Mùa đông châu Âu lạnh lẽo hơn với rủi ro suy thoái

NDO - Hoạt động sản xuất, thương mại của khu vực tư nhân khối EU lại tiếp tục giảm trong tháng thứ hai liên tiếp. Châu Âu đang phải đối mặt với mức lạm phát kỷ lục mới và sự bất ổn định trong nguồn cung năng lượng, nhất là khi Nga sẽ ngừng cung cấp khí đốt trong thời gian tới. Điều này dấy lên lo ngại về tình trạng suy thoái kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Sự phục hồi kinh tế chậm chạp tại Pháp sẽ chưa thể đưa quốc gia châu Âu này vượt qua được khủng hoảng trong năm nay. (Ảnh: MINH DUY)
Sự phục hồi kinh tế chậm chạp tại Pháp sẽ chưa thể đưa quốc gia châu Âu này vượt qua được khủng hoảng trong năm nay. (Ảnh: MINH DUY)

Những dấu hiệu không khả quan

Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan thông tin tài chính S&P Global vừa công bố ngày 23/8 vừa qua, sản lượng kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu đã thu hẹp trở lại trong tháng 8, chạm mức thấp nhất trong vòng 18 tháng qua. Điển hình là hai nước "đầu tàu kinh tế châu Âu" gồm Đức và Pháp. Sản lượng kinh tế của Pháp đã giảm lần đầu tiên sau 18 tháng, trong khi đó, khối doanh nghiệp tư nhân của Đức ghi nhận tháng giảm thứ hai liên tiếp.

Báo cáo cho biết thêm, sự thu hẹp của khu vực đồng euro chủ yếu là do hai nền kinh tế lớn này. Sản lượng kinh tế ở các thành viên còn lại của Liên minh châu Âu lại có dấu hiệu tăng trưởng nhẹ.

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), tháng 7, khu vực đồng euro ghi nhận tỷ lệ lạm phát trung bình lên tới 8,9%, so với mức 2,2% cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ lạm phát trung bình của cả khu vực EU là 9,8%, tăng 0,2% so với tháng 6 và 2,5% cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức cao nhất trong lịch sử của khu vực này. Pháp và Malta có mức lạm phát thấp nhất, 6,8%, so với hai nước "đội sổ" gồm Latvia (21,3%) và Estonia (23,2%).

Sự suy giảm của hoạt động kinh tế cũng đến từ thực trạng kém sôi động của lĩnh vực sản xuất, du lịch và giải trí do lạm phát đáng kể. Theo phân tích của Bloomberg (nhà cung cấp toàn cầu về tin tức và thông tin tài chính), những dấu hiệu đấy cho thấy khu vực đồng euro đang rơi vào suy thoái ngay cả khi khối này đang phải vật lộn ứng phó với giá tiêu dùng đang tăng cao.

Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence nhận định: “Các dữ liệu công bố của khối đồng tiền chung châu Âu cho thấy nền kinh tế khu vực đang thu hẹp trong quý 3 năm nay. Do đó, phần còn lại của năm 2022 được dự đoán sẽ khó khăn cho các công ty trong khu vực này.”

Phục hồi chậm sau đại dịch do chi phí tăng cao

Sự gia tăng lạm phát chủ yếu đến từ sự leo thang của chi phí năng lượng kể từ khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine. Khí đốt tự nhiên từ Nga cực kỳ quan trọng đối với sản xuất công nghiệp và sản xuất điện trong khối sử dụng đồng tiền euro. Phía Nga vẫn tiếp tục tiến hành cắt giảm nguồn cung, khiến giá cả năng lượng ở EU tăng lên trông thấy. Giá cả năng lượng của Hà Lan, vốn được dùng làm mức tiêu chuẩn tại châu Âu, đã tăng hơn 13% lên 276,74 euro mỗi MWh vào ngày 22/8 vừa qua.

Trong khi lĩnh vực dịch vụ có tín hiệu tốt trong tháng 8, tuy nhiên vẫn chỉ được đánh giá đang ở mức “trì trệ”. Nền kinh tế khu vực ghi nhận sự suy giảm trong một số lĩnh vực, chẳng hạn như du lịch hoặc bất động sản.

Nhà kinh tế học tại S&P Global, Andrew Harker cho hay, chi phí sinh hoạt tăng mạnh đã ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng phục hồi sau đại dịch, dù đã gỡ bỏ các quy định hạn chế phòng chống Covid-19. Chi phí kinh doanh tiếp tục tăng mạnh trong tháng 8, dù có xu hướng chậm dần lại, vẫn ảnh hưởng đến giá bán của các sản phẩm và dịch vụ.

Cũng đáng lo ngại không kém khi tỷ lệ tạo việc làm giảm tháng thứ ba liên tiếp, xuống mức thấp nhất trong gần một năm rưỡi.

