Mặc dù con số này thấp hơn mức tăng 115,9% trong tháng 2/2021, nhưng đã tiệm cận các mốc từng ghi nhận trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát và cho thấy triển vọng phục hồi của ngành hàng không trước một mùa hè sôi động.
Trong bức tranh toàn cảnh của ngành hàng không thế giới, châu Á-Thái Bình Dương chứng kiến sự nhộn nhịp trở lại khi lưu lượng vận tải hành khách trong tháng 3 vừa qua của các hãng hàng không khu vực tăng 197,1% so cùng kỳ năm 2021. Tại 14 thị trường châu Á-Thái Bình Dương trọng điểm, sức chứa trên các chuyến bay thời gian tới dự báo có thể sẽ tăng trung bình 96% so với năm 2021.
Thái Lan sẽ là quốc gia ghi nhận mức tăng mạnh nhất, với số ghế trên các chuyến quốc tế dự kiến tăng 186%, lên 850.000 chỗ ngồi. Thai Airways là hãng hàng không tăng năng lực phục vụ thêm nhiều khách hàng nhất. Theo sau sẽ là Singapore, với mức tăng khoảng 176%, lên 1,4 triệu ghế. Trong khi đó, hãng hàng không giá rẻ LCC Scoot dự kiến tăng bốn lần sức chứa so với tháng 4/2021.
Tại châu Âu, hãng hàng không quốc gia Đức-Lufthansa thông báo mức lỗ ròng trong quý đầu của năm 2022 đã giảm và dự báo lượng khách sẽ tăng khi nhu cầu đi lại phục hồi sau đại dịch. Khoản lỗ ròng của tập đoàn hàng không lớn nhất châu Âu này trong ba tháng đầu năm 2022 là 584 triệu euro, giảm so với con số 1 tỷ euro cùng kỳ năm 2021. Lượng hành khách trên các chuyến bay của Lufthansa đạt 13 triệu lượt người trong quý I/2022, tăng hơn gấp bốn lần so với quý I/2021, thời điểm các biện pháp hạn chế để chống dịch vẫn được áp dụng nghiêm ngặt ở nhiều nước. Giám đốc điều hành (CEO) Lufthansa, ông Carsten Spohr (C.Xpo) cho biết, với nhu cầu gia tăng mạnh mẽ và khác thường, dự báo lượng du khách đi nghỉ hè sẽ đông hơn bao giờ hết.
Lufthansa trong năm nay dự kiến cung cấp khoảng 75% công suất vận hành của hãng so mức trước đại dịch. Về vận tải hàng hóa, Lufthansa đã đạt kết quả kỷ lục trong quý đầu năm nay, với lợi nhuận kinh doanh đạt 495 triệu euro, tăng mạnh so mức 315 triệu euro trong quý đầu năm 2021.
Hãng hàng không Air Canada vừa công bố kết quả tài chính của quý I/2022 với doanh thu đạt 2,6 tỷ CAD (hơn 2 tỷ USD), tăng mạnh so mức 729 triệu CAD cùng kỳ năm 2021. Kết quả này có được nhờ hoạt động đi lại bằng đường không có xu hướng phục hồi. Theo ông Michael Rousseau (M.Ru-xô), Giám đốc điều hành của Air Canada, các biện pháp hạn chế để kiểm soát sự lây lan của biến thể Omicron đã làm giảm nhu cầu trong tháng 1/2022, nhưng doanh số bán được cải thiện khi các yêu cầu về vắc-xin và xét nghiệm được nới lỏng trong tháng 2 và tháng 3.
Ông Rousseau nhấn mạnh: “Doanh thu của Air Canada đang tăng lên, mạng lưới của hãng đang được khôi phục và tài chính của chúng tôi, bao gồm khả năng thanh khoản, rất mạnh”. Đội ngũ nhân lực của Air Canada đã tăng lên hơn 27.000 người, so với 16.000 người một năm trước. Trong mùa hè này, Air Canada đang khôi phục 41 đường bay tại khu vực Bắc Mỹ mà hãng đã cắt giảm trong đại dịch, đồng thời triển khai bảy đường bay nội địa và xuyên biên giới mới.
Công ty dữ liệu du lịch OAG cho biết, tổng công suất hoạt động của các hãng hàng không tại Đông Nam Á trong tuần tính đến ngày 25/4 tăng 10,8% so với tuần trước đó. Tổng công suất khai thác các chuyến bay nội địa và quốc tế trên toàn cầu trong tuần tăng 3,3% lên 88,6 triệu chỗ ngồi, thấp hơn khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2019.
OAG dự báo công suất trong ba tháng tiếp theo sẽ tiến gần các mức của năm 2019, phản ánh niềm tin vào khả năng phục hồi của du lịch và hàng không. OAG nhấn mạnh: “Ngành hàng không thế giới vẫn còn một chặng đường dài và ngày càng khó khăn hơn để bật tăng trở lại mức công suất 109 triệu lượt khách/tuần của năm 2019. Tuy nhiên, phần lớn các thị trường có vẻ đang trở nên sôi động hơn so với năm 2021”.