Hàng nghìn ha lúa bị nhấn chìm trong nước lũ
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, đến chiều 31/7, trên địa bàn các huyện các huyện Lắk, Krông Ana, Ea Súp, Krông Bông đã có 2.440ha cây trồng bị ngập, trong đó lúa 2.256ha; ngô 95,5ha; điều 42,5ha; đậu đỗ các loại 46ha và hư hỏng một số công trình cơ sở hạ tầng.
Cụ thể, tại huyện Ea Súp, đến nay đã có khoảng 1.462 ha cây trồng các loại bị ngập, trong đó tại xã Ea Lê có khoảng 10ha ngô, 200ha lúa; xã Ea Rốk có 695,5ha lúa, 85,5ha ngô, 42,5ha điều, 46 ha đậu và 0,8ha mặt ao nuôi cá bị ngập… Hiện một số diện tích đang ngập sâu, chưa được thống kê.
Đặc biệt tại xã Ea Rốk, một số nhà dân bị ngập khoảng 20-30cm, nếu trong những ngày tới nước lũ tiếp tục dâng cao thì chính quyền địa phương sẽ di dời các hộ dân bị ngập đến nơi khô ráo, bảo đảm an toàn tính mạng và của cải của nhân dân.
Không chỉ gây thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, mưa lũ còn gây ngập một số điểm giao thông tại Quốc lộ 14C từ xã biên giới Ia R’vê đi Ia Lốp, huyện Ea Súp. Ngoài ra, còn một số điểm trên các tuyến đường liên xã bị ngập từ 10-20cm. Hiện nay nước đang có xu hướng xuống chậm, các phương tiện đã lưu thông được.
Bên cạnh đó, mưa lũ làm hư hỏng khoảng 2km đường kênh N12, thuộc kênh Chính Tây hồ chứa nước Ea Súp thượng, trong đó bị vỡ 1 đoạn tại K13+300…
Tại huyện Lắk, từ ngày 26 đến 30/7, trên địa bàn huyện có mưa to trong nhiều giờ và nước từ các lưu vực sông, suối đổ về khiến nước sông Krông Na dâng cao gây ngập lụt trên diện rộng tại các vùng sản xuất lúa vụ Hè Thu năm 2023 của huyện, đặc biệt là tại 3 xã Đắk Liêng, Buôn Tría và Buôn Triết.
Nước lũ từ sông Krông Na tràn bờ vào đồng ruộng gây ngập lụt hàng trăm ha lúa của người dân ở xã Buôn Triết, huyện Lắk. |
Cụ thể đến chiều 31/7, trên địa bàn toàn huyện đã có 1.475ha lúa Hè Thu đang trong giai đoạn làm đòng bị ngập, trong đó tại xã Buôn Triết có 872ha; xã Đắk Liêng có 350ha; xã Buôn Tría có 172ha; xã Đắk Nuê có 25ha; thị trấn Liêng Sơn có 26ha; xã Bông Krang có 20ha… Ngoài ra, mưa lũ còn sập nhà của ông Y Quang Tơr ở buôn Yuk, xã Đắk Liêng.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lắk Nguyễn Viết Quang cho biết: Hiện nay trên địa bàn huyện vẫn còn mưa to kéo dài, mực nước các suối đổ về rất lớn khiến mực nước sông Krông Na dâng cao làm khoảng 30m bờ sông xã Buôn Triết bị tràn bờ, gây ngập lụt hàng trăm ha lúa nước của người dân địa phương. Ngay khi xảy ra sự cố, địa phương đã huy động lực lượng xung kích, vật tư, phương tiện tại chỗ đắp bờ, khắc phục sự cố. Dự báo trong thời gian tới diện tích lúa vụ Hè Thu tiếp tục bị ngập lụt trên diện rộng, đặc biệt tại 3 xã Đắk Liêng, Buôn Tría, Buôn Triết…
Một số tuyến đường giao thông nông thôn ở huyện Lắk bị ngập lụt. |
Mưa lớn kéo dài trong những ngày qua khiến nước sông Krông Na dâng cao làm ngập lụt gần 200ha lúa nước trên địa bàn huyện Krông Ana, tập trung chủ yếu ở các xã Dur Kmăl, Bình Hòa.
Trên địa bàn huyện Krông Bông, đến chiều 31/7 đã có khoảng 148ha lúa bị ngập, trong đó xã Ea Trul 108ha và xã Yang Reh 40ha. Bên cạnh đó, mưa lũ còn làm ngập một số điểm trên các tuyến đường nội đồng. Hiện nay, các diện tích đang bị ngập, công tác thống kê, đánh giá đang được các địa phương thực hiện để xác định mức độ thiệt hại…
Chủ động ứng phó mưa lũ
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Đắk Lắk, trong những ngày tới, dự báo mưa lớn tiếp tục xảy ra, chủ yếu tập trung vào chiều và tối. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở bờ kè, các tuyến đường giao thông, ngập úng vùng trũng thấp ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và sản xuất nông nghiệp.
Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk Mai Trọng Dũng cho biết: Để chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai thường xảy ra, tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo chính quyền các địa phương, sở, ban, ngành triển khai phương án ứng phó thiên tai; tổ chức trực ban nghiêm túc, chủ động phương án sẵn sàng bảo đảm an toàn phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ trong các tình huống.
Nông dân huyện Lắk nỗ lực đắp cao bờ sông Krông Na ngăn nước lũ tràn vào đồng ruộng. |
Các địa phương trong tỉnh vận động nhân dân khắc phục khó khăn, ổn định tình hình để đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra, bảo vệ an toàn người và tài sản; phân công lực lượng chức năng trực, hướng dẫn không cho người dân qua lại các tuyến đường đang bị ngập nước.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lắk Nguyễn Viết Quang cho biết: Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, gây ngập lụt trên diện rộng, huyện sẽ tiếp tục đôn đốc, kiểm tra chế độ trực ban của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các xã để chỉ đạo công tác phòng, tránh và khắc phục thiên tai. Đồng thời, Ủy ban nhân dân các xã kịp thời vận động nhân dân khắc phục khó khăn, ổn định tình hình, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra; thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở nhân dân chú ý, bảo đảm cho người và tài sản, sẵn sàng phương án di dời các hộ dân ở vùng ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Ana Phạm Ngọc Hùng cho biết: Trước tình hình mưa lớn còn tiếp tục kéo dài, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đề nghị chính quyền các xã, thị trấn chỉ đạo các hợp tác xã, tổ hợp tác dùng nước trên địa bàn triển khai theo dõi sát sao diễn biến tình hình mưa lũ, đồng thời triển khai các biện pháp chống úng, tăng cường sử dụng máy bơm các loại để bơm nước chống úng cho các diện tích lúa, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra đối với sản xuất của người dân…
Đắk Lắk hiện đang bước vào mùa mưa lũ năm 2023 và dự báo tình hình thiên tai, lũ lụt năm nay sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt trong đợt mưa lũ đầu mùa này đã gây ngập lụt trên diện rộng. Vì vậy, để chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai thường xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh sẽ cập nhật tình hình diễn biến thời tiết, chủ động chuyển các bản tin cảnh báo đến các địa phương qua hệ thống tin nhắn SMS điều hành, trang thông tin điện tử, các nhóm Zalo để chủ động triển khai phương án ứng phó; tổng hợp báo cáo thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra…