Mùa “vàng trắng” ở Ninh Thuận

Trong những ngày tháng 5, nhiệt độ tại Ninh Thuận tăng rất cao và tạo nên sự khác biệt cho vùng đất này, đó là, hễ trời càng nắng nóng thì diêm dân càng phấn khởi vì muối kết tinh đạt sản lượng cao và bán được giá tốt.
0:00 / 0:00
0:00
Diêm dân huyện Ninh Hải cào muối giữa trời nắng nóng, nhiệt độ gần 38OC.
Diêm dân huyện Ninh Hải cào muối giữa trời nắng nóng, nhiệt độ gần 38OC.

Những ngày này, diêm dân huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) cần mẫn trên hàng trăm héc-ta ruộng muối đã kết tinh trắng như tuyết. Những hạt muối đủ kích thước, muôn hình dáng… kết dính chặt vào nhau tựa như tấm kính khổng lồ được đặt trên mặt đất, sáng lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời. Hơi nóng hầm hập cùng vị mặn chát của nước biển bốc lên từ những ruộng muối, làm cho nhiều người cảm thấy khó thở.

Sau hai giờ cào muối giữa trời nắng nóng với nhiệt độ lên đến 38oC, diêm dân Phan Văn Niên ở thôn Khánh Nhơn 2, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải dừng tay, uống vội ly nước đá để giải nhiệt. Chiếc áo mặc trên người anh ướt đẫm như vừa đi dưới mưa.

Anh Niên bộc bạch: “Hiện, muối kết tinh trên nền ruộng có trải bạt ni-lông giá từ 900.000 đến 1 triệu đồng/tấn, còn muối kết tinh theo cách làm nền đất truyền thống giá từ 800.000 đến 900.000 đồng/tấn. Sau khi trừ các chi phí, diêm dân lãi kha khá, nên mọi người rất phấn khởi”.

Chúng tôi đi dọc theo những ruộng muối trắng tinh nối tiếp nhau ở một vùng nằm ven biển Ninh Chử, chứng kiến cảnh hàng trăm diêm dân tất bật cào muối không ngơi tay, nói cười vui vẻ giữa trời nắng nóng. Nhiều ruộng muối được cào, vun lại thành đống, xếp hàng nhấp nhô, trải dài hàng ki-lô-mét, tạo nên bức tranh “hoa biển” độc đáo.

Anh Nguyễn Minh Phát ở xã Tri Hải chia sẻ: “Hai năm gần đây, thời tiết rất thuận lợi cho việc nước biển bốc hơi nhanh khi được bơm vào phơi trong ruộng, nhờ đó, thời gian thu hoạch muối sau mỗi lượt cào được rút ngắn cả chục ngày so với mấy năm trước. Cùng với đó, năng suất cao và bán giá tốt, nên đời sống người dân được cải thiện”.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Hải Trần Hữu Nhân cho biết, toàn huyện có khoảng

652 ha ruộng làm muối, tập trung tại các xã Khánh Hải, Tri Hải, Phương Hải và Nhơn Hải. Trong đó, diện tích ruộng muối áp dụng công nghệ trải bạt ni-lông là

72 ha, diện tích còn lại sản xuất theo cách truyền thống. Từ đầu năm 2024 đến nay, sản lượng thu hoạch đạt khoảng 66.700 tấn. Toàn bộ muối được các thương lái tại địa phương thu mua.

Để có được một mẻ muối hoàn chỉnh, diêm dân phải trải qua nhiều công đoạn sản xuất nhọc nhằn. Đối với những ruộng làm muối theo cách truyền thống, trước tiên, diêm dân làm “da đất” bằng cách đổ đất cát có pha đất sét vào ruộng rồi đầm nén nền ruộng để đất kết dính như chiếc bọc kín, ngăn nước biển khi được bơm vào không bị thấm xuống đất, làm thất thoát nước biển và bốc hơi chậm, khiến hạt muối kết tinh chậm, độ mặn giảm.

Còn đối với ruộng muối áp dụng công nghệ trải bạt ni-lông (bình quân đầu tư gần 1 tỷ đồng/ha) thì diêm dân không phải lo lắng chuyện nước biển sau khi bơm vào ruộng sẽ bị thấm xuống đất, hao hụt. Nhờ công nghệ này, phần “da đất” không bị rò rỉ, ruộng bốc hơi nhanh, cho sản lượng kết tinh cao, độ mặn đạt tuyệt đối.

Mùa vụ muối hằng năm bắt đầu từ giữa tháng 12 năm trước đến tháng 8 hoặc tháng 9 năm sau. Quá trình bốc hơi nước biển từ khi được bơm vào ruộng nhanh hay chậm luôn phụ thuộc vào thời tiết. Nếu trời nắng nóng, nước biển trong ruộng sẽ bốc hơi nhanh, dẫn đến thời gian kết tinh nhanh, hạt muối trắng tinh, rất đẹp (cứ cách 10 ngày, diêm dân thu hoạch một lần xuyên suốt cả mùa vụ).

Nếu trời mưa kéo dài vài ngày sẽ khiến nước mưa và nước biển trong ruộng trung hòa thì ruộng muối bị hư hoàn toàn, diêm dân phải làm lại từ đầu. Với sự khác biệt mà thiên nhiên ban tặng, nên từ bao đời nay, nghề làm muối trên vùng đất huyện Ninh Hải được bảo tồn, lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nghề muối trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống người dân nơi đây.

Cảm nhận trước đó của chúng tôi về sự khắc nghiệt của thời tiết khiến diêm dân luôn chật vật khi làm muối đã tan biến, bởi chúng tôi hiểu, chính nắng nóng của mặt trời soi rọi, gió biển thổi dồn dập mỗi ngày đã giúp hàng trăm héc-ta ruộng bơm đầy nước biển sớm bốc hơi, để cho phần mặn còn lại của biển kết tinh thành “vàng trắng”, từng ngày mang lại cho diêm dân đời sống đỡ khó khăn hơn.