Mùa tri ân

Trong veo một ánh mắt cười của em nhỏ, đưa ta bước vào thế giới của những hồn nhiên ngây thơ. Tôi phải lòng những ánh mắt trong veo ấy, để rồi đắm đuối với nghề, trở thành một cô giáo tiểu học trường làng.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh tri ân cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. (Ảnh THU NGA)
Học sinh tri ân cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. (Ảnh THU NGA)

Có người bảo tôi không hợp nghề giáo vì tính cách tôi mạnh mẽ và sôi nổi. Có người nghĩ tôi không kiên trì được với những con chữ nắn nót trên bảng đen, hay những câu ngô nghê, ngọng nghịu của học trò. Mà tôi, hết thảy vì yêu những cặp mắt tròn xoe long lanh, yêu câu chào và nụ cười rạng rỡ của các em, đã có thể vượt qua những ngày chập chững vào nghề, trở thành cô giáo “sắp già” của hôm nay.

Chiều vòng qua con phố quen, nhìn thấy họa mi dịu dàng trên phố, chợt nhớ đến món quà 20/11 từ tháng lương đầu tiên của cậu trò nhỏ ngày nào. Thật lâu rồi chẳng gặp em, chỉ thi thoảng nhận được đôi dòng tin nhắn. Những lần như thế, tôi lại được em tiếp thêm sức mạnh, để giữa những chênh chao của nghề, tôi vẫn thấy mình tin vào sứ mệnh lớn lao mà cuộc đời này trao tặng, vẫn thấy mình may mắn khi chọn nghề giáo viên.

Gần hai mươi năm dạy học, tôi cũng đi qua nhiều mùa tri ân. Mỗi một ngày 20/11 đều để lại cho tôi thật nhiều xúc cảm. Tôi không bao giờ quên món quà của người phụ nữ khắc khổ, xách vội vàng một túi khoai lang thật lớn, đứng mãi ngoài cửa lớp. Bố, mẹ học trò tôi không còn nữa, bà loay hoay với cháu mới bước vào lớp 1. Nghe người ta bảo cứ gửi gắm con cho cô giáo chủ nhiệm là tôi, cô sẽ quan tâm, thì bà bớt lo. Tôi nhìn khuôn mặt nhăn nheo của bà, thương và nhớ mãi đến tận bây giờ. Giờ tôi chuyển về trường mới, thi thoảng gặp lại bà, vẫn được bà kéo lại để kể về thằng cháu trai đã lớn, giờ đi làm, đã có bạn gái.

Học trò từng lớp, từng lớp trưởng thành. Mỗi ngày cứ đến hẹn lại có những đứa trở về thăm cô, kể cho cô xem đứa nào có bạn gái, đứa nào đỗ đại học, đứa nào đi làm, hay đi bộ đội.

Mùa tri ân năm nay rộn ràng hơn. Mấy ngày này lên chương trình để chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngồi viết tên các thầy cô về hưu để mời thầy cô trở lại thăm trường, lòng chợt thấy nhiều hoài niệm.

Nghề làm thầy gian nan, vất vả, nhưng chẳng nghề nào có được những yêu thương, sẻ chia nhiều như nghề nhà giáo. Cái nghề mà bây giờ nhiều người không chịu nổi áp lực và buông tay từ bỏ. Thế nhưng, ai đã yêu rồi thì thiết tha cả đời không buông tay được. Giống như các thầy, cô giáo nghỉ hưu nhiều lần tôi đã gặp trong những ngày 20/11 ở trường mình, gần 80 tuổi đời, vẫn một ánh mắt như thế, vẫn nụ cười rạng rỡ ấy mỗi khi nhìn thấy con trẻ. Tôi vẫn tìm thấy trong câu chuyện của họ, những bài học về đời gieo trồng con chữ.

Tôi vẫn còn đứng trên bục giảng và còn yêu phấn trắng, bảng đen, yêu tiếng cười hồn nhiên ngây thơ của các em. Giống như lúc ban chiều, đứng dưới sân khấu để duyệt các tiết mục văn nghệ, thấy những bé con say sưa tập múa, tập nhảy để biểu diễn trong buổi lễ kỷ niệm sắp tới, tự nhiên thấy lòng dâng lên một nỗi bồi hồi.

Hai mươi năm của tôi, và bốn mươi năm của thật nhiều nhà giáo, bao nhiêu thăng trầm của đời, của nghề, càng đòi hỏi người ta vững bước mới có thể tiến xa hơn nữa vì những ngày mai. Xin được giãi bày một chút lòng mình trước một ngày nhiều xúc cảm nhất trong năm. Chúc cho tất cả các thầy cô, các đồng nghiệp có thật nhiều sức khỏe, niềm tin và nhiệt huyết để còn dâng hiến cho đời sự nghiệp trồng người.