vẫn nổ rền, hai khẩu đội còn lại vẫn không ngớt nhả đạn. Dân quân Đình Tràng cùng các chiến sĩ nuôi quân trong xóm ào ra trận địa chuyển thương binh đi cấp cứu và thay thế pháo thủ.

Trong ngày 1-10, từ 10 giờ 15 phút đến 15 giờ chiều, mảnh đất Lam Hạ lại oằn mình gánh chịu thêm ba trận đánh nữa.

Theo dòng hồi tưởng của ông Vạnh, vào ngày 9-10-1966, tức là tám ngày sau trận chiến đấu trước, trên các trận địa phòng không bảo vệ hướng bắc cầu Phủ Lý bố trí trên địa bàn xã Lam Hạ lại diễn ra trận chiến đấu quyết liệt với không quân Mỹ. Máy bay Mỹ gồm 61 lần chiếc trong 17 lần tốp, với tám đợt công kích các mục tiêu trên địa bàn thị xã từ 7 giờ 06 phút đến 8 giờ 24 phút sáng. Ngay từ hai đợt công kích đầu tiên, máy bay địch vừa ném bom khói che lấp tầm nhìn lực lượng phong không, vừa ném bom phá cầu đường bộ, phá đập, cống nước đầu sông Châu và đánh bom bi, bắn ba rốc két vào trận địa đại đội 6 pháo 57 ly ở Thường Ấm.

Tại đây, các nam, nữ dân quân Lam Hạ đã nhanh chóng lao vào trận địa tiếp đạn, cứu cấp thương binh. Đã có 15 cán bộ, chiến sĩ trong đại đội bị thương vong và bảy nam, nữ dân quân hy sinh tại trận địa, trong đó có ba nữ dân quân pháo thủ là Nguyễn Thị Thuận, Trần Thị Thẹp, Nguyễn Thị Oánh đã anh dũng hy sinh. Từ đợt công kích thứ ba đến đợt công kích thứ bảy, các trận địa phòng không của dân quân tự vệ địa phương cùng với các đại đội pháo cao xạ đã phát huy tốt hoả lực, bắn chặn, bắn đón, đánh trúng mục tiêu hai máy bay Mỹ bị bắn hạ, một chiếc khác bị bắn cháy. Đặc biệt, lực lượng không quân ta đã xuất kích và chiến đấu hiệu quả, trong ngày bắn rơi thêm hai máy bay giặc trên vùng trời thị xã Nam Hà.

Trong suốt ba ngày, với 18 đợt đánh phá điên cuồng tàn bạo ấy, không quân Mỹ đã huy động hơn 70 lần tốp với hơn 250 lượt máy bay gồm các loại: A3D, A4D, A6A, F8U, F4H vừa trực tiếp bắn phá và tiêm kích yểm trợ vòng ngoài. Chúng đã ném gần một nghìn quả bom loại 125 đến 1.000 kg và bắn hơn 360 đạn rốc két loại 70 ly vào các mục tiêu cầu đường sắt, cầu đường bộ, cầu phao: Hồng Phú, Phù Vân, Hoà Lạc, bến xe ô-tô, ga tàu hoả, nhà thờ thị xã Nam Hà.

Gần một năm sau, ngày 7-7-1967, tại trận địa pháo đặt tại thôn Hòa Mạc, trong trận đánh trả máy bay Mỹ đến phá cầu Phủ Lý, nữ dân quân pháo thủ Đặng Thị Chung đã chiến đấu dũng cảm đến hơi thở cuối cùng.

Nếu chúng con hy sinh, mẹ ơi, đừng buồn!