Nền kinh tế Pháp lần đầu tiên rơi vào tình trạng thu hẹp trong tháng 8 sau gần một năm rưỡi phục hồi mạnh mẽ. Cơ quan thông tin tài chính S&P Global cho biết, chỉ số hoạt động của khu vực tư nhân tại Pháp đã giảm trong tháng 8. Hoạt động dịch vụ chứng kiến mức tăng trưởng thấp nhất trong 16 tháng. Sản lượng sản xuất giảm tháng thứ ba liên tiếp.

Rủi ro suy thoái

Trước đó, Liên minh châu Âu có một niềm tin mãnh liệt về những triển vọng phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19, không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn thế giới. Nhưng viễn cảnh đó đã lùi xa tầm tay một chút kể từ khi cuộc xung đột giữa hai nước Nga và Ukraine nổ ra.

Nhiều hệ quả tiêu cực nhìn thấy ngay trước mắt như sự thiếu hụt năng lượng chưa từng thấy, khủng hoảng lương thực, gia tăng giá cả của các nguồn nguyên liệu và lạm phát phi mã có thể lên tới 10% ảnh hưởng trực tiếp đến những sản phẩm sinh hoạt thiết yếu của người dân.

Chia sẻ trong bài viết trên báo Les Echos (Pháp) xuất bản ngày 23/8, ông Rory Fennessy, chuyên gia kinh tế tại Công ty dự báo kinh tế toàn cầu và phân tích kinh tế lượng Oxford Economics, cho biết: “Nguy cơ thiếu hụt năng lượng trong mùa đông đã giảm bớt phần nào nhưng vẫn là yếu tố đóng vai trò then chốt trong những tháng tới."

Trong bối cảnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh của châu Âu ít có dấu hiệu khả quan trong tương lai gần, Christoph Weil, chuyên gia kinh tế tại Commerzbank, đã chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với hãng Reuters gần đây: “Chỉ số PMI tiếp tục giảm trong tháng 8 cho thấy khả năng sẽ xảy ra suy thoái trong mùa đông cuối năm nay”.

Phía Nga chỉ cung cấp khí đốt với số lượng hạn chế. Lạm phát tăng cao làm hạn chế chi tiêu của các hộ gia đình. Các công ty, doanh nghiệp đang đối mặt với những bất ổn lớn khiến triển vọng kinh tế khu vực đồng euro chìm trong ảm đạm.

Ông Bert Colijn, chuyên gia kinh tế tại Tập đoàn ngân hàng tài chính ING cũng có chung quan điểm về mối lo ngại trước một cuộc suy thoái của nền kinh tế đồng tiền chung euro, dựa trên chỉ số PMI không mấy sáng sủa của tháng 8.

Pháp vẫn giữ niềm tin

Điểm tích cực duy nhất là niềm tin của các hộ gia đình tại Pháp có xu hướng phục hồi trở lại. Trong tháng 8, chỉ số niềm tin được cải thiện nhẹ sau 7 tháng giảm liên tiếp.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Le Parisien xuất bản ngày 27/8, Thủ tướng Pháp, bà Elisabeth Borne, cam kết rằng chính phủ sẽ thực hiện “các biện pháp cụ thể” để giảm thiểu tác động của tình trạng lạm phát lên sức mua của người dân, cũng như cam kết “sẽ không để giá năng lượng bùng nổ”.

“Chúng ta cần phải có những biện pháp mới để thay thế cho hàng rào thuế quan trước đó, vốn được áp dụng để hạn chế sự leo thang giá cả của khí đốt và năng lượng điện”, bà Elisabeth Borne nhấn mạnh.

Một tia sáng khả quan hơn trong bản báo cáo của S&P Global cho rằng tác động của lạm phát đối với nền kinh tế khu vực này có thể đã đạt đến đỉnh điểm. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Sud-Ouest được xuất bản ngày 28/8, Bộ trưởng Kinh tế, Tài chính và Chủ quyền Công nghiệp và Kỹ thuật số Pháp, ông Bruno Le Maire, cũng nhận định rằng Pháp đang ở “đỉnh điểm của lạm phát”. “Sẽ không có kịch bản nào cho tình trạng lạm phát lên đến 2 con số”, theo nhận định của vị Bộ trưởng này trong chương trình “C dans l’air” phát sóng trên kênh France 5 ngày 26/8.

Ông Bruno Le Maire nhận định: Tại Pháp, trong những tuần và tháng tới, từ nay cho đến cuối năm 2022, chúng ta vẫn sẽ tiếp tục chịu mức giá rất cao. Sau đó, vào đầu năm 2023, trong quý đầu tiên của năm 2023, chúng ta sẽ bắt đầu thấy giá cả và lạm phát giảm xuống.