Quả khóm ở đây trái không to như nhiều nơi khác (bình quân 1kg/trái), nhưng do thổ nhưỡng thích hợp, khóm ở đây ruột vàng sánh, nhiều nước, ngọt thanh và có hương vị đặc trưng. Nhờ vậy, người tiêu dùng ưa chuộng và thương hiệu khóm Đồng Din đã được khẳng định trên thị trường gần xa.
Rộn ràng mùa thu hoạch
Khóm Đồng Din (thị trấn Phú Hòa) nằm ven theo con suối Cái dài khoảng ba cây số, hai bên suối là những triền núi được người dân phát dọn để trồng. Con đường đất còn gồ ghề dốc đá dài chừng 15 km nối từ Quốc lộ 25 (Phú Yên - Gia Lai) dẫn vào Đồng Din những ngày này sôi động hẳn lên, bởi khóm đang mùa thu hoạch, từng đám khóm chín vàng tỏa hương thơm ngát trên các sườn đồi. Cảnh thu hoạch, mua bán cũng tấp nập diễn ra khắp mọi nơi, ngay sau khi khóm được thu hái khỏi vườn.
Đưa chúng tôi dạo một vòng thăm vườn khóm chín rộ cả một sườn đồi, ông Huỳnh Văn Hương, một trong những người trồng khóm đầu tiên ở đây cho biết, giống khóm này ban đầu du nhập từ Đà Nẵng vào trồng, đã giúp gia đình ông từ nghèo khó, vươn lên làm giàu. Sau 14 năm tạo dựng, ông Hương hiện có 8 ha khóm đang cho thu hoạch. Cây khóm chỉ trồng một lần nhưng thu hoạch trong ba năm. Sau khi thu hoạch lứa đầu tiên, cứ khoảng bốn tháng sau là thu hoạch tiếp. Tính ra, chi phí đầu tư cho mỗi héc-ta khóm đến lúc thu hoạch là 70 triệu đồng. Hiện năng suất khóm Đồng Din đạt từ 25 tấn đến 30 tấn/ha/năm. Thu nhập 170 triệu đồng/ha, tính trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông Hương có lãi vài trăm triệu đồng.
Hỏi về kỹ thuật trồng khóm cho năng suất, chất lượng cao, ông Hương bộc bạch: “Không hiểu sao ở đây đất sỏi đá, dốc cao, chỉ ăn nước trời, nhưng lại rất hợp với cây khóm. Cùng giống khóm này, nếu đem trồng nơi khác thì trái khóm không thơm ngon như ở đây. Người mua cứ đến tận vườn, thu đến đâu bán đến đó, bà con chúng tôi cũng đỡ công vận chuyển, có thêm thu nhập”. Đúng như lời ông Hương nói, khóm Đồng Din đến vụ, chờ quả chín vàng trên cây mới thu hoạch. Thu hoạch đến đâu, bán hết đến đấy, người mua mang đi tiêu thụ ngay nên khóm bảo đảm chất lượng, giữ được thương hiệu.
Tiếp chuyện chúng tôi trong lúc tất bật phân loại khóm vừa mang về từ sườn núi phía sau nhà, bà Võ Thị Diễm, thị trấn Phú Hòa phấn khởi nói: “Khóm ở đây là khóm sạch vì bà con chúng tôi không sử dụng thuốc từ khi trồng, chăm bón đến khi thu hoạch. Mỗi ngày, vườn nhà tôi thu bình quân ba trăm đến bốn trăm trái, trái nào chín thì thu trước, trái nào xanh thì từ từ”.
Việc mua bán khóm ở Đồng Din cũng rất khác mọi nơi. Khóm sau khi thu hoạch được chủ vườn phân ba loại: trái lớn, tương đương khoảng 1 kg, trái trung trọng lượng nhỏ hơn và còn lại là trái đẹt (trái nhỏ). Sau đó từng loại cứ đếm đủ 12 trái cho vào một túi nylon. Người mua chỉ việc đếm đầu túi nylon rồi trả tiền mà không cân ký. Vụ này, khóm Đồng Din bán với giá 100.000 đồng/túi (trái lớn). Toàn bộ khóm ở Đồng Din đều do thương lái trực tiếp đến mua và vận chuyển bán ra ngoài tỉnh như Quy Nhơn, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh, Gia Lai... Mùa nắng, giá khóm luôn cao hơn các mùa khác do nhu cầu tiêu thụ nhiều.