Trong căn nhà kề sát bến Châu Giang hiền hòa chảy mãi, ông Nguyễn Văn Phước, em út của liệt sĩ Nguyễn Thị Thuận ngắm mãi bức ảnh duy nhất của chị gái mình rồi bùi ngùi kể. Lúc chị tôi hy sinh thì tôi còn nhỏ, chưa hiểu nhiều về sự khốc liệt của chiến tranh, nhưng vì là con út trong nhà nên tôi thường được chị Thuận quan tâm nhất. Sáng ngày 9-10-1966, trước khi ra trận địa pháo, chị tôi chỉ kịp dúi vội vào tay tôi một chiếc khăn mùi xoa bọc ngô rang rồi vội vàng lao ra trận và hy sinh trong trận đánh hôm đó.

Mười cô gái dân quân Lam Hạ anh hùng: Những ký ức từ hôm nay ảnh 2

Ông Nguyễn Văn Phước, em út của liệt sĩ Nguyễn Thị Thuận.

Nhấp ngụm chè nóng như để nuốt giọt nước mắt sắp rơi ra từ khóe mắt, ông Phước tiếp chuyện. Ngày thày, bu (bố mẹ) tôi còn sống hay kể về chị cho con cháu trong nhà nghe. Khi chị tôi hy sinh, chị mới gần 18 tuổi, đang chuẩn bị được kết nạp Đảng. Chị tôi bị một mảnh bom phạt vào người, mảnh khác phạt chân đến gần lìa, nhưng khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu vẫn bình tĩnh động viên mọi người không phải lo cho mình. Trước khi các bác sĩ cưa chân mình, chị còn mỉm cười nắm tay mẹ an ủi: “Mẹ ơi, mẹ đừng lo. Nếu cụt chân thì mai này con cũng làm cô bán hàng tạp hóa được mà”. Thế rồi, chị thiếp đi và mãi mãi không trở về bên mẹ.

Đối với bà Nguyễn Thị Tình, người trung đội trưởng đội nữ dân quân Lam Hạ năm xưa, hình ảnh mười cô gái luôn trong ký ức. Bà bảo, suốt bao nhiêu năm qua, bà không nguôi nỗi nhớ các em, các cháu và đồng đội nhất là trong những ngày giỗ trận. Trong niềm rưng rưng xúc động, bà Tình kể từng chi tiết của các trận đánh, nhất là tinh thần xung phong ra trận của chị em dân quân.

Mười cô gái dân quân Lam Hạ anh hùng: Những ký ức từ hôm nay ảnh 3

Bà Nguyễn Thị Tình, 79 tuổi, tổ dân phố Đình Tràng, phường Lam Hạ, TP Phủ Lý, người trung đội trưởng đội nữ dân quân Lam Hạ năm xưa.

Giọng bà Tình trầm xuống trong nghẹn ngào khi nhắc đến sự hy sinh của các chị em trong đội dân quân. Thương nhất, tự hào nhất là tinh thần chiến đấu dũng cảm của hai chị em Thu, Thi. Sáng ngày 1-10-1966, khi tiếng còi báo động máy bay Mỹ đang bay vào hướng biển, hai chị em Thu, Thi khi đó đang ở nhà nướng ngô cho các em ăn rồi đi học. Hai chị vội bỏ bếp, dặn người chị dâu ở nhà đưa bố, mẹ, các em vào hầm trú bom cẩn thận vì nhà gần trận địa pháo, có thể bị trúng bom. Nếu chúng em có mệnh hệ gì thì đó là vinh dự cho gia đình ta. Hai chị em Thu, Thi lao ra bến, xuống đò, ra trận địa để kịp vào đội hình sẵn sàng chiến đấu. Nghe tiếng mẹ với theo dặn dò, các con phải cẩn thận, các cô còn ngoái lại: “Mẹ cứ yên tâm ở nhà trú bom. Trận chiến này ác liệt lắm. Nếu chúng con hy sinh, đừng buồn nhé mẹ ơi!”

Khi chiến đấu Thi bị thương nặng phải chuyển ra tuyến hai, đi qua chiến hào của người anh trai, Thi còn nói với anh rằng: “Em bị thương nhẹ, em ra viện rồi em lại về, anh ở lại chiến đấu trả thù cho đồng đội”.

