Tư vấn đối thoại

Mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tối đa bằng 20 lần mức lương cơ sở

Công ty tôi mới thành lập, là loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn, mức lương của người quản lý như giám đốc khá cao (khoảng 40 triệu đồng). Xin hỏi, công ty tôi có phải đóng bảo hiểm xã hội cho giám đốc và có thể đóng theo mức lương này không? - Nguyễn Thị Hải Vân (Hà Nội)

0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh minh họa: Báo Chính phủ)
(Ảnh minh họa: Báo Chính phủ)

Trả lời:

Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên và người quản lý doanh nghiệp là giám đốc doanh nghiệp có hưởng tiền lương thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.

Đối với người quản lý doanh nghiệp là tiền lương do doanh nghiệp quyết định; trường hợp mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bằng 20 lần mức lương cơ sở (mức lương cơ sở hiện tại là 1.490.000 đồng).

Tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục: Quyền lợi thế nào?

Người tham gia bảo hiểm y tế liên tục từ 5 năm trở lên được hưởng ưu đãi gì? Thời gian tham gia này được xác định như thế nào?

Phạm Văn Nam (Ninh Bình)

Trả lời:

Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến) thì sẽ được quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 12 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế: Thời gian tham gia bảo hiểm y tế liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ bảo hiểm y tế lần sau nối tiếp lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 3 tháng.

Nghị định 146/2018 cũng hướng dẫn cụ thể một số trường hợp như sau:

- Người được cơ quan có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, làm việc hoặc theo chế độ phu nhân, phu quân hoặc con đẻ, con nuôi hợp pháp dưới 18 tuổi đi theo bố hoặc mẹ công tác nhiệm kỳ tại cơ quan Việt Nam ở nước ngoài thì thời gian ở nước ngoài được tính là thời gian tham gia bảo hiểm y tế.

- Người lao động khi đi lao động ở nước ngoài thì thời gian đã tham gia bảo hiểm y tế trước khi đi lao động ở nước ngoài được tính là thời gian đã tham gia bảo hiểm y tế nếu tham gia bảo hiểm y tế khi về nước trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

- Người lao động trong thời gian làm thủ tục chờ hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm thì thời gian đã tham gia bảo hiểm y tế trước đó được tính là thời gian đã tham gia bảo hiểm y tế.

- Đối tượng quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế khi nghỉ hưu, xuất ngũ, chuyển ngành hoặc thôi việc, nếu thời gian học tập, công tác trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và tổ chức cơ yếu chưa tham gia bảo hiểm y tế thì thời gian đó được tính là thời gian tham gia bảo hiểm y tế liên tục.