"Mùa hè 2021 là những ngày tháng có ý nghĩa nhất”, đại diện cho đoàn 37 giảng viên, sinh viên Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam (trực thuộc Bộ Y tế) được cử đến chi viện cho Bắc Giang chống dịch tâm sự. Họ mang theo tinh thần thép, với một tên gọi rất thân thương “Biệt đội săn Covid VUTM” đến với tâm dịch Bắc Giang cuối tháng 5 vừa qua.
TS Trần Anh Tuấn, giảng viên bộ môn nội Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam (VUTM) cho biết, nhiệm vụ chính của đoàn là lấy mẫu xét nghiệm thực địa tại địa bàn huyện Việt Yên (nơi được xác định là vùng lõi dịch). Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng mà tất cả các bạn sinh viên không hề bỡ ngỡ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trong những ngày đầu đặt chân tới Bắc Giang, nền nhiệt độ gần 40 độ C chính là trở ngại lớn nhất đối với đoàn. Trong trang phục bảo hộ cấp 4, cấp 6, việc lấy mẫu ngoài trời cho người dân trong các khu phong tỏa, cộng đồng là vô cùng vất vả. Hiện tượng choáng váng vì sốc nhiệt là khó có thể tránh khỏi, nhưng tất cả luôn động viên nhau cố gắng vượt qua.
Những kỷ niệm đặc biệt trong những ngày hỗ trợ Bắc Giang chống dịch đã được chị Huỳnh Thị Hồng Nhung, giảng viên bộ môn Ngoại Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam lưu lại trên trang cá nhân: “Thầy trò chúng tôi đang sống những ngày tháng ý nghĩa nhất. Nơi đây, giữa mặt trận chống dịch sục sôi, ý chí can trường của đội ngũ y tế cả nước và của cả nhân dân Bắc Giang giúp chúng tôi có những ngày rực lửa nhất của cuộc đời. Và xin dành riêng cho “Biệt đột săn Covid VUTM” yêu thương niềm tự hào, cảm phục. Cảm phục vì các sinh viên đã không bị khuất phục bởi cái nắng hè gay gắt, của nhiều điều “khó nói” khi khoác lên người bộ bảo hộ cấp 4, của những ngày làm việc triền miên nhiều giờ đồng hồ…
Nhưng với chúng tôi “mệt chỉ là cảm giác” mà thôi. Chưa ai ốm đau, chưa ai ngất xỉu, bởi có lẽ tinh thần quả cảm của các chiến binh cũng như những sự động viên khích lệ và hành trang chuẩn bị chu đáo cả về cơ sở vật chất lẫn tinh thần mà nhà trường cùng các thầy cô trao cho chúng em trước khi lên đường vào tâm dịch. Có mỏi mệt, ngứa rát, đổ mồ hôi…. nhưng chúng ta vẫn đang kiểm soát rất tốt".
Kết quả của 14 ngày chi viện là đội ngũ 37 thầy trò Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam đã lấy được gần 21.000 mẫu (cả đơn lẫn gộp), góp phần quan trọng giúp địa bàn huyện Việt Yên nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung sớm khống chế và kiểm soát tốt dịch bệnh.
Tinh thần này cũng chính là tinh thần chung được lan tỏa từ nhiều đội chi viện từ các tỉnh Quảng Ninh, TP Hà Nội, Yên Bái, Lào Cai, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... chia sẻ trong nhiều qua tại, tại hai tâm dịch nóng nhất cả nước là Bắc Giang và Bắc Ninh.
Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho công nhân hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh là một trong chuỗi các hoạt động mà Bệnh viện Bạch Mai góp sức của mình cùng công cuộc chống giặc Covid-19 của cả nước. Ngày 1-6, giữa cái nóng 40°C oi nồng của miền Bắc, gần 350 sinh viên tình nguyện cùng các thầy cô Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai đã tiến thẳng vào tâm dịch Bắc Giang.