Gạt dòng nước mắt đang lăn dài trên má vì thương nhớ đồng đội, bà Tình tiếp chuyện: Chị em chúng tôi vừa tham gia sản xuất, vừa được bộ đội phòng không trực tiếp huấn luyện chiến đấu. Vẫn biết rằng, nhiệm vụ chính của đội nữ dân quân Lam Hạ là tập luyện thuần thục tất cả vị trí tác chiến trên mâm pháo 57 ly, 37 ly và súng 14,5 ly để sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống, kể cả bổ sung ngay vị trí đồng đội hy sinh. Nhưng những ngày máy bay Mỹ không đánh phá, đi làm đồng hoặc tham gia sửa chữa cầu đường bị hư hỏng, nhiều khi tranh thủ làm luôn cả ban đêm để tránh máy bay trinh sát Mỹ phát hiện. Lúc ấy, chị em chúng tôi còn thiếu thốn lắm. Nhiều người ra trận với manh áo vá, bụng thì đói meo vì thiếu cơm. Với tinh thần thanh niên xung kích, tình nguyện, sức con gái đang ở độ xuân thì nên đều lướt qua và vui vẻ cười hát suốt.

Bà Tình nhớ lắm những đêm trực chiến, chị em nằm cạnh nhau bên mâm pháo rủ rỉ tâm sự nhiều chuyện. Mọi người thường dặn nhau: Nếu ai đó hy sinh thì người còn sống phải chiến đấu gấp đôi, gấp ba để trả thù và bảo vệ Tổ quốc thay cho bạn. Nếu ngày mai tôi hy sinh, nếu không bận chiến đấu, những người còn sống phải thường đến nhà các bạn đã hy sinh cho cha mẹ các bạn ấy đỡ buồn. Ngay cả những lúc đối mặt với cái chết, các cô vẫn nghĩ đến những người còn ở lại. Chuyện hy sinh, với chị em đều rất bình thản.

Lời dặn ấy mãi còn trong ký ức của bà Tình.

*Tối ngày 2-10, tại Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Hà Nam, chương trình nghệ thuật đặc biệt “Mười bông hoa thép trên vùng đất Lam Hạ anh hùng” nhằm kỷ niệm, tri ân sự hy sinh của mười nữ chiến sĩ dân quân ở trận địa pháo trong hai năm 1966 và 1967 sẽ diễn ra.

Chương trình do NSND Trần Bình làm đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, các đơn vị thực hiện bao gồm: Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhà hát chèo Hà Nam, Đoàn văn công Quân khu 1 và nhiều nghệ sĩ tên tuổi…

Chương trình được truyền hình và phát thanh trực tiếp vào lúc 20 giờ từ quảng trường Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh Hà Nam trên sóng các kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Nhân Dân, Đài phát thanh và truyền hình các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình…

Ngoài ra, ban tổ chức cũng trao tặng quà, sổ tiết kiệm ủng hộ công trình xây dựng khu đền thờ liệt sĩ và di tích văn hóa tỉnh Hà Nam, cùng đại diện gia đình 10 nữ dân quân, đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ xây dựng khu đền thờ và hỗ trợ thân nhân gia đình các thương binh, liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn ở Hà Nam và cả nước…

Hội thảo khoa học “Mười nữ dân quân pháo phòng không Lam Hạ” cũng diễn ra vào 8 giờ 30 sáng ngày 2-10 tại thành phố Phủ Lý, với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học tên tuổi…

Ban tổ chức cho biết, hiện tại còn 18 nam, nữ dân quân từng tham gia trận chiến đấu năm 1966-1976 vẫn còn sống ở địa phương. Nữ dân quân Nguyễn Thị Tình, nguyên là xã đội trưởng dân quân sẽ được mời tới giao lưu, trò chuyện về những kỷ niệm liên quan tới trận chiến Lam Hạ.