Múa đương đại hướng đến cộng đồng

Theo dõi kênh Youtube của Viện Goethe (Hà Nội) trong những ngày đầu tháng 8, công chúng được thưởng thức tác phẩm múa đương đại kết hợp diễn tấu âm nhạc mang tên “Cái Tổ” được sáng tác từ những cảm xúc trong đợt dịch Covid-19. Đây là sự kiện tiếp tục nối dài những hoạt động ý nghĩa do tổ chức “1648 kilomet” hoạt động vì nghệ thuật thực hiện.

Một cảnh dàn dựng trong vở diễn "Cái Tổ".
Một cảnh dàn dựng trong vở diễn "Cái Tổ".

Với thời lượng khoảng 50 phút, tác phẩm “Cái Tổ” đưa khán giả đến với không gian nghệ thuật của những động tác múa hình thể và âm nhạc theo kết cấu bốn phần: Đung đung đưa đưa - Bí mật bị giấu kín - Sàn diễn cuộc đời - Trong, ngoài một thể. Không gian ấy được kết nối, đan cài chằng chịt bởi những sợi dây, nơi có tình yêu, sự tự do, những điều thầm kín bện thành miền an trú trong tâm hồn. Ấy cũng là “cái tổ”, là ngôi nhà, nơi mỗi người bước ra ngoài và trở về…

Tác phẩm thu hút người xem bởi những chuyển động uyển chuyển, tinh tế của cơ thể trong sự biến hóa của ánh sáng và âm nhạc được biểu diễn trực tiếp. Để rồi từ đó chở đi thông điệp đầy nhân văn về sức mạnh gắn kết của gia đình, về những khoảng lắng bình yên của mỗi cá nhân trước một thế giới nhiều biến động. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, con người càng cần sống chậm lại bên nhau để tìm cách thích nghi, ứng phó…

“Cái Tổ” là tâm huyết của biên đạo múa Vũ Ngọc Khải và được trình diễn bởi chính anh kết hợp cùng nhạc sĩ - DJ Trí Minh, nghệ sĩ viola Trần Thị Ngọc Thủy. Vũ Ngọc Khải chia sẻ, anh nhen nhóm ý tưởng thực hiện tác phẩm này từ những ngày giữa năm 2020, khi cả thế giới phải đối mặt Covid-19, cũng là thời điểm vợ anh vừa sinh con nhỏ. Vũ Ngọc Khải bắt đầu nghĩ nhiều hơn về ngôi nhà, về cội nguồn, khoảng cách, mối dây gắn kết, tình cảm, trách nhiệm của mỗi cá nhân với gia đình, xã hội và tìm cách chuyển tải suy nghĩ đó thành ngôn ngữ của nghệ thuật múa và âm nhạc qua tác phẩm “Cái Tổ”.

Việc dàn dựng ra mắt tác phẩm do tổ chức hoạt động vì nghệ thuật “1648 kilomet” thực hiện. Đây là tổ chức do Vũ Ngọc Khải sáng lập cùng người bạn Văn Quý Ngọc Ái khi trở về nước sau nhiều năm học tập, làm việc tại châu Âu với vai trò diễn viên, biên đạo múa của nhiều nhà hát nổi tiếng ở Hà Lan, Đức, Italia, Thụy Sĩ.

Theo biên đạo múa sinh năm 1985, tổ chức “1648 kilomet” nhằm tạo nhịp cầu nối mang các chương trình nghệ thuật ý nghĩa tới cộng đồng, giúp họ có nhiều điều kiện tiếp cận nghệ thuật hơn. Tên gọi của tổ chức thể hiện chiều dài đất nước tính theo đường chim bay. Từ khi thành lập đến nay, lần lượt các tác phẩm múa đương đại đầy ấn tượng, khai thác chất liệu văn hóa truyền thống dân tộc đã ra đời và lan tỏa trên các sân khấu cả nước. Mở đầu là vở múa “Nón” do Vũ Ngọc Khải thực hiện cùng nghệ sĩ âm nhạc dân tộc Ngô Hồng Quang chạm đến cảm xúc người xem trong nước và thế giới bằng truyền thuyết về trời tròn, đất vuông gắn với các biểu tượng văn hóa gần gũi của người Việt Nam như nón, tre, áo nâu sồng, áo dài…

Tiếp đến là tác phẩm “Đáy giếng” tham dự Liên hoan Múa đương đại Hà Nội (Hanoi Dance Fest 2019), mang đến góc tiếp cận mới cho chuyển động múa khi kết hợp trống trận Tây Sơn, hình ảnh chiếu cói để tái hiện các lễ hội văn hóa dân gian Việt Nam. Trong khi đó, hai tác phẩm múa: “Cái Tổ”, “Bão xuyên” khắc vào lòng người điểm nhấn về sự gắn kết văn hóa của các thành viên trong gia đình người Việt…

Tìm về với vẻ đẹp của các giá trị truyền thống và tìm cách biểu đạt nó qua ngôn ngữ của múa đương đại để công chúng yêu hơn những tinh túy văn hóa được trao truyền từ cha ông, đó là con đường biên đạo Vũ Ngọc Khải lựa chọn và cũng là hướng đi mà “1648 kilomet” hướng tới để nhận diện và khẳng định diện mạo của múa đương đại Việt Nam trong dòng chảy hội nhập.

Bên cạnh tổ chức biểu diễn nghệ thuật gắn với múa đương đại, “1648 kilomet” còn thực hiện thường xuyên nhiều hoạt động phi lợi nhuận dành cho cộng đồng. Thông qua những sự kiện như “Từ tôi đến bạn”, “Nghệ thuật cho mọi người”…, tổ chức đã phối hợp cùng một số nghệ sĩ trong nước, quốc tế dạy múa và các kiến thức về cơ thể học cho học sinh khiếm thị để các em biết cách bảo vệ cơ thể khi không may bị ngã, tránh chấn thương gãy cổ tay, cổ chân.

Các nghệ sĩ cũng hướng dẫn trẻ em nghèo miền Tây Nam Bộ cách làm những đồ vật tái chế thành áo, túi, khăn... hoặc mang ngôn ngữ múa, hội họa đến với các em nhỏ không may bị nhiễm HIV ở TP Hồ Chí Minh…

Theo biên đạo múa Vũ Ngọc Khải, khoảng thời gian này, mặc dù các sân khấu biểu diễn nghệ thuật trực tiếp chưa thể hoạt động trở lại do ảnh hưởng dịch Covid-19, song anh và các cộng sự vẫn luôn đau đáu tìm kiếm những hình thức mới để nghệ thuật luôn được vận động.

“1648 kilomet” đang phối hợp với hai nghệ sĩ quốc tế tại Hà Nội thực hiện một video múa biểu đạt khát vọng chiến thắng sự cô đơn và kiếm tìm niềm vui trong tâm hồn và cuộc sống của mỗi người. Điều này thật sự mang nhiều ý nghĩa động viên đến mọi người trong bối cảnh giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19 hiện nay.