Mục tiêu "xanh hóa" của các nền kinh tế

Hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững, thân thiện với môi trường là xu hướng toàn cầu và không một nền kinh tế nào trên thế giới muốn đứng ngoài. Một loạt chiến lược đầy tham vọng đang được các nước tích cực triển khai, ghi dấu những bước tiến thực chất trong tiến trình phát triển theo hướng chuyển đổi xanh.
0:00 / 0:00
0:00
Cảng nước sâu Dương Sơn ở Thượng Hải, Trung Quốc năm 2020. (Ảnh: Reuters)
Cảng nước sâu Dương Sơn ở Thượng Hải, Trung Quốc năm 2020. (Ảnh: Reuters)

Trung Quốc vừa công bố kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng xanh trong ngành công nghiệp nhằm hướng tới mục tiêu trung hòa carbon. Theo kế hoạch do Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc công bố, vào năm 2025, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp có doanh thu tối thiểu hằng năm đạt 20 triệu nhân dân tệ (khoảng 2,96 triệu USD) sẽ giảm 13,5% lượng tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị giá trị gia tăng so với năm 2020. Kế hoạch này cũng đặt mục tiêu vào năm 2030, tỷ lệ phương tiện chạy bằng năng lượng mới và năng lượng sạch sẽ chiếm khoảng 40% tổng số phương tiện mới. Lượng phát thải khí CO2 từ ô-tô chở khách và các phương tiện thương mại sẽ giảm tương ứng 25% và 20% so năm 2020.

ASEAN và Hàn Quốc tích cực tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế xanh, xác định chuyển đổi năng lượng không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, mà đòi hỏi sự đầu tư lớn và chuyển giao công nghệ hiệu quả. Hàn Quốc cam kết hỗ trợ Quỹ Tài chính xanh xúc tác ASEAN (ACGF), một sáng kiến nhằm góp phần hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng bền vững tại các quốc gia Ðông Nam Á. ASEAN và Hàn Quốc cũng đang lên kế hoạch tổ chức Ðối thoại carbon ASEAN-Hàn Quốc nhằm tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm giữa các bên liên quan về việc định giá carbon thời gian tới.

Kể từ những ngày đầu nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã nâng cao các tham vọng của Mỹ, nền kinh tế số 1 và là nước phát thải lớn thứ 2 thế giới. Trong tài liệu trình Liên hợp quốc theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Mỹ cam kết đến năm 2030 sẽ giảm từ 50-52% lượng khí thải so mức năm 2005. Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây nhấn mạnh, Mỹ cam kết tận dụng thời cơ hiện nay và làm mọi điều có thể, cả trong nước và quốc tế, nhằm bảo đảm không để thập niên mang tính quyết định trong cuộc chiến bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, trôi qua vô ích.

Giới chuyên gia dự báo, "nền kinh tế biển xanh" sẽ sớm định hình tương lai của các đại dương ở Canada, quốc gia có đường bờ biển dài nhất thế giới. Thuật ngữ "nền kinh tế biển xanh" lần đầu được các đảo quốc như Fiji, Bahamas... ủng hộ để mang lại nhiều lợi ích hơn từ các ngành kinh tế biển. Phát triển nền kinh tế biển xanh có nghĩa là thiết lập các không gian đại dương và các ngành công nghiệp công bằng về mặt xã hội, bền vững với môi trường và đem lại lợi nhuận kinh tế.

Tại châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) cũng mới thông qua gói hỗ trợ 2,98 tỷ USD dành riêng cho Ðức nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành năng lượng tái tạo, qua đó bảo đảm Berlin và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đạt các mục tiêu về biến đổi khí hậu. Gói hỗ trợ này sẽ giúp phát triển ngành năng lượng xanh theo kế hoạch của Chính phủ Ðức đến năm 2028 sẽ đưa vào vận hành hệ thống mạng lưới năng lượng sử dụng để đun nấu hay sưởi ấm dựa trên ít nhất 75% năng lượng sạch.

Chiến lược chuyển đổi xanh, hành động vì khí hậu riêng rẽ của từng nước đều đầy tham vọng. Song, các nhà hoạt động vì môi trường cho rằng, vẫn tồn tại "khoảng trống" trong việc cung cấp tài chính cho các nước dễ bị tổn thương để giúp các quốc gia cùng ứng phó biến đổi khí hậu. Năm 2009, các nước phát triển cam kết đến năm 2020 đóng góp 100 tỷ USD/năm để hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương do tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Tuy nhiên, cho đến nay, cam kết này vẫn chưa được các nước giàu đáp ứng. Hội nghị khí hậu định kỳ giữa năm của Liên hợp quốc kết thúc mà không đạt được tiến bộ thực chất về cắt giảm khí nhà kính và các mục tiêu thích ứng biến đổi khí hậu, để lại một "núi công việc" trước thềm Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), dự kiến diễn ra tại Ai Cập tháng 11 tới.