Ngoài bán trái, người trồng khóm còn thu hoạch cây giống để bán ra ngoài địa phương. Bà Võ Thị Kim Loan cho biết: “Hiện nay, bán cây giống giá 600 nghìn đồng một thiên (1.000 cây). Khóm ở đây ngon nên nhiều người ở trong tỉnh đến mua cây con cũng nhiều lắm. Một bụi khóm sau khi ra trái tơ thì mỗi bụi lại nảy thêm nhiều cây con. Cho nên, khi thu hoạch trái mình cắt luôn cây con, chỉ chừa mỗi bụi tối đa ba cây con thôi vì nếu để cây con nhiều thì trái sẽ nhỏ, hơn nữa bán cây con có thêm thu nhập”.
Do điều kiện cây khóm Đồng Din hầu hết đều trồng trên đất có triền dốc cao, để tiện cho việc vận chuyển sản phẩm khi thu hoạch, bà con sáng chế ra hệ thống ròng rọc, với các dây tời dài hàng trăm mét nối từ trên các sườn núi xuống thấp. Nhờ thế, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch mùa vụ và giải phóng sức lao động cho người trồng. Phải chăng đây cũng là nét độc đáo riêng trên vùng đất nghèo, góp phần tạo nên thương hiệu khóm Đồng Din.
Phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa
Lâu nay, khóm Đồng Din được bà con sản xuất theo kiểu tự cung tự tiêu, bán cho các thương lái xa gần. Trước đây, vùng đất này là rừng đồi hoang hóa, chỉ có một số ít hộ đến khai phá trồng rừng keo, bạch đàn, nhưng nay nhường chỗ cho cây khóm. Vùng trồng khóm lúc đầu chỉ ở Đồng Din với diện tích vài héc-ta, nay được mở rộng hơn 300 ha với gần 200 hộ có thu nhập ổn định.
Theo ông Lê Ngọc Tính, Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa, khóm Đồng Din đã có thương hiệu, được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận. Do thổ nhưỡng đất đai và khí hậu nên khóm rất có chất lượng được thị trường trong nước ưa chuộng. Tuy vậy, lâu nay bà con sử dụng giống chủ yếu tự phát. Hướng đến, huyện sẽ ưu tiên bố trí nguồn kinh phí của địa phương và phối hợp với đơn vị liên quan thay đổi bộ giống để chống sâu bệnh. Khi dự án này được các cơ quan chức năng thẩm định, huyện sẽ đưa công nghệ vào sản xuất để khóm vừa sạch, vừa chất lượng hơn, làm tốt sản phẩm đầu ra.
Hiện năng suất khóm Đồng Din đạt từ 25 tấn đến 30 tấn/ha/năm. Diện tích trồng tập trung ở vùng đất này còn có khả năng mở rộng lên khoảng 600ha. Khóm Đồng Din trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu. Huyện Phú Hòa đang lập dự án mở rộng diện tích, kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng cơ sở chế biến để bảo đảm ổn định đầu ra; hình thành vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung công nghệ cao, tăng giá thành sản phẩm và thu nhập cho nông dân.
“Khóm Đồng Din hiện nay chủ yếu được trồng ở các triền đồi thuộc đất lâm nghiệp. Muốn chuyển đổi mục đích để bà con sản xuất lâu dài, ổn định và mở rộng diện tích phục vụ dự án, chúng tôi rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các sở, ngành liên quan, đặc biệt là Sở NN-PTNT cùng với huyện khảo sát, quy hoạch vùng nguyên liệu; đồng thời hạn chế việc phá rừng trồng để trồng khóm, ảnh đến môi trường và độ che phủ rừng”, ông Tính cho biết thêm.
Với những định hướng phát triển vùng trồng khóm theo sản xuất hàng hóa, người nông dân ở đây sẽ có thu nhập cao và ổn định. Đây cũng là một trong những cây trồng chính đạt giá trị sản xuất bình quân 150 triệu đồng/ha, vượt 40 triệu đồng/ha so Nghị quyết của Tỉnh ủy Phú Yên đến năm 2020. Cùng với đó, tỉnh Phú Yên còn có thêm một sản phẩm nông nghiệp thương hiệu mang tính chủ lực, tạo đòn bẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách bền vững, hiệu quả.
Rộn ràng mua bán khóm Đồng Din mùa chính vụ.