Hỏi: Tôi là người được thi hành án dân sự (THADS), nghe nói nếu làm đơn yêu cầu THA tại cơ quan THADS thì phải nộp phí THA, nhưng có thể được xét miễn, giảm phí THA ở mức nhất định. Vậy mức miễn, giảm phí THA như thế nào?
Trả lời: Nếu chị không thuộc đối tượng không phải nộp phí THADS, thì phải chịu phí THA trên số tiền, tài sản thực nhận trong trường hợp chị làm đơn yêu cầu cơ quan THADS thi hành. Tuy nhiên, chị có thể được miễn, giảm phí THA nếu thuộc trường hợp do pháp luật quy định. Mức miễn, giảm phí THADS được xác định là miễn 100%, giảm 50% theo quy định tại Mục III Thông tư liên tịch số 43/2006/TTLT-BTC-BTP ngày 19-5-2006 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp, cụ thể là:
- Giảm 50% phí THA đối với người được THA là người có khó khăn về kinh tế (thuộc chuẩn nghèo theo quy định tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 8-7-2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006-2010).
Miễn phí THA đối với người được THA là người thuộc diện gia đình chính sách, có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh "Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng" và các văn bản hướng dẫn thi hành; là người thuộc diện neo đơn, tàn tật, ốm đau kéo dài.
Để được miễn, giảm phí THA thì đương sự phải làm đơn đề nghị được miễn, giảm phí THA (kèm theo các tài liệu liên quan nếu có) có xác nhận của một trong những cơ quan, đơn vị là UBND cấp xã, cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú, sinh sống, làm việc hoặc có xác nhận của bệnh viện, cơ quan y tế cấp huyện trở lên đối với trường hợp ốm đau kéo dài, nộp cho cơ quan thu phí (cơ quan THADS).
...............................................
Những trường hợp được coi là đã bị xử lý kỷ luật về hành vi rời bỏ hàng ngũ quân đội
Hỏi: Tại điều 325 của BLHS về tội đào ngũ có quy định: Người nào rời bỏ hàng ngũ quân đội nhằm trốn tránh nghĩa vụ đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm. Vậy đề nghị cho biết những trường hợp nào thì được coi là đã bị xử lý kỷ luật về hành vi rời bỏ hàng ngũ quân đội?.
Trả lời: Theo quy định tại tiết a, 1 mục a điểm 1 Phần III Thông tư liên tịch số 01/2003/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP-BQP ngày 11-8-2003 của TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng "hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XXIII "các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân" của BLHS năm 1999", thì coi là đã bị xử lý kỷ luật về hành vi rời bỏ quân đội nhằm trốn tránh nghĩa vụ mà còn vi phạm trong các trường hợp sau đây:
- Đã bị xử lý bằng một trong các hình thức xử lý theo quy định của Điều lệnh quản lý bộ đội về hành vi đào ngũ và chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử lý. Đối với các trường hợp bị xử lý mà chưa có quy định về thời hạn để hết thời hạn đó, người bị xử lý được coi là chưa bị xử lý, thì thời hạn đó là một năm, kể từ ngày bị xử lý. Nếu trong quyết định xử phạt của người có thẩm quyền không ghi rõ lý do thì trước khi khởi tố vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành xác minh lý do cụ thể của quyết định kỷ luật. Việc xác minh này phải được lập thành văn bản để làm cơ sở cho việc xem xét truy cứu hay không truy cứu trách nhiêm hình sự;
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đào ngũ bằng một trong những hình thức được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng và chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính.
...............................................
Đối tượng được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng
Hỏi: Tại điểm c khoản 1 Điều 610 Bộ luật Dân sự quy định thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng. Vậy đề nghị cho biết những đối tượng nào được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng theo quy định của pháp luật?
Trả lời: Theo điểm b tiểu mục 2.3 mục 2 Phần II Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8-7-2006 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC "Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng", thì đối tượng được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng như sau:
- Vợ hoặc chồng không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và được chồng hoặc vợ là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng;
- Con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà cha, mẹ là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng;
- Cha, mẹ là người không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà con là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
- Vợ hoặc chồng sau khi ly hôn đang được bên kia (chồng hoặc vợ trước khi ly hôn) là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
- Con chưa thành niên hoặc con đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi dưỡng là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
- Em chưa thành niên không có tài sản để tự nuôi mình hoặc em đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có khả năng lao động không có tài sản để cấp dưỡng cho con được anh, chị đã thành niên không sống chung với em là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
- Anh, chị không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà em đã thành niên không sống chung với anh, chị là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
- Cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không còn người khác cấp dưỡng mà ông bà nội, ông bà ngoại không sống chung với cháu là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
- Ông bà nội, ông bà ngoại không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người khác cấp dưỡng mà cháu đã thành niên không sống chung với ông bà nội, ông bà ngoại là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
...............................................
Được áp dụng khi nào?
Hỏi: Tại điểm b, điểm h Điều 48 của BLHS năm 1999 quy định: Phạm tội với người già và phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Vậy các tình tiết này được áp dụng khi nào?
Trả lời: Điểm 2.4 mục 2 của Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12-5-2006 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS quy định "Người già được xác định là người từ 70 tuổi trở lên". Theo đó, để áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự này đối với bị cáo thì trường hợp này người bị hại phải là người từ 70 tuổi trở lên.
Căn cứ điểm 5.1 mục 5 của Nghị quyết này thì chỉ áp dụng tình tiết "phạm tội có tính chất chuyên nghiệp" khi có đầy đủ các điều kiện sau đây: Cố ý phạm tội từ 5 lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích, người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.
Ví dụ: A là một người không nghề nghiệp, chuyên sống bằng nguồn thu nhập từ việc phạm tội. Trong một thời gian, A liên tiếp thực hiện 5 vụ trộm cắp tài sản (tài sản chiếm đoạt được trong mỗi vụ có giá trị từ 500.000 đồng trở lên). Trong trường hợp này, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bị áp dụng tình tiết "phạm tội có tính chất chuyên nghiệp".