Các nước châu Âu vừa có một mùa đông khắc nghiệt, khi kinh tế Eurozone vấp phải nhiều trở ngại, với đợt bùng phát dịch mới do biến thể Omicron lây lan nhanh và lạm phát tiếp tục tăng do giá năng lượng tăng và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài. Tình trạng tắc nghẽn nguồn cung và chi phí năng lượng cao cũng làm giảm hoạt động kinh tế trong ngắn hạn.
Giá năng lượng vẫn là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ lạm phát tăng cao trong những tháng gần đây. Chi phí năng lượng trực tiếp làm tăng giá cả trong tháng 1/2022. Giá thực phẩm cũng tăng do các yếu tố mùa vụ, chi phí vận chuyển và giá phân bón cao hơn. Lạm phát dự kiến sẽ vẫn ở mức cao và áp lực giá cả đang tác động đến sức mua cũng như mức tăng trưởng tiêu dùng của người dân.
Giá năng lượng tăng là một mối lo ngại nghiêm trọng, tác động mạnh đến các hộ gia đình dễ bị tổn thương nhất và các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Nếu áp lực giá cả dẫn đến việc tiền lương tăng cao hơn dự tính hoặc nền kinh tế khôi phục toàn bộ công suất nhanh hơn thì lạm phát có thể còn cao hơn.
Giá cả được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao cho đến mùa hè sau khi lạm phát dự kiến giảm nhờ các yếu tố về giá năng lượng và chuỗi cung ứng được cải thiện. Tuy nhiên, các yếu tố bất ổn và nguy cơ vẫn ở mức cao, trong đó Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo, căng thẳng địa chính trị ở Đông Âu càng làm gia tăng nguy cơ tiềm ẩn với nền kinh tế khu vực.
Theo kết quả khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit (Anh), tăng trưởng kinh tế của khu vực Eurozone trong tháng 1/2022 giảm xuống mức thấp nhất trong 11 tháng qua do tác động của biến thể Omicron. Nguyên nhân là ngành dịch vụ bị ảnh hưởng và sản xuất chững lại vì khó khăn về nguồn cung.
Số ca nhiễm biến thể Omicron tăng vọt làm gián đoạn các ngành dịch vụ hướng tới người tiêu dùng khi các ngành này phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực và chịu ảnh hưởng từ các quy định giãn cách xã hội.
Trước những khó khăn chung của nền kinh tế, Ủy ban châu Âu (EC) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Eurozone xuống 4% trong năm 2022, thấp hơn mức 4,3% được đưa ra trong dự báo cách đây 3 tháng. Trong khi đó, lạm phát được cho là sẽ tăng mạnh hơn mức dự báo 3,5%.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho rằng, nền kinh tế khu vực dễ chịu tác động khi giá cả tăng do phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu. EC dự báo, kinh tế Eurozone sẽ trở về mức tương đương trước đại dịch vào năm 2023, khi lạm phát trong khu vực còn 1,7%, thấp hơn mức 2% mà Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) khuyến nghị. Khi đó, kinh tế khu vực có thể sẽ tăng trưởng 2,7%.
ECB đang chịu nhiều áp lực do lạm phát tăng khiến ngày càng có nhiều lời kêu gọi ngân hàng này thu hẹp quy mô chương trình kích thích tiền tệ và chính sách lãi suất 0%, vốn được đưa ra để hỗ trợ kinh tế vượt khó khăn trong đại dịch. Tuy nhiên, việc thắt chặt chính sách tiền tệ và nâng lãi suất sẽ gây áp lực với một số nước châu Âu đang ghi nhận nợ công tăng, như Italia, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Pháp. ECB nhận định, hiện chưa phải lúc điều chỉnh chính sách tiền tệ và lãi suất. Theo Chủ tịch ECB Christine Lagarde, lạm phát ở Eurozone có thể sẽ kéo dài hơn so với dự kiến.
Các dữ liệu gần đây cho thấy, đà tăng trưởng kinh tế ở mức vừa phải do biến thể Omicron lây lan. Các biện pháp đối phó làn sóng dịch mới đã làm giảm các hoạt động kinh tế, đặc biệt là trong các dịch vụ tiêu dùng như du lịch, lữ hành, khách sạn và giải trí. Tăng trưởng kinh tế quý IV năm 2021 của Eurozone đã giảm xuống mức 0,3%. Đại dịch kéo dài được nhận định có thể sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến tăng trưởng trong đầu năm 2022.
Chính phủ Đức đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2022, bởi cho rằng sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron là nguyên nhân kìm hãm sự phục hồi của quốc gia công nghiệp hàng đầu châu Âu. GDP của Đức ước tính sẽ tăng 3,6% trong năm 2022, giảm so với mức dự báo 4,1% đưa ra trước đó. Sự phục hồi của nền kinh tế “đầu tàu” châu Âu chỉ đạt tốc độ trở lại khi làn sóng dịch chững lại và những đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu dần được khắc phục trong năm 2022.
Mặc dù một số nước như Pháp, Italia đã chứng kiến mức tăng trưởng trong năm 2021, nhưng nhìn chung nền kinh tế khu vực đứng trước những thách thức không nhỏ trong năm 2022. Eurozone đã trải qua một mùa đông với nhiều áp lực và sự phục hồi kinh tế tiếp tục mong manh trước tác động của đại dịch.