BSCKII Trương Thị Thu Hương, Hiệu phó Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai cho biết: “Đây là một vinh dự lớn cho nhà trường. Với lực lượng 1.000 chiến binh áo trắng, cô và trò chúng tôi sẵn sàng ra mặt trận chiến đấu với giặc vô hình SARS-CoV-2. Các em tràn đầy tinh thần trách nhiệm, khí thế cùng cả nước tham gia phòng, chống dịch”.
Một mảng rất quan trọng trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 là việc bảo đảm dinh dưỡng cho người bệnh. Là bác sĩ dinh dưỡng duy nhất của đoàn BV Trung ương Huế chi viện Bắc Giang, ThS, BS Nguyễn Trung Huy, Khoa dinh dưỡng, BV Trung ương Huế cho biết, công việc của anh là chăm lo chế độ dinh dưỡng ăn uống cho tất cả bệnh nhân trong bệnh viện, chế độ bệnh lý và đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó, tư vấn cho bệnh nhân về chế độ ăn bệnh lý, một số vấn đề thực phẩm và vẫn phải nhấn mạnh vệ sinh an toàn thực phẩm.
"Với các bệnh nhân Covid-19, nhiều nhóm giải pháp được thực hiện để giúp điều trị bệnh nhân trong đó dinh dưỡng là biện pháp quan trọng giúp cho người bệnh phục hồi, nâng cao thể trạng. Như BN 91 là điển hình trong kết hợp nhiều biện pháp từ nội khoa, hồi sức tích cực, nhiều chuyên khoa cùng phối hợp, trong đó dinh dưỡng đã đồng hành trong quá trình hồi phục của bệnh nhân này.
Thực tế, nếu bệnh nhân nặng chỉ điều trị bằng thuốc, không kết hợp tăng cường dinh dưỡng sẽ dễ dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng, suy kiệt, chậm phục hồi và kéo dài thời gian nằm viện. Do đó, các bệnh viện phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng lâm sàng giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi của người bệnh.
Do đặc thù của bệnh nhân này liên quan đến phổi nên chế độ khác với các bệnh khác. Chúng tôi luôn tính toán cẩn thận kcal/kg cân nặng bệnh nhân để tính năng lượng cần thiết. Từ đó cung cấp thực phẩm giàu năng lượng, đặc biệt là giàu đạm, các loại khoáng chất, vitamin…", BS Huy cho hay.
Được giao nhiệm vụ tham gia điều trị các ca bệnh nặng ở Trung tâm hồi sức tích cực tại BV Tâm thần Bắc Giang, BS Huy cho biết, cái khó của bộ phận dinh dưỡng là vấn đề nhân lực.
"Khoa Dinh dưỡng của Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang hầu như không có. Chúng tôi ra đây và gần như truyền lại tất cả những kiến thức, quy trình nấu súp, nấu cháo, vận chuyển thức ăn,... truyền đạt lại cho đội ngũ tại chỗ để trong thời gian tới họ có thể chủ động, sẵn sàng tiếp nhận chăm sóc bệnh nhân khi tất cả đội chi viện rút đi", BS Huy chia sẻ.
Tới thời điểm hiện tại, Bộ Y tế đã huy động hơn 2.500 nhân lực y tế hỗ trợ chống dịch tại Bắc Giang, đồng thời triển khai đồng loạt các giải pháp căn cứ vào diễn tiến của dịch. Hiện tình hình dịch ở Bắc Giang cơ bản đã được kiểm soát, khoanh vùng, khống chế và ghi nhận xu hướng ca mắc mới giảm mạnh.
Sự chi viện của Bộ Y tế cho Bắc Giang là nguồn sức mạnh tổng hợp để địa phương này chống chọi với một đợt dịch khốc liệt nhất từ trước đến nay. Và theo nhận định của Bộ Y tế, nếu tiếp tục kiểm soát tình hình tốt chỉ trong tháng 6, Bắc Giang có thể dập tắt được ổ dịch.